Trải nghiệm dọc đường 9 'Hành lang kinh tế Đông - Tây'

Trong khuôn khổ hội nghị 'Gặp gỡ Thái Lan', có chuyến tham quan Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Nhà máy điện gió Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Trị, chúng tôi đã đăng ký ngay tour này để được theo dọc quốc lộ 9 (hay còn gọi đường 9) để được mục sở thị những cảnh quan trên tuyến đường lịch sử này.

Những địa danh lịch sử

Buổi sáng không khí mát mẻ, chúng tôi cùng nhiều vị khách các tỉnh, thành phía Bắc ngồi trong chiếc xe hiệu SAMCO xuất phát từ thành phố Đông Hà ngược lên đường 9; có lẽ cũng như tôi, nhiều đại biểu các tỉnh vùng Tây Bắc lần đầu tiên khám phá con đường huyền thoại này. Trong kháng chiến chống Mỹ, đường 9 là con đường chiến lược nối biên giới Việt Lào với Đông Hà. Dọc trục đường số 9 người Mỹ cho xây dựng các căn cứ quân sự, cứ điểm, lô cốt nhằm cắt chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Tuyến đường này đã in dấu bao chiến tích lẫy lừng của quân giải phóng, đập tan âm mưu chia cắt của Mỹ ngụy, thông đường tiếp vận cho miền Nam đến ngày hoàn toàn giải phóng… Ngày nay, chỉ cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng 6 km về phía Tây, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 nằm trên vùng đồi tĩnh lặng hướng ra quốc lộ 9, nơi tri ân của hơn 9.500 anh hùng, liệt sĩ thuộc bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, thanh niên xung phong đã từng chiến đấu, phục vụ chiến trường mặt trận đường 9 và trên đất Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bác tài xế người Quảng Trị lái chiếc SAMCO chở hơn 30 đại biểu hôm ấy như hiểu được tâm lý những vị khách phương xa muốn chiêm ngưỡng các di tích lịch sử nổi tiếng vùng đất lửa năm xưa, xe ra ngoại ô thành phố Đông Hà, bác tài điều khiển chạy chậm lại đoạn qua Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9 để mọi người hướng mắt chiêm ngưỡng về nơi linh thiêng ấy.

Đoàn Thái Lan, Việt Nam tham quan Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo.

Với trục đường huyết mạch số 9, những năm sau giải phóng đã được bộ ngành Trung ương, tỉnh Quảng Trị lần lượt đầu tư vốn nâng cấp bê tông láng nhựa hiện đại, đường rộng rãi, thông thoáng, thuận tiện giao thông, phát triển kinh tế - xã hội các địa phương dọc theo tuyến đường Hành lang kinh tế Đông - Tây của Quảng Trị ngày nay. Chỉ chừng 30 phút xe chạy, chúng tôi đã bắt gặp thị trấn Cam Lộ, thủ phủ của huyện Cam Lộ trên vùng đất đỏ ba zan đã thay da đổi thịt. Không chỉ trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trung tâm y tế rộng rãi, khang trang mà nhiều nhà dân được xây nhiều tầng bề thế, đẹp đẽ nằm san sát nhau, dọc theo đường 9 qua trung tâm thị trấn; hay những căn nhà mái Thái ẩn mình giữa vườn cây trái ở vùng ven thị trấn. Ở đây còn có nhà máy sản xuất gạch tuy nen, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Vùng đất lửa này được giải phóng 50 năm trước vinh dự đón Chủ tịch Cuba Fidel Castro đến thăm vùng đất vừa được giải phóng của tỉnh Quảng Trị (9/1973). Khi ấy, lãnh tụ Cuba đã ngược lên đường 9 đến Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở huyện Cam Lộ. Tiếp đó, vị nguyên thủ quốc gia tiếp tục đi theo đường 9 thăm Cứ điểm 241 Tân Lâm, mà Mỹ gọi là Căn cứ Carol nằm trên đồi cao, cách đường 9 đoạn qua xã Cam Thành, huyện Cam Lộ khoảng 2 km. Tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức kỷ niệm 50 năm sự kiện lịch sử này (9/1973 – 9/2023), có sự tham dự của ông Esteban Lazo Hernandez, Chủ tịch Quốc hội Chính quyền nhân dân Cuba.

Phát triển điện gió ở huyện Hướng Hóa phía Tây tỉnh Quảng Trị.

Qua vùng đất Cam Lộ, chúng tôi tiếp tục hành trình dọc đường 9 đến với các miền đất in dấu ấn lịch sử một thời như Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh, ngày nay thuộc các huyện Đakrông, Hướng Hóa. Ở đâu đời sống người dân đều được thay đổi, nhất là các khu thị tứ sầm uất. Tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, khoảng gần 100 xe container nối đuôi chờ làm thủ tục sang Lào vận chuyển hàng hóa. Buổi trưa hôm ấy, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã giới thiệu với ngài Nikorndej Balankura, Đại sứ Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam cùng các thành viên trong đoàn về vai trò, vị trí chiến lược kinh tế của Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo. Cửa khẩu này nằm trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (đường 9) từ Việt Nam qua Lào, Thái Lan, Myanmar liên kết các tiểu vùng trong khu vực; tổng trị giá hàng hóa qua cửa khẩu khoảng 500 triệu USD mỗi năm. Tiếp đó, đoàn xe tham quan vòng về thị trấn Khe Sanh để lên thăm Nhà máy điện gió Hướng Tân thuộc huyện Hướng Hóa có công suất 92,4 MW. Đến nay, Quảng Trị đã có 19 dự án điện gió đi vào vận hành, với tổng công suất 671 MW; bên cạnh 12 dự án đang thi công; đa số các dự án nằm về phía Tây tỉnh Quảng Trị. Tỉnh hướng đến nguồn năng lượng sạch, góp phần cung cấp điện lưới quốc gia.

Chia sẻ hợp tác đầu tư

Quá trưa đoàn tham quan về đến thành phố Đông Hà dự hội nghị “Gặp gỡ Thái Lan”. Tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, Việt Nam, Thái Lan nói chung, Quảng Trị, Thái Lan nói riêng có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC), thông qua hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch diễn ra khá sôi động. Trên địa bàn Quảng Trị có 7 dự án của Thái Lan với tổng mức đầu tư trên 100 triệu USD. “Gặp gỡ Thái Lan” là diễn đàn để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, Thái Lan tìm kiếm các cơ hội, đẩy mạnh hợp tác đầu tư. Thái Lan có thế mạnh: công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng và logistics, kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa, xử lý nước sạch, rác thải. Cùng đó, lĩnh vực công nghệ, tài chính, mạng lưới thị trường quốc tế, kỹ năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Thái Lan đều phát triển mạnh, khi kết hợp lợi thế các địa phương Việt Nam sẽ mang lại lợi ích to lớn, thiết thực cho cả đôi bên.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam Nikorndej Balankura cho rằng: “Hiện nay, Thái Lan là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ 9 tại Việt Nam, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam tại ASEAN. Điểm nổi bật của nhà đầu tư Thái Lan chính là những nhà đầu tư chất lượng, luôn coi trọng công việc kinh doanh đi cùng với trách nhiệm, sự phát triển bền vững của địa phương, cộng đồng nơi Thái Lan đến đầu tư”.

Đề xuất đầu tư cho Bình Thuận

Với Bình Thuận, từ trước đến nay các doanh nghiệp từ Thái Lan đến đầu tư vẫn còn “khiêm tốn”; toàn tỉnh mới thu hút 3 dự án từ các nhà đầu tư Thái Lan, tổng vốn 0,9 triệu USD. Trong khuôn khổ hội nghị Gặp gỡ Thái Lan, ông Trần Minh Hoài, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Thái Lan có thế mạnh công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, tỉnh có thể xem xét đề xuất một số lĩnh vực hợp tác về công nghiệp năng lượng, sản xuất ô tô điện, các loại hình du lịch, chế biến thực phẩm, trái cây. Về lâu dài, tỉnh sẽ phối hợp các bên liên quan để xúc tiến hợp tác đầu tư các dự án năng lượng tái tạo sử dụng công nghệ tiên tiến, dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị điện - điện tử, thiết bị phục vụ ngành năng lượng. Lĩnh vực ô tô điện có thể hợp tác dự án công nghiệp phụ trợ ô tô, sản xuất lắp ráp ô tô điện. Tỉnh ưu tiên xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, hợp tác phát triển các loại hình theo xu hướng hiện nay như du lịch thể thao biển, du lịch MICE, du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, sinh thái rừng - biển - đồi cát, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm; chế biến nông sản, thực phẩm.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/trai-nghiem-doc-duong-9-hanh-lang-kinh-te-dong-tay-112658.html