Trải nghiệm nghề truyền thống ở Hải Dương

Việc gìn giữ, phát triển nghề truyền thống thông qua các hoạt động trải nghiệm đang được nhiều cơ sở, làng nghề ở Hải Dương áp dụng, mang lại hiệu quả, giá trị thiết thực.

Học sinh mầm non ở Ninh Giang học làm bánh gai

Học sinh mầm non ở Ninh Giang học làm bánh gai

Trải nghiệm để quảng bá

Sau gần 400 năm thất truyền, gốm Chu Đậu (Nam Sách) đã hồi sinh. Thế nên những nghệ nhân ở đây càng đau đáu và trăn trở giữ nghề. Bên cạnh tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty CP Gốm Chu Đậu đặc biệt quan tâm tới việc tạo dựng, lan tỏa những giá trị của dòng gốm cổ này. Để mọi người biết tới nhiều hơn, có thêm kiến thức, thông tin về gốm Chu Đậu, doanh nghiệp luôn tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tới tham quan, trải nghiệm.

Theo đại diện Công ty CP Gốm Chu Đậu, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách, công ty chủ động chuẩn bị mọi điều kiện để đón tiếp các đoàn tới trải nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu. Tháng nào cũng có đoàn tới xưởng sản xuất với nhiều thành phần, lứa tuổi khác nhau từ trẻ em, học sinh, sinh viên, tới khách du lịch, nhà nghiên cứu… Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp đón khoảng 15.000 lượt khách tới tham quan, trải nghiệm. Không chỉ được cung cấp thông tin, tìm hiểu về dòng gốm đặc trưng, lâu đời của mảnh đất xứ Đông, mọi người còn thích thú, háo hức khi được tự tay làm gốm. Thông qua hoạt động này, doanh nghiệp muốn các thế hệ, nhất là giới trẻ trân trọng, gìn giữ nghề làm gốm đã từng bị lãng quên, thất truyền.

Là đời thứ ba kế nghiệp thương hiệu bánh gai Thanh Tới nức tiếng ở huyện Ninh Giang, anh Nguyễn Văn Dương luôn trăn trở tìm hướng đi để phát triển nghề truyền thống của gia đình, địa phương. Anh Dương quan niệm giữ nghề cổ truyền phải bằng cả chất lượng và danh tiếng sản phẩm. Do đó, anh luôn muốn giới thiệu, quảng bá đặc sản quê hương. Anh lựa chọn xây dựng hình ảnh bánh gai thông qua các hoạt động, câu chuyện trải nghiệm.

Người dân, du khách tới Ninh Giang tham quan, chiêm bái đền Tranh, thưởng thức rối nước Hồng Phong sẽ ghé qua cơ sở sản xuất bánh gai để tận mắt tìm hiểu về loại bánh đặc sản ở nơi đây. Bên cạnh phục vụ người dân, du khách, cơ sở sản xuất nhà anh Dương cũng sẵn lòng hỗ trợ các trường học trên địa bàn muốn đưa trẻ em, học sinh tới trải nghiệm thực tế. “Có đoàn tới tham quan sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng thu xếp để vừa bảo đảm sản xuất vừa mang lại trải nghiệm mới mẻ, thú vị cho mọi người”, anh Dương cho hay

Cần bài bản

Nghề thêu ren Xuân Nẻo là một trong số làng nghề được định hướng phát triển hoạt động trải nghiệm (ảnh tư liệu)

Nghề thêu ren Xuân Nẻo là một trong số làng nghề được định hướng phát triển hoạt động trải nghiệm (ảnh tư liệu)

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có 66 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 1 làng nghề nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều nghề truyền thống, lâu đời mang đậm đặc trưng của mảnh đất xứ Đông.

Thời gian qua, bên cạnh các nghề vẫn được gìn giữ, phát triển trong xã hội hiện đại thì một số nghề đã mai một. Vì vậy, làm sao để phát triển nghề truyền thống vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, người làm nghề mong sản phẩm làm ra được quảng bá rộng rãi và nhiều người dân muốn tìm lại giá trị xưa, hoạt động trải nghiệm làng nghề đã ra đời. Tuy nhiên, phần lớn các hoạt động này vẫn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản.

Thời gian gần đây, cơ sở thêu may Minh Tú ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cũng tiếp đón các đoàn tới trải nghiệm, tìm hiểu về nghề thêu ren. Đại diện cơ sở cho biết bên cạnh sự phấn khởi vì ngày càng nhiều người biết tới nghề truyền thống của địa phương thì cơ sở cũng lo lắng bởi có nhiều kinh nghiệm trong làm nghề nhưng lại thiếu kỹ năng để tổ chức các buổi trải nghiệm. Khi mọi người tới trải nghiệm, cần phải có thông tin để thuyết minh. Thông tin về làng nghề phải thống nhất giữa các cơ sở. Đồng thời cũng cần phải đầu tư vật dụng để phục vụ người dân, du khách trải nghiệm, thực hành thực tế. Vì vậy, cơ sở đề nghị các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để có thể tổ chức các buổi trải nghiệm ý nghĩa, thiết thực và hiệu quả.

Tỉnh đang triển khai hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), trong đó tập trung xây dựng sản phẩm nghề truyền thống thành sản phẩm OCOP. Hoạt động trải nghiệm nghề truyền thống chính là giải pháp để truyền tải thông điệp về câu chuyện sản phẩm OCOP.

Tỉnh đã định hướng, bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống, từ đó phát triển du lịch nông thôn. Trong đó tập trung cho việc phục dựng, phát triển nghề truyền thống gắn với không gian văn hóa, di tích lịch sử, cách mạng. Ưu tiên chọn lựa một số nghề tiêu biểu, nổi bật để xây dựng, triển khai các hoạt động trải nghiệm như thêu ren Xuân Nẻo, mộc Đông Giao, mộc Cúc Bồ, giầy da Hoàng Diệu, gốm Chu Đậu, gốm Cậy…

Thông qua hoạt động trải nghiệm, nghề truyền thống của Hải Dương không những khai thác được hiệu quả kinh tế mà còn phát huy giá trị vô hình khác.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/trai-nghiem-nghe-truyen-thong-o-hai-duong-379407.html