Trầm cảm sau sinh: Hệ lụy tới xã hội và sức khỏe người lao động

Sự việc rất đau lòng đang gây xôn xao dư luận hiện nay xảy ra khi cháu bé 35 ngày tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội bị chính mẹ ruột của mình sát hại. Trước thông tin về việc người mẹ bị trầm cảm, PV Báo Lao Động đã phỏng vấn các chuyên gia về tâm thần để hiểu rõ hơn về căn bệnh đáng sợ này.

Sau sinh, nhiều chị em phụ nữ phải tìm đến bác sĩ để giải tỏa những vấn đề tâm lý.Ảnh: NAM PHƯƠNG

Phụ nữ sau sinh gặp phải nhiều rối loạn tâm thần

Trao đổi với PV Lao Động, PGS-TS Cao Tiến Đức - Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý học, Học viện Quân Y 103 - cho biết trầm cảm sau sinh chỉ là một trong những rối loạn tâm thần thường gặp ở phụ nữ sau sinh. Trầm cảm sau sinh có triệu chứng đầy đủ là buồn (thể hiện khí sắc, trầm, vẻ mặt buồn rầu), chán (mất hứng thú, sở thích), còn theo WHO triệu chứng quan trọng nữa là mệt mỏi, giảm năng lượng, hay ngồi hoặc nằm một chỗ.

Ngoài ra có những triệu chứng nữa là rối loạn ăn uống, giấc ngủ, lo lắng, cẳng thẳng, bứt rứt, bồn chồn, bi quan, mặc cảm tội lỗi và nhiều triệu chứng như đau đầu, đau bụng, đau ngực, khớp, tim, vã mồ hôi… Cuối cùng là ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Các triệu chứng này tồn tại 2 tuần, mỗi bệnh nhân có 2 trong 3 triệu chứng chủ yếu hay gặp.

PGS Đức chia sẻ: “Gần đây nhất, trường hợp người mẹ trẻ (hơn 20 tuổi) sinh con lần đầu do mắc trầm cảm sau sinh đã bế đứa con mấy tháng tuổi của mình nhảy xuống ao tự vẫn. May mắn là được mọi người phát hiện kịp cứu sống cả hai mẹ con. Sau đó, cô này phải nằm viện điều trị và được chữa khỏi”. Theo BS Đức, cũng có nhiều gia đình cho rằng người mẹ mắc bệnh trầm cảm sau khi chữa khỏi bệnh cũng không được chăm sóc con, nên đã cách ly, không cho nuôi con. Điều đó chỉ làm cho bệnh nặng lên. Phải để cho người phụ nữ chăm sóc con, gần con nhưng gia đình phải có người trông nom, để ý, chăm sóc thường xuyên cả 2 mẹ con.

Bác sĩ Cao Tiến Đức khuyến cáo sau khi sinh, người phụ nữ phải ăn uống nghỉ ngơi điều độ, rèn luyện tâm lý để mình có ý chí, nghị lực vượt qua. Không nên lo lắng, căng thẳng quá. Hơn nữa, vai trò của gia đình rất lớn, người nhà cần giúp đỡ cả về vật chất, tinh thần; có người mẹ trẻ không biết cho ăn, chăm sóc con như nào thì gia đình cần có người hướng dẫn, chia sẻ. Vai trò của người chồng cũng vô cùng quan trọng. Phải giúp đỡ, động viên và cùng vợ chăm sóc cho con. Khi thấy phụ nữ sau sinh có bất thường, gia đình phải tìm hiểu, cần thì phải tư vấn của bác sĩ.

Sau sinh, nhiều bà mẹ có thái độ “thù địch” với con

Bác sĩ chuyên khoa II Tâm thần - Huỳnh Thanh Hiển cho biết đang điều trị cho một bệnh nhân mắc chứng trầm cảm sau sinh nghiêm trọng. Bệnh nhân 28 tuổi đến khám sau khi sinh con 3 tháng với biểu hiện mất ngủ suốt một thời gian dài và luôn mệt mỏi. Trong quá trình khám, bác sĩ phát hiện cô có một thái độ thù địch với đứa con mới sinh của mình. Người phụ nữ kể, khi thấy con khóc, chị rất khó chịu, thậm chí là muốn lấy gối đè lên mặt con để con không khóc nữa. Chị bộc bạch, có lúc đi đò ngang qua sông đã thoáng có ý định ném con xuống sông. Với trường hợp này, bên cạnh trị liệu tâm lý, bác sĩ khuyên mẹ ruột cô gái nên luôn ở cạnh con và cháu, không để người mẹ ở một mình cùng con. Sau 1 năm điều trị, người phụ nữ đã ổn định tâm lý và dần yêu thương con trở lại.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hiển cho biết, tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm sau sinh theo thống kê của thế giới là 8-15%, tùy quốc gia và tác giả nghiên cứu. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào mắc trầm cảm sau sinh cũng cần điều trị. 50% bệnh nhân tự vượt qua được nhưng cũng có không ít người rơi vào tình trạng không kiểm soát được như muốn giết con, muốn tự tử cùng con, thích bạo hành con… Những người này cần điều trị và cách ly tạm thời. Cách ly tức là không bao giờ để người mẹ ở 1 mình với con, phải luôn có mặt người thứ 3 như mẹ ruột, chồng, anh chị em thân thích.

“May mắn là người Việt có văn hóa rất hay là người phụ nữ khi sinh thường về nhà mẹ ruột. Tuy nhiên, cũng không ít cặp vợ chồng vẫn sống chung với gia đình chồng. Nếu nhà chồng và người chồng hiểu, thông cảm, thương yêu người vợ thì không sao. Nhưng nếu gia đình người chồng và chồng không hiểu sẽ tạo áp lực cho người phụ nữ sau sinh. Nói chung, người chồng phải khéo léo, chia sẻ với vợ ở giai đoạn nhạy cảm này” - BS Hiển chia sẻ.

Còn theo nghiên cứu của BS Lương Bạch Lan và Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Bệnh viện Hùng Vương TPHCM nghiên cứu trên 290 sản phụ và có con gửi dưỡng nhi của Bệnh viện Hùng Vương, kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ mới mắc trầm cảm sau sinh ở sản phụ có con gửi dưỡng nhi là 11,6%.

Trầm cảm sau sinh thường xuất hiện bắt đầu từ lúc phụ nữ bị thai hành đến tối đa 1 năm sau sinh. Các bác sĩ lý giải, hậu sản là một thời kỳ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, đặc biệt là sự thay đổi nhanh hormone ảnh hưởng đến việc xuất hiện các trạng thái bệnh lý. Bên cạnh đó, sau sinh áp lực thức trông con khiến người mẹ thường xuyên bị mất ngủ, giấc ngủ chập chờn làm gia tăng yếu tố mắc bệnh. Đây cũng là giai đoạn ngoại hình, cơ thể người phụ nữ có sự biến đổi rất nhiều, phụ nữ dễ tổn thương và mặc cảm vì điều đó. Do đó, cách ứng xử của người chồng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn này.

Tin bài liên quan

Nguy cơ từ 3,5 triệu người mắc bệnh trầm cảm

Người trầm cảm có nguy cơ tự tử cao gấp 25 lần so với người khác

7 mẹo “không bình thường” khống chế bệnh trầm cảm

Cô giáo trầm cảm thành người gieo ước mơ xanh

Dấu hiệu cảnh báo chứng trầm cảm ở sản phụ

Những thực phẩm trị trầm cảm hiệu quả hơn thuốc

7 lý do gây nên bệnh trầm cảm

Bi kịch của người vợ bị trầm cảm sau sinh và chồng đòi li hôn

KHƯƠNG QUỲNH - THÙY LINH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/suc-khoe/tram-cam-sau-sinh-he-luy-toi-xa-hoi-va-suc-khoe-nguoi-lao-dong-674151.bld