Trần Đăng Khoa: Lại thêm một sự bất an

VOV.VN -Thật kinh hoàng cho lối làm ăn cẩu thả tùy tiện và vô trách nhiệm, coi mạng người như cỏ rác.

Cái sự cố gây nên nỗi “bất an” ấy cũng đã xảy ra ngót tuần nay rồi. Sự việc đã qua, nhưng vấn đề vẫn còn lại. Một vấn đề có tính thời sự nóng bỏng. Nó vẫn đe dọa cuộc sống bình yên của chúng ta và rồi lại có thể bùng ra bất cứ lúc nào. Bởi thế, tôi mới lại phải lôi “nó” ra đây, để các quý vị, đặc biệt những quý ông quý bà ở các cơ quan chức năng cùng “ngắm” lại, rồi đưa ra những giải pháp khắc phục ngay để tránh những hiểm họa cho dân.

Đó là sự cố chập điện do thợ đào đường đã khoan trúng cáp điện cao thế ở ngõ 296 đường Trần Quốc Hoàn, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Một người dân trong khu vực kể lại: Đang trưa, anh nghe một tiếng nổ lớn. Tiếng nổ dữ dội như bom. Cả khu phố náo loạn. Thoạt tiên, anh tưởng bọn khủng bố. Nhưng không phải. Ở một Thủ đô văn hiến, thành phố hòa bình, có tiếng là an toàn vào bậc nhất trong khu vực, làm sao có khủng bố? Anh nhìn qua cửa sổ. Cùng với tiếng nổ là một quầng lửa phụt lên cao đến 5 mét. Hai người đàn ông khoan cắt bê tông ngã vật ra đường. Lửa phụt thẳng vào mặt. Họ bị bỏng nặng. Bỏng toàn thân. Cả cơ thể cháy trong lửa như một ngọn đuốc. Vậy mà kỳ diệu sao, cả hai đều không chết. Trong khi đó, vòm sấu trên đầu họ, cao hơn 4 mét đã cháy xém. Có mảng cháy thành tro.

Họ là những nông dân, không hiểu do bị thu hồi đất, hay lúc nông nhàn mà dạt về thành phố, bán sức lao động ở các chợ người. Công ty CP Đầu tư và phát triển Năng lượng Hà Nội thuê họ dùng khoan để thi công một đoạn vỉa hè. Đoạn vỉa hè này vừa được lát và lắp đặt đường ống dẫn nước cách đây vài tháng. Gạch vẫn còn mới và không có hiện tượng lún sụt. Giờ lại đào lên. Cái cảnh đào đường này vẫn diễn ra liên tục trong thành phố.

Có lẽ chẳng có đâu như ở Việt Nam. Một cung đường phẳng như lụa, vừa mới khánh thành còn chưa ráo nhựa, người ta đã lại đào lên để đặt ống dẫn nước, rồi ông viễn thông lại đào tiếp đặt đường dây điện thoại. Rồi ông thoát nước. Ông điện lực. Cứ ông nọ đào ông kia. Ông nào cũng chỉ biết mỗi việc của mình và chỉ xoay sở làm sao cho được việc của mình. Rốt cuộc là nhiều đoạn đường rất đẹp mà rồi lại bị vá nham nhở. Bẩn thỉu. Nhếch nhác. Manh mún. Vừa mất mỹ quan thành phố, vừa gây bao phiền hà cho dân.

Và rồi điều gì đến đã đến. Khi thảm họa xảy ra, mới hay người ta đã làm rất cẩu thả. Cẩu thả mà công trình vẫn được nghiệm thu, vẫn được đưa vào sử dụng. Thế mới lạ. Khi sự cố xảy ra, cũng chẳng có ai phải chịu trách nhiệm. Thật không thể hiểu nổi.

Nhiều người dân đã lên tiếng. Có người không giấu nổi sự ngỡ ngàng: “Tôi đi du lịch trong Nha Trang, thấy bên Công trình đô thị ở đó họ thi công vỉa hè rất bài bản. Luôn có một giám sát viên cùng với tổ công nhân làm việc. Người giám sát này có đầy đủ trong tay các bản vẽ, các sơ đồ đường điện ngầm, đường cấp-thoát nước, đường cáp thông tin... tại vị trí thi công. Tôi quan sát thấy người giám sát luôn chỉ dẫn công nhân phải đào xới ra sao”.

“Vậy mà ở Hà Nội, sao lại cẩu thả đến vậy. Khoan cắt bê tông vỉa hè mà không có người giám sát, chỉ dẫn, không có sơ đồ đường điện, đường nước. Đã thế, dây diện cao thế mà chỉ chôn sơ sài cách mặt đất chỉ khoảng chừng 30, 40 cm, lại không có ống bảo vệ, cứ chôn thẳng dây điện xuống đất, nếu rò điện, mà lại gặp trời mưa thì nguy hiểm khôn lường. Cả khu phố đi buôn “chuối nải” hết!”

Thật kinh hoàng cho lối làm ăn cẩu thả tùy tiện và vô trách nhiệm, coi mạng người như cỏ rác. Đề nghị phải xử lý và phạt thật nặng công ty nào thi công đường điện này!

Không phải chỉ đường điện cao thế, ngay cả việc thi công cáp ngầm đường điện trung thế cũng phải tuân theo một tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Độ sâu tối thiểu cho cáp ngầm trung thế đến 500KV cũng phải 700mm. Dây điện 3 pha chôn ngầm phải được đặt trong một ống nhựa dẻo có độ bền cao để bảo vệ lớp vỏ của cáp điện, đồng thời tránh trường hợp đào đường, đặt ống nước, hoặc đặt dây điện thoại, phải có ký hiệu cảnh báo. Thông thường, như ở các nước, người ta phải có đường cống bê tông riêng cho tất cả các loại cáp chạy trong đó. Bên ngoài hào cống có rải cát và đá để nếu có ai vô tình đào phải cũng sẽ nhận ra mình đang chạm vào vùng đất nguy hiểm cần thận trọng vì có những thiết bị ngầm.

Mấy năm trước đây, đi trên đường Thủ đô Hà Nội, hay các thành phố, thị xã, ai cũng phải rùng mình khi nhìn thấy những đường điện chằng chịt như mạng nhện không lồ. Sau trận mưa giông, những dây điện đứt, được cuốn thành những thòng lọng lủng lẳng. Không ít người phóng xe máy, không để ý đã gặp nạn. Có người còn thiệt mạng vì bị treo cổ theo đúng nghĩa. Trò giảo hình man rợ thời trung cổ đã hiển hiện nhỡn tiền.

Tuy nhiên thế, muốn nói gì đi nữa, chúng ta cũng phải ghi nhận những cố gắng của Thành phố Hà Nội trong việc làm đẹp bộ mặt Thủ Đô. Nhiều vỉa hè, đường phố quả có phong quang hơn, thoáng đãng hơn. Nhiều đoạn đường đã quét sạch “mạng nhện”. Điện lưới, đường điện thoại, viễn thông đã được đưa xuống lòng đất. Nhưng qua sự cố vừa rồi, mới hay mảng cáp ngầm và những công trình ngầm này cũng còn nhiều vấn đề bất ổn, bởi nó đang ẩn chứa biết bao hiểm họa, do lối làm ăn tạm bợ, cẩu thả, tắc trách, đã thế lại bị buông lỏng, vì không có sự giám sát chặt chẽ trong khi thi công.

Đây là lỗi có tính hệ thống. Nhiều công trình khác, cả những công trình thế kỷ cũng vậy. Có những cung đường vừa hoàn thành xong, nếu thoáng trông bên ngoài quả cũng mát mắt thật. Rộng rãi. Thoáng đãng. Hiện đại. Nhưng khi “vận hành”, mới hay nó chỉ là vẻ đẹp của hàng mã. Cũng như cái đập thủy điện sừng sững một góc trời Đăk mê, rất hoành tráng và oai nghiêm, vậy mà chỉ một cú va chạm của chiếc xe ben, cái công trình thế kỷ ấy đã vụn tơi như cám. Mới hay cái đập thủy điện kỳ vĩ ấy là thủy điện ma. Và ma đã hiện giữa ban ngày!

Lại nhớ chuyện ông giám đốc sở công nghiệp ở một thành phố lớn nhất nhì Việt Nam, bị truy tố vì đi săn bò tót. Từ đó mới vỡ ra chuyện ông ta chẳng làm được việc gì ra hồn ngoài việc ăn chơi. Ấy thế mà suốt bao nhiêu năm, chính quyền, đoàn thể với bao nhiêu Đảng viên, bao nhiêu cơ quan chức năng mà chẳng phát hiện ra điều gì. Cuối cùng phải nhờ đến...bò tót. Nếu con bò tót không dũng cảm lao vào họng súng săn của ông ta để tố cáo, thì giờ này có lẽ ông ta đã lên làm bộ trưởng.

Tương tự, cũng may nhờ cái anh xe ben quệt vào đập thủy điện, nhờ đến cả những chuyến xe vận hành thông thường trên tuyến đường Cầu Giẽ - Ninh Bình, chúng ta mới biết được chất lượng những công trình ấy như thế nào, trách nhiệm và hiệu quả của các cơ quan quản lý đến đâu?

Bây giờ, cũng lại phải nhờ đến hai anh chàng nông dân bán sức lao động, khoan sửa vỉa hè, chúng ta mới biết cái công trình cáp điện ngầm của ngành điện lực Hà Nội cẩu thả biết bao nhiêu. Đã đến lúc cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống cáp điện cao thế ngầm để tránh hiểm họa cho dân.

Chúng ta vẫn quen tư duy theo lối nhiệm kỳ với cách làm ăn manh mún tạm bợ, miễn là có lợi ích trước mắt cho một người, hay một nhóm người, rồi hết nhiệm kỳ thì an toàn hạ cánh. Còn lại “sống chết mặc bay”! Hậu quả tội vạ thế nào đã có con cháu gánh chịu.

Với lối nghĩ như thế, cách làm ăn như thế, nên các công trình của chúng ta thường không bền vững, cho dù đó là những công trình có tính thế kỷ. Ở các nước văn minh, thường luật pháp rất nghiêm ngặt. Vứt mẩu thuốc lá xuống đường cũng bị phạt đến mấy trăm đô la. Chỉ một vụ đổ tàu, một cây cầu bị sập, người chịu trách nhiệm ngành đó, thậm chí cả ở cấp cao hơn có liên quan cũng đã phải tự làm đơn từ chức. Ngay cả khi sự cố xảy ra, người chịu trách nhiệm đã chuyển công tác khác, kể cả người đã về hưu rồi cũng vẫn phải hầu tòa. Ta hiểu vì sao có những vị Tổng thống, quyền thế lẫy lừng, mà đến lúc nghỉ rồi còn phải ra đứng trước vành móng ngựa. Khi đã làm điều ác, có tội với dân, thì sẽ không còn được yên thân, cũng không còn chốn an toàn nào để mà “hạ cánh”./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/blog-toa-soan/tran-dang-khoa-lai-them-mot-su-bat-an/274237.vov