Trần tình của doanh nghiệp trước lệnh đóng cửa rừng

Đóng cửa rừng đồng nghĩa không được khai thác gỗ rừng tự nhiên dẫn đến công nhân không có việc làm, thiếu kinh phí cho hoạt động bảo vệ rừng nên nguy cơ mất rừng là tiềm ẩn đáng lo ngại.

Cty Đại Thành đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC)

Thực tế như tại Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành, thị trấn Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông.

Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành (Cty), với hoạt động chính là sản xuất kinh doanh rừng. Cty được giao quản lý và sử dụng 18.223,6 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 17.191 ha, rừng trồng 111 ha, đất nông nghiệp và đất khác hơn 921 ha.

Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2014 và kết quả phúc tra đánh giá tài nguyên 2014-2015 của Cty này, tổng trữ lượng gỗ rừng tự nhiên 2.725.727 m3; độ che phủ rừng đạt 94%. Tổng diện tích rừng tự nhiên giàu và trung bình là hơn 16.511 ha, chiếm 96% diện tích đất có rừng.

Năm 2007, Cty được Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Đắk Nông cho xây dựng và thực hiện thí điểm Phương án quản lý rừng bền vững. Đến năm 2014, được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý chủ trương cho thực hiện đánh giá, cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC và trên cơ sở hướng dẫn của Bộ NN-PTNT. Sau đó Cty đã hoàn tất các thủ tục mời tổ chức quốc tế đánh giá và đến ngày 10/9/2015 Cty đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC).

Thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, Cty tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật DN.

Sau đó, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 802/QĐ-UBND ngày 24/5/2016 phê duyệt Đề án sắp xếp, đổi mới Cty với ngành nghề chính là tổ chức sản xuất kinh doanh theo phương án quản lý rừng bền vững đã được phê duyệt. Xét về chủ trương, Cty có đủ điều kiện để thực hiện SXKD theo Luật DN. Với những thành quả đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý bảo vệ rừng, chính sách của Cty đối với người lao động và cộng đồng dân cư trên địa bàn, thường xuyên quan tâm đến đời sống, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động và nhân dân địa phương, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, đặc biệt là điều kiện về tài nguyên rừng hiện có cho thấy Cty có đủ mọi điều kiện để thực hiện phương án quản lý rừng bền vững.

Ông Phan Bá Nhã, PGĐ Cty TNHH MTV Đầu tư phát triển Đại Thành cho biết: Qua 2 lần đánh giá chứng chỉ rừng, GFA đã công nhận Cty thực hiện tốt phương án quản lý rừng bền vững, hiệu quả sản xuất kinh doanh đáp ứng cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Từ năm 2007 đến nay trên lâm phần không xảy ra phá rừng.

Cty đã biết lợi dụng thế mạnh từ rừng để tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, độ che phủ rừng đạt tỷ lệ cao, chất lượng rừng được cải thiện, lượng tăng trưởng hàng năm dự kiến khoảng 12.000-15.000 m3. Việc thực hiện khai thác rừng tự nhiên góp phần mang lại lợi ích kinh tế; đồng thời việc áp dụng công nghệ khai thác tác động thấp, giải pháp lâm sinh trong và sau khai thác phù hợp cũng góp phần cải thiện chức năng sinh thái của rừng tự nhiên.

Tuy nhiên, từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 2242/QĐ-TTg, về việc phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 – 2020, trong đó có nội dung là dừng khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên cả nước. Từ đó hoạt động sản xuất kinh doanh rừng của Cty gặp nhiều khó khăn. Cty không được khai thác gỗ rừng tự nhiên theo phương án quản lý rừng bền vững, công nhân không có việc làm, thiếu kinh phí cho hoạt động bảo vệ rừng nên nguy cơ mất rừng là tiềm ẩn đáng lo ngại.

“Việc đóng cửa rừng đối với Cty sẽ cắt bỏ hoàn toàn nguồn gỗ rừng tự nhiên phục vụ nhu cầu tại địa phương, trong khi đó nguồn gỗ rừng trồng không đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng, nguồn gỗ nhập khẩu còn hạn chế. Đây là nguy cơ lớn xảy ra khai thác trái phép trong lâm phần để giải quyết nhu cầu gỗ tại địa phương”, ông Nhã chia sẻ.

Xưởng chế biến đồ gỗ của Cty Đại Thành

Ông Nhã lo lắng: Hiện nay Cty đang thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Để duy trì chứng chỉ, Cty phải thực hiện phương án đạt hiệu quả trên cả 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Việc không được phân bổ chỉ tiêu khai thác, mục tiêu kinh tế sẽ không đạt được. Và một khi không đạt được Cty có nguy cơ bị thu hồi chứng chỉ, bởi tổ chức GFA cấp chứng chỉ cũng đã có khuyến cáo: Chứng chỉ được duy trì khi Cty thực hiện đầy đủ các nội dung theo phương án, trong đó việc khai thác tác động thấp là nội dung quyết định về lợi ích kinh tế.

Ông Hà Hữu Thanh, PGĐ Cty TNHH MTV Nam Nung (huyện Krông Nô, Đắk Nông) cho biết, kể từ khi thực hiện đóng cửa rừng Cty không còn chỉ tiêu khai thác gỗ hằng năm nên việc hoạt động gặp không ít khó khăn. Mỗi năm nhà nước chỉ cấp cho Cty vài trăm triệu đồng thực hiện công tác quản lý bảo vệ và PCCR, số tiền này không thấm vào đâu vì mỗi năm đơn vị phải chi từ 1,5-1,7 tỷ đồng cho công tác trên. Trong khi đó Cty lại không có nguồn thu nhiều nên phải vay từ nhiều nguồn khác để bù vào.

“Hiện đơn vị có nguồn thu chính là cao su với tổng diện tích 1.500 ha, trong đó 800 ha đang thời kỳ kinh doanh. 3 năm trở lại đây giá mủ cao su thấp, chỉ dao động từ 7.000-10.000 đ/kg (mủ đông) nên năm nào cũng lỗ nặng.

Còn ông Bùi Quốc Tuấn, GĐ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (Đăk Lăk), thừa nhận, đối với các đơn vị lâm nghiệp không hưởng dịch vụ môi trường rừng thì rất khó khăn khi nuôi bộ máy hoạt động.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tran-tinh-cua-doanh-nghiep-truoc-lenh-dong-cua-rung-post169129.html