Trăn trở về nhà ở cho người thu nhập thấp

Là địa phương có dân số đông nhất cả nước, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thấp là rất lớn. Để giải quyết vấn đề này, TP.HCM đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tìm ra lời giải tối ưu cho bài toán phát triển nhà ở.

Từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ xây dựng lại hoặc sửa chữa, nâng cấp tối thiểu 50% trong tổng số 473 chung cư cũ, hư hỏng nặng. Trong ảnh: Một lô tại chung cư Thanh Đa đã hư hỏng nặng. Ảnh: Nguyễn Huế.

Theo số liệu thống kê, hiện nay, quy mô dân số TP.HCM đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư (chiếm khoảng 23% dân số), hơn 400.000 sinh viên, và hàng năm có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới. Qua khảo sát của Sở Xây dựng và Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM thì có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở. Trong tổng số hơn 400.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố thì có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) chưa có nhà ở. Trong khi đó nhà ở xã hội cho thuê, căn hộ nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ (giá thuê từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng) hiện nay đang rất thiếu. Hiện các ký túc xá của các trường đại học, các khu lưu trú công nhân do Ban quản lý Khu công nghệ cao và các DN đầu tư trên địa bàn thành phố mới chỉ giải quyết nhu cầu chỗ ở được khoảng 13%, còn lại khoảng 87% nhu cầu chỗ ở của sinh viên, công nhân, lao động, người nhập cư là do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư các khu nhà trọ, phòng trọ tạm bợ, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn, an ninh. Dự báo nhu cầu nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê giá rẻ trên địa bàn thành phố trong 10 năm tới có thể lên đến khoảng 1 triệu căn.

Để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp trên địa bàn TP.HCM. ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, Sở Xây dựng đã chủ trì họp với các cơ quan liên quan hoàn tất tờ trình để báo cáo UBND TP.HCM. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2017 sẽ triển khai thiết kế chương trình về nhà ở xã hội trên cơ sở thống nhất các giải pháp về kỹ thuật, mỹ thuật, tiện ích tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế và với nhu cầu đa dạng của người thu nhập thấp. Sở Xây dựng sẽ vận động các DN cùng tham gia góp phần kéo giãn giá nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu về nhà dành cho người có thu nhập thấp. Đồng thời, đưa ra các phương án tiết kiệm chi phí từ tư vấn thiết kế, vật liệu xây dựng đến nội thất... để góp phần đưa giá nhà ở hợp lý phù hợp với mức sống của người dân, vừa đảm bảo về giá cả, vừa đảm bảo về chất lượng.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước đối với DN tham gia chương trình nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ông Tuấn cho biết, Sở Xây dựng cùng với các sở, ngành có liên quan và các quận, huyện trên địa bàn sẽ tập trung cho cải cách hành chính. Đồng thời, Sở sẽ làm đầu mối chịu trách nhiệm chính theo dõi, đôn đốc các sở, ngành tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp trên tinh thần hài hòa các lợi ích và thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Hàng tháng, Sở sẽ tổ chức họp giao ban để đánh giá tình hình và kịp thời phát hiện các dự án đang gặp khó khăn vướng mắc, bị chậm trễ để hỗ trợ tháo gỡ, phấn đấu đối với các dự án đã hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng, trong vòng 6 tháng sẽ được giải quyết thủ tục công nhận đầu tư, thiết kế kỹ thuật để DN có thể khởi công nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án khởi công mới...

Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long, chính sách chung về nhà ở xã hội của Chính phủ đạt và rất minh bạch, vấn đề còn lại là bộ, UBND thành phố phải sớm ban hành các thông tư hướng dẫn, cơ chế chính sách và các quy phạm, tiêu chuẩn rõ ràng hơn cho nhà ở xã hội. Trước mắt cần ưu tiên vào 3 điểm chính gồm giá bán nhà ở xã hội đang vướng về giá đất của chủ đầu tư, bên cạnh đó cần có công thức về phân bổ chi phí hạ tầng. Ngoài ra diện tích nhà ở xã hội chưa rõ ràng chưa có văn bản chính thức về tiêu chuẩn thiết kế quy hoạch cũng khiến cho các DN gặp khó khăn dẫn đến các dự án chậm triển khai. Các vướng mắc nêu trên nếu được giải quyết sẽ khơi thông được chính sách về nhà ở xã hội từ đó thu hút được nhiều DN tham gia.

Theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP.HCM, từ nay đến năm 2020 thành phố phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn, trong đó có 20% dành để cho thuê, 60% căn hộ để bán trả góp dài hạn, 20% căn hộ dành cho chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí. Riêng năm 2017, thành phố sẽ hoàn thành 4 dự án chung cư nhà ở xã hội với tổng cộng 1.654 căn hộ. Đồng thời, từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ xây dựng lại hoặc sửa chữa nâng cấp tối thiểu 50% trong tổng số 473 chung cư cũ đã được xây dựng từ trước năm 1975 với khoảng trên 35.000 căn hộ mới và triển khai thực hiện các dự án di dời, tái định cư trên 20.000 căn nhà trên và ven các kênh rạch. Cùng với đó, các DN bất động sản đang có sự chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở giá rẻ, có giá bán khoảng từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/căn, dự kiến sẽ cung ứng cho thị trường BĐS khoảng 100.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở thương mại vừa túi tiền.

Ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM: Tạo môi trường thông thoáng để phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp

Để tháo gỡ ách tắc về thủ tục cho các DN đầu tư, triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp, mọi thủ tục, vướng mắc liên quan đến việc phát triển các dự án nhà ở này phải được giải quyết tại một cửa duy nhất là Sở Xây dựng. Đồng thời, Sở Xây dựng phải đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục cho DN, làm sao trong vòng 6 tháng phải hoàn tất các thủ tục cần thiết để DN có thể triển khai dự án. Ngoài ra, để giải quyết tốt nhu cầu nhà ở cho người dân, bên cạnh việc thu hút các DN tham gia làm nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ, cần tạo cơ chế chính sách thu hút DN và người dân phát triển nhà trọ, nhà lưu trú theo tiêu chuẩn, việc mua bán nhà ở xã hội cũng cần thông thoáng hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Quân: Quy trình, thủ tục còn nhiêu khê

Hiện nay, quy trình để triển khai các dự án nhà ở xã hội còn nhiêu khê, chậm chạp. Một số dự án của DN dù đã đủ các điều kiện về đất đai thủ tục nhưng 2 năm vẫn chưa khởi công được vì thủ tục hành chính, mà nguyên nhân lớn nhất nằm ở quy trình. Mặc dù, Sở Xây dựng đã là đầu mối nhưng vẫn phải qua quận, huyện và các sở khác dẫn đến việc giải quyết quy trình, thủ tục cho DN còn quá chậm.

Bên cạnh việc cải thiện về quy trình, cần có sự minh bạch, công khai trong đấu giá, đấu thầu các quỹ đất của thành phố để lựa chọn các nhà đầu tư tốt, Đối với chương trình chỉnh trang nhà ở ven và trên kênh rạch cần tạo điều kiện cho chủ đầu tư, gặp gỡ làm việc với các quận, huyện và cũng cần tập trung một đầu mối hoặc của các quận, huyện hoặc từ sở xây dựng vì chỉ có một đầu mối thì thủ tục mới nhanh và nếu có phát sinh vướng mắc mới được giải quyết kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành: Chính quyền quyết định 70% thành công của chương trình nhà giá rẻ

Thành công của chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp 70% là từ chính quyền kiến tạo và 30 % là từ hành động của DN. Do vậy, để triển khai hiệu quả chương trình này, chính quyền cần thành lập một ban trực thuộc UBND thành phố để đủ sức điều chỉnh các sở, các quận, huyện giảm thủ tục, giải quyết ngay yêu cầu của các DN. Bên cạnh đó, đề nghị thành phố chấp nhận căn hộ thương mại 20-30 m2 được hưởng chính sách như nhà ở xã hội bằng cách gia tăng các chỉ tiêu như mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu dân số... và cho DN chủ động trong việc lựa chọn mẫu nhà phù hợp. Nếu chính quyền có thể đầu tư toàn bộ hạ tầng thì DN có thể cam kết làm nhà thương mại giá rẻ để bán với giá 5 triệu đồng/m2 cho các dự án căn hộ 5 tầng còn nếu DN tự đầu tư thì các căn hộ này sẽ được bán 8 triệu đồng/m2, và các căn hộ từ 13 đến 15 tầng sẽ bán với giá 12 triệu đồng/m2.

N.H (ghi)

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tran-tro-ve-nha-o-cho-nguoi-thu-nhap-thap.aspx