Trăn trở với "vàng đen"

(Cadn.com.vn) - Cây hồ tiêu được xem là “vàng đen” của người nông dân Gia Lai, mỗi năm có thể mang về cho người dân từ vài trăm đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng, sự phát triển ồ ạt của cây “vàng đen” này kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là dịch bệnh đang đe dọa nghiêm trọng đến vựa tiêu này. Trước những khó khăn trên, trong 2 ngày 2-10 và 3-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cùng đoàn công tác đã có chuyến kiểm tra thực tế thực trạng cây hồ tiêu tại Gia Lai; tổ chức Hội nghị về công tác bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu bền vững.

Bộ trưởng Cao Đức Phát kiểm tra thực tế tại vườn hồ tiêu của ông Rơ Lan Ke
(làng Betel, xã Ia Rong, H. Chư Pưh, Gia Lai)

Nỗi lo về diện tích và dịch bệnh

Thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê - Gia Lai” đã trở thành niềm tự hào của người trồng tiêu ở Gia Lai. Ngoài chất lượng, năng suất, Gia Lai là tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn của cả nước. Ngày 7-10-2010, tỉnh này đã có Quyết định 681 về việc quy hoạch trồng trọt gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, diện tích cây hồ tiêu được quy hoạch đến năm 2015 là 6.000 ha, tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định ở quy mô 6.000 ha.

Thế nhưng, đến năm 2014, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh này tăng lên gần gấp đôi với hơn 11.700ha. Nguyên nhân về diện tích hồ tiêu tăng nhanh trong những năm qua không theo quy hoạch là do giá hạt tiêu những năm qua vừa tăng nhanh và duy trì ở mức khá cao trong thời gian dài (từ 95.000 đồng/kg nay đã tăng lên 220.000 đồng/kg).

Với mức giá cao như vậy, hồ tiêu trở thành “vàng đen”, từ vị trí xếp vào loại cây xóa đói, giảm nghèo bây giờ trở thành “cây tỷ phú”. Thấy cái lợi trước mắt quá lớn, người dân đã phát triển diện tích vườn tiêu một cách ồ ạt, sẵn sàng phá bỏ diện tích một số cây trồng công nghiệp khác để trồng hồ tiêu bất chấp sự khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Sự phát triển ồ ạt mang tính tự phát đã mang lại nhiều hệ lụy tất yếu. Quy hoạch về cơ cấu cây trồng trên địa bàn tỉnh bị phá vỡ kéo theo quy trình trồng, chăm sóc, chọn giống, đất không hợp lý khi người dân làm theo kiểu tự phát, theo phong trào. Trên thực tế, ảnh hưởng của bão số 9 và số 10 vào cuối năm 2009 đã làm hơn 300.000 trụ tiêu ở Gia Lai bị ngã đổ, dập nát. Bên cạnh đó, trong năm 2014 sâu bệnh gây thiệt hại và làm mất trắng hơn 150 ha ở các huyện như Chư Sê, Chư Prông, Chư Pưh, Đăk Đoa, Mang Yang và TP Pleiku.

Đến thời điểm này, người trồng tiêu ở Gia Lai đang “đau đầu” với đủ thứ dịch bệnh hoành hành trên cây hồ tiêu. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, có 5 loài sâu bệnh gây hại chủ yếu làm ảnh hưởng đến năng suất: tuyến trùng hại rễ, rệp sáp hại gốc (chết chậm), bệnh vàng lá thối rễ tơ, bệnh thối gốc thân (chết nhanh), bệnh thán thư gây thiệt hại từ vài chục đến vài trăm héc-ta (năm 2013 với 261ha mất trắng do bị chết).

Sự phát triển ồ ạt, thiếu quản lý, kĩ thuật khiến dịch bệnh hoành hành trên cây hồ tiêu.

Định hướng phát triển bền vững

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, các cơ quan chức năng cũng như người dân trồng tiêu đều thừa nhận: không chỉ dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ việc chọn giống tiêu của người dân không có nguồn gốc rõ ràng, không được xử lý và kể cả lấy giống tiêu từ vườn cây đã bị nhiễm bệnh khiến dịch bệnh lây lan nhanh. Bên cạnh đó, người dân nôn nóng khai thác năng suất, đầu tư thâm canh cao, không tuân thủ quy trình kỹ thuật cũng như thiếu kiến thức khiến nhiều người trồng tiêu bị thiệt hại nặng. Điều đáng lo ngại hơn cả là có một thực tế hiện nay các thương phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dùng cho cây tiêu nhiều như “nấm sau mưa” khiến người trồng tiêu mất định hướng trong việc lựa chọn sản phẩm để sử dụng. Có bệnh thì người trồng tiêu lại sử dụng đủ mọi loại thuốc theo kiểu “có bệnh vái tứ phương” khiến tiền thì mất mà tiêu vẫn chết.

Trước những diễn biến phức tạp trên, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu: đối với các loại dịch bệnh trên cây hồ tiêu, chính quyền và người trồng tiêu phải lấy phương châm phòng là chính. Phải phòng ngừa từ khâu làm đất, chọn giống, chọn thuốc... Bên cạnh đó, đối với các diện tích cây hồ tiêu đã bị bệnh, người trồng tiêu phải bằng mọi cách không để lây lan sang vườn khác cũng như cần chuyển tải kiến thức trồng- chăm sóc cây hồ tiêu đến từng hộ nông dân; nâng cao vai trò quản lý Nhà nước phải được đồng bộ... Đối với các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra những giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ trực tiếp cho từng đơn vị với mục đích cuối cùng: Hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh diễn ra trên cây hồ tiêu. Khi có dịch phải tổ chức chống dịch khoa học và hiệu quả.

Riêng đối với địa phương, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo: cần rà soát lại quy hoạch cho cây hồ tiêu của từng địa phương để có hướng dẫn kịp thời, có sự kiềm chế hiệu quả với nông dân; có sự lựa chọn những vùng đất thật sự thích hợp với cây hồ tiêu để trồng... Riêng việc quản lý phân bón, giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật, Bộ trưởng yêu cầu: “Tôi sợ rằng vấn đề này nông dân chưa được phổ biến, chuyển tải đến nơi, đến chốn khiến nông dân mất định hướng đối với các loại thuốc bảo vệ thực vật. Việc quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật không đúng là sự lừa dối trắng trợn, cần kịp thời kiểm tra, xử lý nghiêm. Không một ai được lấy nông dân ra làm thí nghiệm”.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_121281_tran-tro-vo-i-va-ng-den-.aspx