Trang bị cho trẻ kỹ năng để tự bảo vệ an toàn

GD&TĐ - Bảo vệ trẻ, tạo cho trẻ một môi trường sống an toàn – đó là những điều kiện để trẻ phát triển một cách toàn diện. Một trong những biện pháp cần thiết, đó chính là trang bị cho trẻ những kỹ năng sống thiết thực.

Trong đó, cần lưu ý một số kỹ năng quan trọng nhất hiện nay, đó là kỹ năng bơi lội, kỹ năng tránh khỏi sự xâm hại, kỹ năng phòng ngừa kẻ xấu bắt cóc.

Về kỹ năng bơi lội: Không chỉ dạy cho các em biết bơi lội mà còn phải dạy cho trẻ các kỹ năng khác như kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng giúp người đang bị nạn, kỹ năng sử dụng các phương tiện để đưa người bị nạn lên bờ…

Các nhà trường cần có kế hoạch dạy bơi cho tất cả các em học sinh, đưa nội dung bơi lội trở thành nội dung bắt buộc ở tất cả các cấp học. Muốn vậy, cần phải đầu tư cơ sở vật chất, phấn đấu mỗi trường học có một bể bơi và đội ngũ thầy cô phải là những người được đào tạo cơ bản.

Ở các địa phương cũng cần đẩy mạnh phong trào bơi lội; xây dựng, giúp đỡ, hướng dẫn cho người lớn và trẻ em về kỹ năng này. Còn trong mỗi gia đình, cha mẹ cần có kế hoạch cụ thể để giúp các em biết bơi càng sớm càng tốt. Trong dịp hè là thời điểm thuận lợi, có thể đưa trẻ đến những địa điểm phù hợp và hướng dẫn trẻ bài bản thì chỉ trong thời gian ngắn là các em có thể biết bơi.

Kỹ năng tránh xâm hại tình dục: Xâm hại tình dục cũng là vấn đề cần phải được quan tâm đặc biệt. Nhiều trẻ và thậm chí cả phụ huynh còn nhận thức mơ hồ về vấn đề này. Đối tượng xâm hại là người thân trong gia đình, hàng xóm, người lạ mặt… Mức độ xâm hại cũng rất đa dạng. Vì thế, hướng dẫn cho trẻ kỹ năng bảo vệ là rất cần thiết. Các em phải tránh sự tiếp xúc với người lạ, không nhận các vật phẩm của người lạ, không cho người lạ vào nhà hoặc khi người lạ có biểu hiện xâm hại tình dục thì dạy trẻ cần phải bình tĩnh xử lý hoặc có thể la lớn để người khác biết hoặc có thể tìm cách thoát chạy tránh được sự xâm hại.

Kỹ năng phòng ngừa bắt cóc: Vụ bắt cóc trẻ nhằm tống tiền và giết hại ở Bình Thuận vừa qua là một bài học nhắc nhở cho những người có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ em. Bên cạnh sự cảnh giác của người lớn thì các em cũng cần phải đề phòng. Các em không nên ở nhà một mình, không nên đi cùng với người lạ mặt, không nghe lời người lạ mặt thậm chí cả người quen khi không có sự cho phép của cha mẹ. Trong trường hợp bị bắt cóc thì dạy trẻ hết sức bình tĩnh, tìm cách trốn thoát hoặc đánh động để người khác giúp sức.

Có thể nói, tạo môi trường an toàn cho trẻ là vấn đề cần thiết, song đầu tiên là phải dạy cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ an toàn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/trang-bi-cho-tre-ky-nang-de-tu-bao-ve-an-toan-2015502-b.html