Trang sử mới trên quê hương anh hùng

Phường Đa Mai (TP Bắc Giang) giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây được nhiều người biết đến với phong trào vá quần áo cho bộ đội của Hội Mẹ chiến sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thể hiện qua ca khúc nổi tiếng 'Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa' do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác. Tiếp nối truyền thống yêu nước, cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây nỗ lực chung tay xây dựng quê hương đổi mới từng ngày.

Kiên cường trong gian khó

Đa Mai nằm bên bờ sông Thương. Nơi đây từng ghi dấu ấn của một thời mưa bom bão đạn và tinh thần bất khuất, không ngại hiểm nguy, sẵn sàng tham gia giúp sức cho tiền tuyến của quân, dân ta. Ngược dòng lịch sử, cuối năm 1964, sau thất bại nặng nề ở miền Nam, giặc Mỹ leo thang tấn công bằng không quân ra miền Bắc. Thị xã Bắc Giang, cụ thể là cầu Sông Thương trở thành tâm điểm đánh phá của giặc hòng cắt đứt tuyến đường viện trợ từ hậu phương cho miền Nam.

Bà Lương Thị Đỡ, tổ dân phố Hòa Sơn (bên trái) kể lại những kỷ niệm thời chiến.

Theo lịch sử Đảng bộ phường Đa Mai, ngay từ khi chuyển về địa bàn, Trung đoàn Pháo phòng không 216 thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không Hà Bắc đã được quân, dân nơi đây đoàn kết chặt chẽ, phối hợp chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đạn thiếu có dân quân vận chuyển ra trận địa; pháo thủ hy sinh có dân quân thay thế. Các em học sinh có phong trào làm mũ rơm, áo giáp rơm, thu gom giẻ cho các chú bộ đội lau pháo, thường xuyên mang lá ngụy trang cho các trận địa. Hội Phụ nữ xã phối hợp với Hội Mẹ chiến sĩ các thôn luôn chăm lo, động viên bộ đội.

Những năm tháng đó, giặc Mỹ ngày đêm quần thảo trên bầu trời, bộ đội chiến đấu liên tục, quần áo rách tả tơi. Hội Mẹ chiến sĩ chia thành từng tổ, ra tận trận địa hoặc mang quần áo bộ đội về nhà giặt sạch, vá lành đẹp đẽ. Trong đó mẹ Giáp Thị Khôi ở thôn Đọ là người khởi xướng và vá nhiều quần áo chiến sĩ nhất. Trong những năm ác liệt ấy, các chị, các mẹ ở Đa Mai đã vá hàng trăm tấm áo cho chiến sĩ, cùng nhân dân đóng góp hàng nghìn ngày công xây dựng trận địa. Ngoài ra, các mẹ còn vận động nhân dân góp tre cho bộ đội làm hầm tránh đạn; đan áo giáp, nắp hầm rơm, hàng trăm m2 giáp rơm che máy bay; đan đệm rơm cho bộ đội nằm để đỡ lạnh về mùa đông.

Nhiều thực phẩm như đỗ, lạc, khoai lang, rau xanh, bún… được chuyển đến phục vụ hậu cần cho đơn vị. Tính đến tháng 11/1968, quân và dân Đa Mai đã trực tiếp chiến đấu, phối hợp chiến đấu trên 150 trận, góp phần bắn rơi 17 máy bay Mỹ và làm hỏng nhiều máy bay khác. Với những thành tích đó, quân và dân Đa Mai vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Thời điểm ấy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý về Hà Bắc, được chứng kiến những thời khắc chiến đấu gian khổ cùng hình ảnh đẹp bình dị của các chị, các mẹ Đa Mai khi giúp đỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ. Tình cảm đó trở thành nguồn cảm hứng để ông sáng tác ca khúc “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” đi cùng năm tháng. Người dân Đa Mai rất đỗi tự hào về lịch sử hào hùng, truyền thống yêu nước của quê hương.

Tại các chương trình văn nghệ, hội thi, bài hát với ca từ dạt dào cảm xúc “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/ Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo…” khiến bao người xúc động. Bà Lương Thị Đỡ, 78 tuổi, ở tổ dân phố Hòa Sơn xúc động kể: “Khi đó tôi mới 18 tuổi trực tiếp sang trận địa lấy áo quần của bộ đội về để các mẹ trong Hội Mẹ chiến sĩ khâu vá. Những bộ lành lặn tôi giặt sạch, phơi khô rồi chuyển lại. Ngày nay, tôi thường tham gia hoạt động văn nghệ, được đóng vai hình ảnh người mẹ Đa Mai năm xưa chong đèn, thức thâu đêm vá áo. Dẫu đã qua nhiều năm song cảm xúc tự hào vẫn vẹn nguyên trong trái tim tôi”.

Với những thành tích xuất sắc, năm 1999, xã Đa Mai xưa - phường Đa Mai ngày nay vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ.

Xây dựng quê hương đổi mới từng ngày

Truyền thống lịch sử hào hùng là điểm tựa để những người con của mảnh đất Đa Mai chung sức, đồng lòng dựng xây, phát triển quê hương. Từ xuất phát điểm thấp với nền kinh tế, cơ sở hạ tầng hạn chế, cuối năm 2013, xã đã trở thành phường và có sự phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng kiên cố, đường giao thông rộng, sạch đẹp.

Trên địa bàn phường Đa Mai có nhiều tuyến đường mới mở, hạ tầng khang trang.

Các khu dân cư, khu đô thị mới khang trang với những ngôi nhà cao tầng kiểu dáng hiện đại. Tối đến, đèn cao áp chiếu sáng các trục đường giao thông. Phường Đa Mai hiện có hơn 2 nghìn hộ với hơn 8 nghìn nhân khẩu phân bố ở 7 tổ dân phố.

“Phát huy truyền thống của quê hương, người dân Đa Mai luôn đoàn kết, tích cực học tập, công tác, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh".

Bà Phùng Thị Thu Hiền, Bí thư Đảng ủy phường Đa Mai

Là người con của Đa Mai và cũng là cán bộ chủ chốt của địa phương, ông Đoàn Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND phường phấn khởi khi thấy sự đổi thay từng ngày trên quê hương. Ông nói: “Trước đây chỉ có con đường độc đạo ra, vào Đa Mai nhưng ngày nay nhiều đường mới mở, giúp tăng kết nối vùng, giao thương thuận lợi hơn.

Được Nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp, hằng năm trên địa bàn phường có hàng chục công trình hạ tầng được xây dựng phục vụ dân sinh. 100% nhà văn hóa xây mới; các trường học, trạm y tế xây dựng khang trang và đạt chuẩn quốc gia; nhiều điểm vui chơi văn hóa, thể thao với thiết bị tập luyện hiện đại, phục vụ bà con. Đời sống nhân dân không ngừng nâng cao”.

Những năm gần đây, Đa Mai phát triển đa nghề như: Làm bún, bánh; chế biến gỗ, cơ khí, xây dựng, nông nghiệp… Toàn phường hiện có 12 sản phẩm OCOP 3 sao. Đặc biệt, nghề làm bún đã trở thành nghề chính với 2 hợp tác xã, tạo việc làm ổn định cho 400 lao động địa phương với thu nhập khá.

Người dân Đa Mai còn mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như mô hình “Nuôi ốc nhồi bố mẹ sinh sản”; thảm hoa “Cúc bách nhật và mã tiền thảo” ở tổ dân phố Thanh Mai. Hoạt động thương mại, du lịch được đẩy mạnh. Trên địa bàn phường có phim trường “Rose Garden” ở tổ dân phố Thanh Mai quy mô 5 ha với nhiều cảnh đẹp, thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan mỗi năm. Doanh thu từ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ của phường năm 2023 ước đạt 170 tỷ đồng.

Kinh tế phát triển, nhiều hộ khá giả, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 0,72%. Người dân Đa Mai vẫn duy trì những nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Cùng đó tích cực tham gia Ngày Chủ nhật xanh, phong trào văn hóa, thể thao; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang...

Bài, ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/trang-su-moi-tren-que-huong-anh-hung-104028.bbg