Tranh cãi đề xuất cấm xe máy ở TP. HCM

Đề xuất cấm xe máy ở TP. HCM để tránh ùn tắc giao thông của PGS.TS Phạm Xuân Mai đã khiến giới chuyên môn cũng như người dân có nhiều ý kiến trái chiều.

Lượng xe máy tại TP HCM liên tục tăng từ năm 2011 đến nay do thói quen dùng của người dân. Hiện thành phố có gần 7,5 triệu chiếc, chưa kể khoảng một triệu xe máy của người dân ngoại tỉnh đến sinh sống, theo tin tức trên báo Pháp luật Plus.

TS Phạm Xuân Mai cho rằng xe máy chính là thủ phạm gây ùn tắc tại TP HCM vì số lượng quá nhiều, trong khi diện tích đường không đủ. Ảnh: Pháp luật Plus

PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - ĐH Bách Khoa TP HCM) tính toán, với 8,3 triệu dân, trung bình mỗi người thành phố có một xe máy - tỷ lệ cao nhất thế giới.

Trong khi đó, quỹ mặt đường của TP. HCM khoảng 26 triệu m2, không đủ chứa 75-80% lượng xe máy hoạt động với tốc độ cho phép. Bởi diện tích chiếm chỗ khi di chuyển là 12 m2 cho mỗi xe, thành phố cần có hơn 91 triệu m2 mặt đường - gấp 3,5 lần diện tích hiện có.

"Tắc nghẽn giao thông xảy ra là tất yếu. Xe máy là thủ phạm chính do số lượng lưu thông trên đường quá lớn. Hoạt động một cách rất cá nhân, xe máy hầu như không tuân theo luật giao thông mà hành xử như một con ngựa sắt chạy rong", ông Mai đánh giá.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, trước ý kiến đề xuất cấm xe gắn máy tại TP. HCM nhiều người dân đặt câu hỏi sao không làm ngược lại là phát triển giao thông công cộng tốt rồi dân sẽ tự bỏ xe máy mà cứ đòi cấm trước?.

Anh Phạm Văn Minh (Quận 1, TP. HCM) cho biết: TP. HCM nên kiên quyết thực hiện việc cấm xe máy. Tôi cũng là người đi xe máy nhưng nếu thành phố quyết liệt cấm xe máy, tôi sẵn sàng chuyển sang đi xe buýt để ủng hộ chủ trương này.

Hiện nay, xe máy không chỉ gây ùn tắc, ô nhiễm mà còn khiến sự phát triển kinh tế của thành phố bị trì trệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có nghiên cứu và thực hiện cấm thí điểm trên một vài tuyến đường xem hiệu quả cụ thể như thế nào để có kế hoạch cấm rộng rãi hơn.

Ông Quang Phú (Quận Tân Bình) lại cho rằng: Lưu ý rằng ở Trung Quốc không phải thành phố nào cũng cấm xe máy, và ngay trong một thành phố không phải cấm toàn bộ mà có khu cấm khu không.

Và cũng lưu ý rằng hiện nay ở nhiều nước châu Á như Indonesia và Philippines cũng chưa thể cấm xe máy dù họ đã tính toán điều này rất lâu trước đây. TP. HCM nói là phát triển nhất nước nhưng cũng còn nghèo, đời sống người dân gắn chặt với chiếc xe máy.

Hiền Minh (Tổng hợp theo báo Pháp luật Plus, Tuổi trẻ)

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tranh-cai-de-xuat-cam-xe-may-o-tp-hcm-d97606.html