Tranh cãi 'nảy lửa' xung quanh đề xuất cấm xe máy ở TP. Hồ Chí Minh

Đề xuất cấm xe máy ở TP. Hồ Chí Minh để tránh ùn tắc giao thông của PGS.TS Phạm Xuân Mai đã khiến giới chuyên môn cũng như người dân có nhiều ý kiến trái chiều.

Báo Người Lao Động đưa tin, tại hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh - thực trạng và giải pháp” vừa tổ chức, PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng xe máy đang gây ra nhiều bất tiện, bất lợi và thiệt hại đối với cộng đồng; không nên và không được xem xe máy là một phương tiện giao thông ở Việt Nam bởi tất cả các nước có nền giao thông và văn hóa phát triển đều không sử dụng xe máy vào mục đích giao thông. Ông Mai thẳng thắn đề nghị thành phố sớm loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông. Ý kiến này đã “gây bão” trong dư luận.

 PGS.TS Phạm Xuân Mai đề xuất cấm xe máy ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuổi trẻ

PGS.TS Phạm Xuân Mai đề xuất cấm xe máy ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuổi trẻ

Theo thông tin trên báo Tiền phong, TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông-đô thị) cho rằng, nếu cấm xe máy thì người dân sẽ không có phương tiện giao thông để đi lại trong khi có đến 80-90% dân số đi lại bằng xe máy, bởi hiện tại phương tiện công cộng ở TP. Hồ Chí Minh chưa thể đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời việc di chuyển bằng xe buýt cũng có nguy cơ trễ giờ làm, giờ học… gây bức xúc cho người dân.

Mặt khác, nếu cấm xe máy thì người có điều kiện sẽ đổ xô mua ô tô như vậy dẫn đến sự lộn xộn, đi từ bất cập này qua một rối loạn khác.

Cần phải coi lại là cấm hay hạn chế, đánh vào túi tiền của người dân thì cũng không được bởi nhu cầu đi lại làm việc, học hành thì bằng mọi cách người dân vẫn sử dụng xe máy.

Trước hết cẩn phải giải quyết nhu cầu đi lại của người dân sao cho tốt hơn bằng phương tiện công cộng thì người dân sẵn sàng bỏ xe hai bánh, thậm chí vận động tốt thì người dân cũng sẵn sàng bỏ xe 4 bánh.

Tuy nhiên, cần phải kiểm soát nhu cầu đi lại và giúp nhu cầu đi lại của người dân tốt hơn, hiệu quả hơn bằng xe công cộng. Nếu có suy nghĩ cấm xe máy, người dân sẽ đi xe buýt lầ suy nghĩ khôi hài bởi nếu xe buýt không đáp ứng được nhu cầu, không vệ sinh thì người dân không đi mà sẽ đi taxi hoặc mua xe 4 bánh. Phải khảo sắt chắc nhu cầu đi lại và kết hợp với quy hoạch đô thị, giao thông thì mới giảm được kẹt xe.

Tình trạng ùn tắc giao thông ở TP. Hồ Chí Minh diễn ra thường xuyên. Ảnh minh họa

Báo Tuổi trẻ đưa tin, trước ý kiến đề xuất cấm xe gắn máy tại TP. Hồ Chí Minh nhiều người dân đặt câu hỏi sao không làm ngược lại là phát triển giao thông công cộng tốt rồi dân sẽ tự bỏ xe máy mà cứ đòi cấm trước?

Anh Phạm Văn Minh (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) cho biết: TP. Hồ Chí Minh nên kiên quyết thực hiện việc cấm xe máy. Tôi cũng là người đi xe máy nhưng nếu thành phố quyết liệt cấm xe máy, tôi sẵn sàng chuyển sang đi xe buýt để ủng hộ chủ trương này.

Hiện nay, xe máy không chỉ gây ùn tắc, ô nhiễm mà còn khiến sự phát triển kinh tế của thành phố bị trì trệ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có nghiên cứu và thực hiện cấm thí điểm trên một vài tuyến đường xem hiệu quả cụ thể như thế nào để có kế hoạch cấm rộng rãi hơn.

Chị Trần Thúy Nga (Quận Tân Bình) lại cho rằng nên cấm 3-4 ngày trong tuần, ở trung tâm trước ngoại thành. Chị cho hay: Nhà tôi nằm ngay giao lộ Trường Chinh - Phạm Văn Bạch nên ngày nào cũng chứng kiến xe máy chạy ẩu va chạm nhau, kẹt xe kéo dài, khói bụi mù mịt. Để phát triển giao thông đô thị văn minh thì bỏ xe máy là cần thiết. Chúng ta nên thực hiện cấm xe máy 3-4 ngày trong tuần ở các tuyến đường trung tâm thành phố trước, rồi mở rộng ra toàn thành phố để giải quyết dứt điểm nạn kẹt xe. Chúng ta cần triển khai thực hiện một cách có lộ trình cụ thể, kết hợp thúc đẩy phát triển các phương tiện công cộng, khuyến khích người dân đi bộ thì mới thành công được. Đặc biệt, các phương tiện công cộng phải được kết nối với nhau vào từng hẻm, từng ngõ ngách thành phố.

Ông Quang Phú (Quận Tân Bình) lại cho rằng: Lưu ý rằng ở Trung Quốc không phải thành phố nào cũng cấm xe máy, và ngay trong một thành phố không phải cấm toàn bộ mà có khu cấm khu không.

Và cũng lưu ý rằng hiện nay ở nhiều nước châu Á như Indonesia và Philippines cũng chưa thể cấm xe máy dù họ đã tính toán điều này rất lâu trước đây. TP. Hồ Chí Minh nói là phát triển nhất nước nhưng cũng còn nghèo, đời sống người dân gắn chặt với chiếc xe máy.

Tại sao không làm ngược lại là phát triển giao thông công cộng tốt rồi dân sẽ tự bỏ xe máy mà cứ đòi cấm trước hoài vậy?

Ánh Ngân (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tranh-cai-nay-lua-xung-quanh-de-xuat-cam-xe-may-o-tp-ho-chi-minh-d119955.html