Tranh cãi quanh sự cố máy tàu 67/CP, chuyên gia Doosan: 'Tôi muốn đi về'

Có sự hiện diện của cán bộ ngành Nông nghiệp và đơn vị “kết nối” là Cty TNHH MTV Nam Triệu, cuộc gặp tại Chi cục Thủy sản Bình Định sáng 26.5 thực tế là chuỗi tranh cãi nảy lửa giữa nhà cung cấp động cơ Doosan với các chủ tàu.

Chủ tàu Ngô Lê Hát: "Đừng ép ngư dân" . Ảnh X.N

Mục tiêu hàng đầu của cuộc gặp là trợ giúp kỹ thuật, hướng dẫn quy tắc bảo dưỡng, vận hành máy cho ngư dân bởi chuyên gia Doosan “chính hiệu” đã bị phá sản. Giám đốc Cty TNHH ôtô Đông Hải (Đông Hải Auto) Bùi Thanh Hải, nhà cung cấp động cơ Doosan cho Nam Triệu, nói ông buộc phải phá vỡ “nguyên tắc khách hàng không có lỗi” cho dù “đó là điều rất tệ về mặt truyền thông”.

“Sổ khám bệnh” của Đông Hải Auto

Để có cuộc đối thoại này, Cty TNHH MTV Nam Triệu cùng Đông Hải Auto đã khảo sát, kiểm tra tình trạng máy móc nhiều tàu vỏ thép nằm bờ tại TP Quy Nhơn và Cảng cá Đề Gi.

Ông Hải kê chi tiết: “Tàu BĐ 9956TS của anh Lê Văn Mỵ (Cát Khánh, Phù Cát) có dấu vết cải tạo máy. Nước làm mát bị chích ra phục vụ mục đích khác. Tàu anh Ngô Lê Hát cạn nước làm mát, máy điện có nước, táp – lô điện bị tháo ra, buộc bằng dây thừng. Chuyên gia phát hiện hở đường nước mát, bình thường khó phát hiện nhưng khi bơm vào, nước bắn ra thành dòng. Va đập trên tàu là rất rõ ràng, tuy nhiên chúng tôi không xác định ai là bên có lỗi. Tôi thực sự không hiểu vì sao trạng thái bảng táp – lô tàu anh Hát lại cố định tạm bợ như thế. Hệ thống điều khiển rất quan trọng. Rất mong cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, có kết luận xác đáng chứ không thể đổ lỗi cho máy tàu...”.

Ông Bùi Thanh Hải (đứng), bên trái là chuyên gia Doosan Ảnh X.N

Chủ tàu Ngô Lê Hát đứng lên phản ứng: “Mấy ông là kỹ thuật, chuyên gia, toàn nói lý thuyết. Tôi thì thấy máy nhanh nóng, nước mát hao nhiều. Đừng đổ thừa sang chuyện dầu nhớt. Chúng tôi đâu tự làm ra? Ngày xưa máy cũ tận dụng mà rong ruổi khơi xa năm này sang năm khác, nay máy đóng thùng, đập hộp, sao chưa chi đã đổ nợ?”.

Ông Nguyễn Đức Hưng (tàu BĐ 99479TS) nêu số liệu tự thu thập: “Bình Định chừng 10 tàu vỏ thép sử dụng máy Doosan thì 2 chiếc gặp sự cố. 20% hư hỏng là xác suất rất cao. Chưa lần nào chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quy phạm”.

Sự lượng hóa từ ông Hưng khiến lãnh đạo Đông Hải Auto nổi nóng. Ông Hải nặng nề cật vấn ngư dân về sự chính xác của “xác suất 20%”: “Anh biết chúng tôi bán được bao nhiêu máy, nên hư ra sao? Có trường hợp máy hỏng do ngập nước. Nước như thủy kích, máy móc nào không hỏng! Tuy thế, trung thành nguyên tắc khách hàng không có lỗi, chúng tôi chấp nhận tổn thất, bảo hành cho ngư dân không lấy bất cứ đồng bạc nào. Tại Bình Định, 50 máy do Đông Hải cung cấp chỉ có 1 tàu hỏng thì tỉ lệ là bao nhiêu?”.

Về tình tiết có hay không việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật bảo dưỡng, vận hành máy cho ngư dân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định Võ Đình Tâm cho hay, chưa từng nghe thông báo. Phó Tổng giám đốc Cty TNHH MTV Nam Triệu Bùi Hữu Hùng nhận khuyết điểm vì đã... bỏ qua Chi cục và Sở NNPTNT: “Có lịch tập huấn nhưng bà con bận đi biển. Anh Hải vào tới Quy Nhơn rồi nhưng lại phải về không” (!?).

“Tôi muốn về”

Sự cố động cơ duy nhất ông Bùi Thanh Hải thừa nhận “có vấn đề” là con tàu 19,8 tỉ đồng của ông Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ), tàu BĐ 99245TS. Nội dung được hữu ý xếp xuống dưới cùng buổi đối thoại đã bùng lên thành cuộc tranh chấp tay đôi không khoan nhượng. BĐ 99245 TS trước đó 1 ngày được 3 chuyên gia Doosan tận tay “khám” chi tiết sau 2 lần hỏng máy kể từ ngày hạ thủy.

Ông Hải nói: “Hỏng chưa rõ nguyên nhân. Chuyên gia lấy một số bộ phận nghiên cứu và sẽ có kết luận chính thức. Nhận định ban đầu của tôi là hỏng trục cơ, ảnh hưởng đến nhiều chi tiết khác. Cho dù kết quả giám định thế nào thì bên cung cấp máy cũng sẽ chịu trách nhiệm. Hiện thủ tục xác nhận bảo hành đang được xúc tiến. Chúng tôi muốn nhanh để anh Sơn nối lại việc ra khơi. Ở đây có ông Chulhee Jeong, Trợ lý Tổng giám đốc bộ phận bảo hành khu vực Châu Á của Doosan, ông sẽ trả lời...”.

Ông Trần Đình Sơn: "Phải thay mới toàn bộ động cơ" . Ảnh X.N

Phần mình, ông Sơn yêu cầu thay máy cũ bằng máy mới: “Chỉ như vậy mới đảm bảo an toàn. Động cơ là xương sống con tàu. Sinh mạng bao nhiêu thuyền viên trên đó”.

Chỉ đồng ý thay thế phụ tùng, đại diện nhà sản xuất giải thích: “Chính sách bảo hành áp dụng trên phạm vi toàn cầu, phù hợp thông lệ quốc tế. Doosan hay bất cứ hãng máy nào cũng đều như vậy”. Lời qua tiếng lại, ông Chulhee Jeong hứa ghi nhận ý kiến ngư dân, rằng mình chỉ là đại diện bán hàng khu vực Đông Nam Á, “phải chờ kết quả giám định. Thay thế động cơ là một việc rất lớn”.

Trong một diễn biến gây ngỡ ngàng, ông Jeong bất ngờ bày tỏ ý muốn rút lui khi có ý kiến đề cập quan điểm của UBND tỉnh Bình Định rằng nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm thay thế “cả gói” đối với sự cố máy móc trên những con tàu đang giai đoạn bảo hành.

Đối thoại khép lại với màn “khẩu chiến” gần như mất kiểm soát giữa Giám đốc Bùi Thanh Hải với ông Sơn, ông Hát. Ông Hải “sát hạch” chủ tàu BĐ 99245TS sau khi rào đón lý do quy lỗi ngư dân: “Có chạy rô-đa không? Thời gian rô- đa thay dầu bao nhiêu lần...”. Ông Sơn nhảy dựng lên: “Từ Hải Phòng về ai thay nhớt? 5, 6 tàu về, có tàu nào thay đâu? Các ông đổ thừa không đúng. Đầu nước ra thì quan trọng gì. Cái chính là làm mát máy. Nếu không thay thế động cơ, đề nghị lập biên bản, tôi giao tàu, muốn ra sao thì ra”. Ông Hát: “Đừng đổ thừa tào lao. Có lỗi thì nhận, ép chi, tội ngư dân”.

Clip: Tranh cãi nảy lửa (Thực hiện: X.N)

Xuân Nhàn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/tranh-cai-quanh-su-co-may-tau-67cp-chuyen-gia-doosan-toi-muon-di-ve-668361.bld