Tranh cãi việc chấn chỉnh 'phong trào' quần bó, mông hở

Người thì cho rằng việc kiểm tra, buộc học sinh về nhà thay quần là vô lý, nhưng cũng nhiều người ủng hộ việc chấn chỉnh 'phong trào' quần bó, mông hở.

Quần ống nhỏ, mông hở gây phản cảm

Chiều 15/8, ông Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Giáp (thị trấn Cờ Đỏ, H.Cờ Đỏ,TP Cần Thơ), cho biết việc kiểm tra quần của học sinh nhằm chấn chỉnh “phong trào” mặc quần bó và hở mông đang nở rộ trong phần lớn học sinh của trường.

Theo ông Phú, từ đầu năm học có đến trên 50% học sinh của trường (khoảng 600 em) mặc quần có ống nhỏ bó sát vào chân, phần đáy quần được cắt ngắn khiến nhiều học sinh hở mông gây phản cảm trong môi trường giáo dục.

Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) buộc gần 100 học sinh phải ra khỏi lớp, về nhà thay trang phục vì mặc quần ống hẹp (Ảnh minh họa).

Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) buộc gần 100 học sinh phải ra khỏi lớp, về nhà thay trang phục vì mặc quần ống hẹp (Ảnh minh họa).

Cách đây bốn năm, nhà trường đã thống nhất mẫu quần áo đồng phục cho học sinh, tuy nhiên phụ huynh phản ảnh quần quá rộng nên nhà trường cho bóp nhỏ lại, ống quần rộng còn khoảng 18-20cm. Tuy nhiên, nhiều em học sinh bóp quần lại còn ống 12-13cm, ôm sát vào bắp chân. Một số nhóm sửa, một số khác học theo nên tạo thành một phong trào quần bó.

Ông giải thích những năm trước nhà trường chỉ nhắc nhở học sinh, không xử lý gì nên học sinh không chấp hành, ngược lại ngày càng có nhiều học sinh mặc quần bó hơn. Năm học này nhà trường thống nhất với hội phụ huynh học sinh cho kiểm tra định kỳ có báo trước. Trong ngày 13/8 có khoảng 60 trường hợp vi phạm, trong ngày 14/8 có 12 trường hợp vi phạm.

Theo ông Phú, việc kiểm tra được tập thể giáo viên, giám thị, bảo vệ, đoàn trường thực hiện trước giờ học. Việc kiểm tra bằng mắt thường, không dùng thước đo, học sinh nào có quần bó sát vào bắp chân hoặc đáy lưng quá ngắn thì được yêu cầu ra về thay quần đúng quy định thì trở vào học.

Ông Phú cho rằng việc kiểm tra được thực hiện tại sảnh (mái che) phía bên trong cổng trường, học sinh nào vi phạm thì bị mời quay về nhà thay quần, không cho vào lớp. Một số học sinh sau khi ra khỏi trường đã không quay trở lại lớp học. Việc kiểm tra có làm ùn ứ học sinh bên ngoài cổng trường, ảnh hưởng đến giao thông, tuy nhiên ông Phú nói việc này kéo dài không lâu.

Ngày 15/8, Sở GD-ĐT Cần Thơ đã yêu cầu nhà trường báo cáo bằng văn bản vụ việc này, chậm nhất trong ngày hôm nay 16/8.

Quy định vô lý?

Ngày 14/8, trước thông tin Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) buộc gần 100 học sinh phải ra khỏi lớp, về nhà thay trang phục vì mặc quần ống hẹp, bà Trần Hồng Thắm, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ, cho biết sở không có bất kỳ quy định nào như vậy đối với học sinh. Việc quy định là do nhà trường phối hợp và thống nhất với hội phụ huynh học sinh.

Bà Thắm cũng cho biết việc kiểm tra đại trà và buộc nhiều học sinh phải về nhà thay quần là không nên và gây phản cảm trong môi trường giáo dục.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Hải viết: “Tôi cho rằng không có lý do gì phải ngăn cấm học sinh mặc quần ống hẹp. Nhà trường còn nhiều việc quan trọng hơn để làm cho học sinh được học tập thoải mái hơn chứ không phải đi kiểm tra ống quần của học sinh như vậy”.

“Nếu không phải là ngày mặc đồng phục thì không nên làm thế, chỉ cần các em mặc không quá hở hang, phản cảm là được. Cái gì cũng bắt các em vào khuôn khổ thế này thì khó mà đào tạo được đức tính tự tin khi ra trường”, bạn đọc Phạm Sơn, bày tỏ. Hay, bạn đọc Nguyễn Đức Bằng cho rằng: “Tôi thấy đây là quy định không giống ai. Trang phục nên có quy định chung, còn ống quần rộng hay hẹp tùy vào sự thoải mái của học sinh nhà trường ạ!”.

Bên cạnh đó, có rất nhiều ý kiến ủng hộ quyết định của trường THPT Hà Huy Giáp bởi họ cho rằng, ăn mặc không phải là chuyện nhỏ.

“Giáo dục là phải như vậy, trước tiên dạy cái nết ăn, nết mặc phù hợp với quy định trước. Tôi đồng ý với cách làm của nhà trường, và cũng nhận định rằng hiện giờ rất nhiều trường học trên cả nước không hiểu sao cứ để đồng phục của học sinh không theo quy củ. Rất mong nền giáo dục Việt Nam phát triền song song với việc giữ nét riêng của dân tộc Việt Nam”, bạn đọc Tran Ga cho biết.

Bạn pntouyen chia sẻ quan điểm: Trường học là nơi dạy chữ, truyền thụ kiến thức và là nơi giáo dục nhân cách phẩm chất đạo đức, vì thế việc quy định ăn, mặc ở trường là rất cần thiết. Mọi người đừng nghĩ mặc đồng phục là khó chịu vì đảm bảo mọi em đến trường đều bình đẳng, tránh mặc cảm cho học sinh nghèo, khó khăn, tạo ra môi trường giáo dục hòa đồng, thân thiện. Ngoài ra các em còn phải hoạt động, nếu mặc quần ống chật không những phản cảm mà còn khó cho sự hoạt đông. Do đó việc làm của trường này tôi hoàn toàn ủng hộ. Còn chuyện về thay quần không quay lại học tập là ý thức của học sinh không tốt”.

“Tôi là một giáo viên THPT ở Quảng Ngãi, trường tôi cũng không cho học sinh mặc quận ống hẹp (bó) vào trong trường. Tôi thấy việc làm của Trường THPT Hà Huy Giáp là phù hợp với lứa tuổi học sinh”, bạn đọc Nguyễn Quảng Ngãi, cho hay.

Bạn đọc Lê Thanh Hải cũng cho rằng: “Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng trang phục của học sinh cũng rất quan trọng. Không thể nói ăn mặc là chuyện nhỏ trong ngành giáo dục mà nó còn thể hiện ý thức chấp hành kỉ luật của các em”.

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/tranh-cai-viec-chan-chinh-phong-trao-quan-bo-mong-ho-254345.html