Tranh cãi xoay quanh kết quả cuộc họp OPEC

Cuộc họp OPEC hôm thứ 5 tuần trước kết thúc khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng trước kết quả cuộc họp. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, tác động của quyết định kéo dài thỏa thuận vẫn còn gây tranh cãi trong giới quan sát thị trường.

Hôm thứ 5 tuần trước OPEC và một số nước ngoài tổ chức đã đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm thêm 9 tháng nữa, tuy nhiên, nỗ lực cắt giảm có thể không được hiệu quả như các nước thành viên mong muốn do một số quốc gia vẫn chưa hài lòng với mục tiêu cắt giảm.

Một số nước thành viên OPEC cũng như ngoài OPEC đã đồng ý kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng ngày đến tháng 3/2018 nhằm giảm lượng dầu thừa trên thị trường. Trước đó, nhiều nước tham gia thỏa thuận thậm chí còn cắt giảm vượt quá so với mức đã cam kết. Tuy nhiên, nhìn chung, sản lượng cắt giảm cộng gộp của tất cả các nước tham gia thỏa thuận vẫn dưới mức 1,8 triệu thùng kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 1/2017.

Theo như dự báo của nhiều chuyên gia, thị trường dầu thô thế giới có thể sẽ ổn định trở lại vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên với việc sản lượng dầu đá phiến của Mỹ liên tục tăng như hiện tại thì thời điểm thị trường bình ổn trở lại có thể bị lùi lại. Nhiều người cho rằng, thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC không hề có tác dụng trong việc rút lượng dầu thừa trên thị trường khi trữ lượng dầu trên thế giới vẫn ở mức cao hơn bình thường.

Lượng cắt giảm khai thác của OPEC chỉ giảm từ mức 33,3 triệu thùng/ngày xuống còn 31,9 triệu thùng/ngày. Cùng lúc đó, mục tiêu giảm trữ lượng dầu của OPEC mới chỉ dừng lại ở mức trung bình 5 năm tức là dưới 2,8 tỷ thùng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng lợi nhuận mới là động lực chính thúc đẩy OPEC kéo dài thỏa thuận cắt giảm. Chỉ tính riêng quý I/2017, OPEC "bỏ túi" thêm 75 triệu USD so với quý IV/2016 nhờ giá dầu tăng mạnh.

Tuy vậy, nhiều nước tham gia cuộc họp ngày hôm qua không đồng tình với ý kiến đẩy mạnh tiến trình bình ổn thị trường dầu bằng việc nâng mức hạn định cắt giảm lên trên 1,8 triệu/ngày mà chỉ nhất trí kéo dài thỏa thuận thêm 9 tháng. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đề cập tới khả năng thỏa thuận cắt giảm sẽ được kéo dài đến tháng 6/2018 do ông dự đoán cuộc chiến dầu thô sẽ còn gay gắt hơn nữa khi sản lượng dầu đá phiến không ngừng tăng, kéo giá dầu xuống. Điều này gây thất vọng cho nhiều nhà đầu tư dẫn tới hệ quả giá dầu lao dốc 5% xuống dưới mức 49 USD/thùng (đối với dầu WTI).

Một yếu khác nằm trong nội bộ OPEC đó là Iraq- quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 OPEC vẫn chưa thực sự sẵn sàng hoàn thành mục tiêu cắt giảm của mình khi mới chỉ chấp hành 90% so mức đã cam kết hồi tháng 4. Tuy nhiên, trước thềm cuộc họp bắt đầu, quốc gia này thể hiện thiện chí sẽ ủng hộ quyết định số đông.

Trái lại, một số quốc gia thành viên OPEC như Libya và Nigeria ( không nằm trong thỏa thuận cắt giảm) thậm chí còn tăng cường sản lượng. Kể từ đầu năm cho đến nay, sản lượng khai thác của Libya tăng từ mức 600.000 thùng lên mức 800.000 thùng.

Tác động của quyết định kéo dài thỏa thuận vẫn còn gây tranh cãi trong giới quan sát thị trường. Một số chuyên gia cho rằng giá dầu đang trên đà phục hồi khi giá dầu Brent kỳ hạn tham chiếu dần tiến tới mức 54 USD/thùng. Giá dầu hôm thứ Sáu tuần trước phục hồi trở lại khi tăng 90 cent lên mức 49,8 USD/thùng. Cùng lúc đó, giá dầu Brent cũng tăng 69 cent đạt 52,15 USD/thùng. Có được điều này là do giới đầu tư đã bình tâm trở lại sau cuộc họp của OPEC.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại dự đoán rằng các nước thành viên OPEC có thể hạn chế cắt giảm do lo ngại có thể để lọt mất thị phần vào tay Mỹ trong bối cảnh nhu cầu dầu trên thị trường đang tăng cao do mùa hè đang đến gần. Theo chuyên gia phân tích Eugen Weinberg đến từ Germany Commerzbank nhận định, giá dầu có thể trở về mức dưới 50 USD/thùng.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/tranh-cai-xoay-quanh-ket-qua-cuoc-hop-opec-2017052911125911p150c169.news