Tranh cãi xung quanh việc bắt Phó tướng Taliban

Mặc dù quân đội Pakistan đã xác nhận việc Mullah Abdul Ghani Baradar, nhân vật số 2 của Taliban ở Afghanistan, đồng thời là trợ thủ đắc lực của trùm khủng bố quốc tế Osama bin Laden bị bắt, nhưng điều này vẫn không giúp giảm bớt những tranh cãi xung quanh vấn đề này.

Từ những thông tin khác nhau... Trong tuyên bố hôm 17/2, người phát ngôn quân đội Pakistan, Trung tướng Athar Abbas khẳng định, việc nhận dạng đã giúp xác nhận một trong những kẻ bị bắt là Mullah Abdul Ghani Baradar. Tuy nhiên, địa điểm Mullah Abdul Ghani Baradar bị bắt và những chi tiết liên quan đến chiến dịch truy lùng không thể tiết lộ vì lý do an ninh. Cũng với lý do tương tự, nhưng cách giải thích của người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs lại khiến mọi người cho rằng, Baradar chưa bị bắt bởi Mỹ từ chối xác nhận thông tin này. Theo giới truyền thông, Baradar đã bị lực lượng đặc nhiệm của tình báo quân đội Pakistan và tình báo Mỹ bắt trong một chiến dịch phối hợp bí mật tại thành phố Karachi của Pakistan hôm 11/2. Giới quân sự coi đây là bước đột phá mới của cơ chế hợp tác giữa Mỹ và Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Có người còn cho rằng, việc này sẽ gây ảnh hưởng tạm thời đến sức chiến đấu của Taliban tại Afghanistan, thậm chí sẽ dẫn tới việc bắt giữ thêm một số thành viên cấp cao khác của Taliban, nhất là thủ lĩnh Mullah Mohammad Omar. Nhưng lại có tin nói rằng, Baradar đã bị bắt trong một trận đột kích bất ngờ diễn ra vào sáng 8/2, khi người của Cơ quan Tình báo Pakistan tấn công vào một trường học Hồi giáo gần Karachi. Tin bắt giữ Baradar được đăng tải đầu tiên trên trang mạng của tờ New York Times hôm 15/2. Được biết, New York Times không công bố nguồn tin theo yêu cầu của Nhà Trắng vì họ quan ngại điều này sẽ cản trở quá trình thu thập tin tức tình báo của Mỹ cũng như 2 đồng minh tại Nam Á. Mỹ hy vọng, Baradar sẽ cung cấp các thông tin liên quan đến nơi ẩn náu của thủ lĩnh số một Taliban Mohammad Omar. Giới truyền thông cho biết, hiện Baradar đang cung cấp nhiều tin tức tình báo cho cả Mỹ, Afghanistan và Pakistan. Theo tài liệu của Interpol, Mullah Abdul Ghani Baradar sinh năm 1968 và từng là Thứ trưởng Quốc phòng trong chính quyền Taliban ở Afghanistan trước khi chế độ này bị lật đổ hồi cuối năm 2001. Ông Kamran Bokhari, Giám đốc Tổ chức Thông tin tình báo STRATFOR cho biết, Baradar là cánh tay phải của Mullah Mohammad Omar và là nhân vật quan trọng nhất trong hội đồng lãnh đạo Taliban. Tình báo Mỹ cho rằng, Baradar phụ trách các hoạt động quân sự của Taliban, kể cả việc hoạch định những chiến dịch lớn chống lại lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu. Mullah Abdul Ghani Baradar chịu trách nhiệm vạch kế hoạch chiến lược dài hạn cho Taliban tại miền Nam Afghanistan. Có người nói rằng, Baradar điều hành cả quân sự lẫn tài chính của Taliban. Baradar bị truy lùng gắt gao kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 và được thăng chức sau khi thủ lĩnh quân sự Mullah Akhtar Mohammed Usmani chết năm 2006. ... đến hệ lụy khó lường Tuy nhiên, giới phân tích lại khuyến cáo, việc bắt giữ Mullah Abdul Ghani Baradar đang khiến Mỹ và Chính phủ Afghanistan khó xử bởi viên phó tướng này được coi là lực lượng chủ hòa trong nội bộ Taliban. Được biết, cả tình báo Mỹ và Chính phủ Afghanistan đều đang tìm mọi cách để tiếp cận với lực lượng chủ hòa Taliban tại quốc gia này. Việc bắt giữ Baradar sẽ khiến cho kế hoạch kể trên gặp khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Từng được coi là con bài ảnh hưởng của Pakistan trong quan hệ với Afghanistan, nhưng với việc thừa nhận công lao trong việc bắt giữ Baradar, Taliban sẽ cảnh giác hơn với "ông bạn này". Theo tiết lộ của giới truyền thông, kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền đến nay, Mỹ đã gửi rất nhiều chuyên gia tình báo và lính đặc nhiệm tới chiến trường Afghanistan và Pakistan. Ngày 13/2, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai tiếp tục kêu gọi Taliban hạ vũ khí đầu hàng. Theo giới truyền thông, cuối tháng 1 vừa qua tại Mandiver, một quốc đảo nằm ở Nam Á đã diễn ra cuộc gặp giữa đại diện Taliban với Chính phủ Afghanistan. Và trong cuộc họp kéo dài 3 ngày, 2 bên đã thảo luận nhằm tìm lối thoát hòa bình cho cuộc xung đột tại Afghanistan. Được biết, con trai của cựu Thủ tướng Afghanistan Gulbuddin Hekmatyar cũng có mặt trong đoàn đại diện của Taliban. Việc Chính phủ Afghanistan bắt đầu triển khai cảnh sát tại tỉnh Helmand, nơi được coi là sào huyệt của Taliban được dư luận đánh giá cao, nhất là trong thời điểm NATO đang mở chiến dịch truy quét Taliban tại miền Nam nước này. Đây là một trong những chiến dịch chống Taliban lớn nhất trong vòng 8 năm qua, đồng thời là phép thử đối với kế hoạch gửi thêm 30.000 quân tới Afghanistan của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cách đây không lâu, cả Mỹ và Pakistan từng tranh cãi với Taliban xung quanh cái chết của thủ lĩnh Taliban ở Pakistan Hakimullah Mehsud. Ngày 31/1, quân đội Pakistan tuyên bố, sau khi kiểm chứng nhiều thông tin khác nhau có thể khẳng định, Hakimullah Mehsud đã chết vì bị thương sau vụ tấn công của máy bay không người lái Mỹ hồi giữa tháng 1/2010. Nhưng Taliban đã cho công bố 2 đoạn băng sau vụ tấn công kể trên để chứng minh rằng, thủ lĩnh Hakimullah Mehsud đã thoát nạn. Người phát ngôn Taliban Azam Tariq khẳng định, Hakimullah Mehsud vẫn còn sống và an toàn. Thông tin về cái chết của Hakimullah Mehsud xuất hiện lần đầu tiên sau cuộc tập kích hôm 14/1 của máy bay không người lái Mỹ, nhưng từ đó đến nay khẩu chiến xung quanh vấn đề này vẫn chưa kết thúc. Bất chấp tuyên bố của Mỹ và Pakistan, lực lượng Taliban ở Afghanistan vẫn tiếp tục phủ nhận thông tin Mullah Abdul Ghani Baradar bị bắt bởi ông ta đang lãnh đạo các chiến dịch tại Afghanistan

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/hosointepol/2010/3/71727.cand