Tranh chấp đất tại Bình Dương: Cần xem lại việc giao và cấp GCNQSĐ

Các cấp tòa không xem xét nguồn gốc đất, ranh giới đất, nghĩa vụ đóng thuế, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thẩm quyền giao đất…để bác đơn ông Trần Hoàng Phong là chưa đúng lý.

Ông Trần Hoàng Phong và bà Nguyễn Thị Kim Cúc (nguyên đơn trong vụ tranh chấp quyền sử dụng đất) cho biết, vào năm 1977, gia đình ông vào ấp 2 xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương làm kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Khi ấy, xung quanh nhà ông là một số người Hoa lên làm kinh tế mới và đến năm 1978, họ bỏ về thành phố. Do đó, gia đình ông khai phá và sử dụng luôn các phần đất của một số người này bỏ lại; theo đó: Đông giáp đường lộ; Tây giáp đất nông trường Long Nguyên; Nam giáp đất ông Phan Cảnh Trung; Bắc giáp đất ông Lịch (nay là đất ông Khanh và bà Huệ) để trồng khoai mỳ và khoai lang.

Khu đất đang tranh chấp.

Năm 1987 bà Nguyễn Thị Liên là mẹ ông Phong cho con trai đất để canh tác. Khi cho, bà Liên không làm giấy tờ nhưng có chỉ ranh giới đất trên thực tế là đến cây mít hiện nay, tức là giáp ranh với đất ông Dương, bà Mai với đất tranh chấp.

Sau khi được mẹ cho đất, ông Phong đã đi kê khai diện tích là 3.400 m 2 đất (theo ranh giới là đến cây mít) và đóng đầy đủ thuế cho Nhà nước. Ngoài ra, mẹ ông Phong cũng kê khai 2.900 m 2 đất và đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước. Đến năm 1994, gia đình ông Phong được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 6.431 m 2 và tứ cận không có gì thay đổi.

Theo bản đồ địa chính thể hiện trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phong năm 1994 thì bao trọn hết cả phần đất đang tranh chấp. Trước khi cho đất ông Phong, bà Liên có cho nông trường cao su Long Nguyên mượn để cất 2 căn nhà tạm cho công nhân ở, chờ xe rước đi làm vào năm 1986. Đến năm 1989, 2 căn nhà trên được nông trường cao su Long Nguyên giao cho vợ chồng ông Dương, bà Mai một căn và vợ chồng ông Sanh, bà Ngân một căn.

Việc mượn đất giữa nông trường cao su Long Nguyên và bà Liên được thực hiện bằng miệng nhưng tất cả người dân ở đó như ông Nguyễn Trọng Sửu (SN 1949), ông Lê Khắc Đô (SN 1942), ông Lê Gia Lịch (SN 1948)… đều biết và đứng ra làm chứng trước tòa nhưng lạ một điều không được tòa các cấp Sơ thẩm, Phúc phẩm xem xét (?!).

Theo ông Phong: “Việc mẹ tôi cho nông trường cao su Long Nguyên mượn đất, tôi không có quyền đòi lại nhưng phần đất tranh chấp là phần đất mẹ tôi cho tôi và tôi đã kê khai nộp thuế, sử dụng đúng mục đich, có ranh giới đàng hoàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1994 thể hiện rõ tứ cận, trong đó bao gồm toàn bộ phần đất tranh chấp nhưng ông Sanh, bà Ngân đã nhờ sự “tiếp tay” của chính quyền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định của pháp luật, chồng lên phần đất của tôi".

"Chỉ đến khi, chính quyền địa phương mời tôi lên xác định ranh giới tôi mới biết ông Sanh, bà Ngân lấn chiếm qua phần đất của tôi, bởi phần đất này từ trước đến nay tôi vẫn quản lý, sử dụng. Trước đây, tôi có trồng điều và cao su nhưng xe ô tô của nông trường thường xuyên đậu nên tôi đã chặt điều và cao su đi. Hiện nay là đất trống. Thế nhưng, không hiểu vì sao các cấp tòa nhận định là trên đất có tài sản trên đất như tre, nhãn, mít, mãng cầu của ông Sanh, bà Ngân (?!). Vì thế, tôi mất luôn phần đất được mẹ cho”, ông Phong bức xúc.

Theo bị đơn (ông Sanh, bà Ngân), năm 1989, nông trường cao su Long Nguyên giao cho ông bà một căn nhà cấp 4 diện tích 6m x17 m= 102 m 2 (không có giấy tờ gì chứng minh). Thực tế lúc ấy, nông trường cao su mới cất một căn rộng 57,2 m 2 và một căn mới lợp tôn, chưa cất hoàn chỉnh có diện tích tương tự. Sau đó, một căn hoàn chỉnh được giao cho vợ chồng ông Sanh, bà Ngân sử dụng; căn chưa hoàn chỉnh giao cho vợ chồng ông Dương, bà Mai sử dụng. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì đến khi đăng ký quyền sử dụng đất ông Sanh, bà Ngân lại được cấp đến 630 m 2 vào năm 1994, trong đó, có đến 400 m 2 đất thổ cư và 230 m 2 đất vườn.

Theo hồ sơ kê khai nhà đất của ông Sanh, bà Ngân thì thể hiện xã cấp vào năm 1989 nhưng trước tòa thì ông Sanh, bà Ngân khai là nông trường cấp vào năm 1989. Vậy đâu là sự thật? Tại sao đất lại biết “đẻ”, thẩm quyền giao đất của cấp xã và nông trường cao su Long Nguyên có đúng quy định pháp luật không?

Đây là các tình tiết quan trọng nhưng cả 2 cấp tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm đều không làm rõ (?!). Hơn nữa, trên sơ đồ địa chính thì thửa đất này năm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1994 của ông Phong nhưng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sanh thì phía Bắc giáp với đất ông Phong. Tiếp đó, ông Sanh, bà Ngân lại khai năm 1995 vợ chồng ông mua thêm 5 m đất bề ngang chiều dài hết đất (180 m 2 ) của vợ chồng ông Dương, bà Mai để lần đổi sổ thứ hai vào tháng 11/2004 diện tích đất của ông Sanh, bà Ngân tăng lên 1.346 m 2 , trong đó, 300 m 2 đất thổ cư, 805 m 2 đất vườn và 241 m 2 đất lộ giới.

Vậy ông Dương, bà Mai lấy đất đâu ra bán? Bởi theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Sanh năm 1994 thì phía Bắc đã giáp với ông Phong, thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất có đúng quy trình không, các hộ giáp ranh có ký giáp ranh không?

Chỉ đến khi, xã mời lên xác định ranh đất ông Phong, bà Cúc mới biết đất mình bị lấn chiếm?. Ở lần đổi sổ này, hồ sơ địa chính của ông Sanh, bà Ngân lại một lần nữa thể hiện phía Bắc giáp đất ông Phong nhưng đổi thành là giáp “giải tờ 16”?.

Theo hồ sơ địa chính, các lần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phong, bà Cúc và ông Sanh, bà Ngân đều có sự “đạo diễn” của ông Nguyễn Văn Nhuận – cán bộ địa chính xã Long Nguyên và Chủ tịch UBND xã Long Nguyên Bạch Văn Khởi. Vì thế, bản đồ địa chính các thửa đất liền kề không khớp nhau.

Chính vì thế, ông Phong, bà Cúc không biết mình bị lấn chiếm đất trong suốt gần 30 năm. Thật khó hiểu khi ông Sanh, bà Ngân chỉ được giao 57,2 m 2 đất không đúng thẩm quyền, thế nhưng sau 2 lần cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với nhiều điều trái quy định pháp luật đã biến khu đất lên 1.346 m 2 nhưng cả hai cấp tòa Sơ thẩm và Phúc thẩm đều không làm rõ, gây bức xúc dư luận.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nên xem xét vụ việc theo thủ tục Giám đốc thẩm một cách thấu lý, đạt tình để trả lại sự công bằng cho gia đình ông Phong, bà Cúc.

Nhóm PVĐT / KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/tranh-chap-dat-ben-cat-binh-duong-xem-lai-viec-giao-va-cap-gcnqsd-p43325.html