Tranh chấp giữa ANZ và IFS: Công ty IFS kháng án

Sau tuyên bố của Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội với phần thắng nghiêng về Ngân hàng ANZ, tranh chấp liên quan đến hợp đồng tư vấn phát hành trái phiếu giữa ANZ và Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế dường như vẫn chưa giảm nhiệt.

Công ty cổ phần Thực phẩm Quốc tế (IFS), niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, tuần trước đã ra thông báo, sẽ kháng cáo lên tòa phúc thẩm xét xử lại phán quyết của Tòa Sơ thẩm về vụ việc tranh chấp hợp đồng tư vấn phát hành bảo lãnh trái phiếu với Ngân hàng Australia and NewZealand (ANZ) Banking Group Limited- chi nhánh Hà Nội, với lý do “hợp đồng giữa hai bên đã bị vô hiệu”. Hợp đồng tư vấn (HĐTV) giữa ANZ và IFS về phát hành trái phiếu được ký kết vào tháng 12/2007, với mục đích phát hành trái phiếu riêng lẻ của IFS dưới sự bảo lãnh phát hành bởi Ngân hàng ANZ- chi nhánh Hà Nội. Theo đó, ANZ sẽ bảo lãnh IFS phát hành 650 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2008, với điều kiện IFS phải đáp ứng một số điều khoản nhất định. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện Công ty IFS cho biết, họ không hài lòng với phán xét của Tòa Sơ thẩm, bởi Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội mới chỉ căn cứ giấy phép bảo lãnh phát hành trái phiếu của ANZ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp, mà chưa xem xét đến văn bản liên quan của Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) và NHNN về kinh doanh chứng khoán. “Để thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, ANZ phải được 2 cơ quan là NHNN và UBCK cấp giấy phép. ANZ nhận được giấy phép của NHNN vào tháng 6/2008, trong khi hợp đồng bảo lãnh phát hành trái phiếu được ký từ tháng 12/2007 và UBCKNN thì chưa có văn bản nào cho phép ANZ thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành. Do đó, hợp đồng này đã bị vô hiệu ngay từ khi ký kết”, đại diện IFS cho biết. Ngoại trừ việc phát hành trái phiếu, ANZ còn ký kết một khoản vay bắc cầu cho IFS trị giá 18 triệu USD, với nguồn tiền trả nợ từ việc phát hành trái phiếu trên. Về khoản vay này, ANZ đã cấp cho IFS 4 triệu USD trong tháng 3/2008. Tuy nhiên, do những biến động về thị trường tài chính năm 2008, nên việc phát hành trái phiếu không thực hiện được và ANZ đã ngừng cung cấp khoản vay bắc cầu này. Vào tháng 10/2009, IFS khởi kiện ANZ ra Tòa án Nhân dân TP Hà Nội, yêu cầu Tòa án tuyên HĐTV vô hiệu toàn bộ, với lý do vào thời điểm giao kết HĐTV, Ngân hàng ANZ không được cấp phép để thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp và đồi bồi thường thiệt hại lên tới hơn 280 tỷ đồng do việc không thực hiện được phát hành trái phiếu bởi lỗi của ANZ. Đại diện của Ngân hàng ANZ cho rằng, vụ việc này đang được Tòa Phúc thẩm xem xét, nên hiện chưa là thời điểm thích hợp để ANZ đưa ra bình luận. Tuy nhiên, vị đại diện này nói thêm, vụ việc này đã được xét xử tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội phiên sơ thẩm vào tháng 3/2010 và Tòa đã bác yêu cầu của IFS, đồng thời công nhận rằng, ANZ đã hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với khách hàng. Theo kết luận của Tòa Sơ thẩm, căn cứ vào Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27/5/2003 của Tòa án Nhân dân Tối cao, HĐTV vẫn có hiệu lực, vì tại thời điểm phát sinh tranh chấp, ANZ đã có quyền thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu. Như vậy, Tòa không thấy có căn cứ chấp nhận yêu cầu của IFS tuyên HĐTV vô hiệu. Thêm vào đó, HĐTV là hợp đồng có điều kiện, theo đó, ANZ chỉ thực hiện nghĩa vụ thu xếp phát hành và bảo lãnh phát hành, nếu các điều kiện quy định trong HĐTV được thỏa mãn (ví dụ: không xảy ra thay đổi bất lợi nghiêm trọng trên thị trường tài chính cũng như đối với tình hình tài chính của IFS). Tuy nhiên, do đã xảy ra các sự kiện này và vì vậy, điều kiện để ANZ thực hiện nghĩa vụ chưa được đáp ứng. Vì vậy, yêu cầu của IFS đòi ANZ bồi thường thiệt hại do không phát hành được trái phiếu là không có cơ sở. Trong khi đó, trong công văn gửi UBCKNN và Bộ Tài chính vào ngày 18/8/2010, IFS cho rằng, năm 2008, ANZ đã viện lý do điều kiện thị trường không thuận lợi, nên đã không tiếp tục thực hiện hợp đồng, cho dù trước đó, IFS đã trả 30% phí bảo lãnh phát hành trái phiếu, tương đương với hơn 2,437 tỷ đồng cho ANZ và đã nhiều lần yêu cầu ANZ thực hiện nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng. Vào ngày 16/8/2010, Sở giao dịch TP.HCM cũng đã ngừng giao dịch của cổ phiếu IFS, với lý do Công ty này thua lỗ trong 2 năm liên tiếp (2008-2009). IFS cho rằng, việc ANZ không tiếp tục thực hiện hợp đồng đã dẫn đến các hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh của họ gặp thất bại và IFS chịu tổn thất lớn. Thông tin riêng của Báo Đầu tư cho hay, sau khi IFS đề nghị phúc thẩm bản án sơ thẩm, Tòa án đã chấp thuận yêu cầu này, tuy nhiên, thời gian cụ thể để thực hiện vẫn chưa được ấn định cụ thể.

Nguồn Vinacorp: http://vinacorp.vn/news/tranh-chap-giua-anz-va-ifs-cong-ty-ifs-khang-an/ct-410620