Tránh lạc đề và sử dụng hiệu quả Atlat khi làm bài thi môn Địa lý

Theo thầy giáo Lê Quốc Châu (GV trường THPT Cù Huy Cận, Hà Tĩnh), lỗi thường gặp khi làm bài thi môn Địa lý là học sinh không đọc kỹ đề bài, từ đó không xác định đúng yêu cầu đề bài đưa ra dẫn đến tình trạng lạc đề.

Ba bước khi đọc đề

Nhiều năm có kinh nghiệm ôn thi đại học môn Địa lý, thầy Lê Quốc Châu lưu ý một số kỹ năng sau đây về cách đọc đề thi, tránh lạc đề:

Lần 1, đọc toàn bộ đề thi, chọn câu dễ làm trước để vừa kiếm điểm, vừa không mất thời gian loay hoay với câu hỏi khó.

Lần 2, đọc từng câu.

Lần 3, đọc từng ý.

Thầy giáo Lê Quốc Châu chia sẻ cách đọc đề thi và sử dụng hiệu quả Atlat

Mỗi câu, mỗi ý trong cấu trúc đề thi đều tương ứng với một đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa nên thí sinh cần phải đọc kỹ.

Một lỗi cơ bản nữa, theo thầy Châu là học sinh thường chủ quan nên để mất điểm ở những câu, những ý dễ, trả lời thiếu ý, sót ý.

Ví dụ:

Câu hỏi lý thuyết, đề bài yêu cầu: “Nhận xét tình hình phát triển dân số, tình hình phát triển ngoại thương…”. Vì đề bài nhắc tới “nhận xét tình hình” nên buộc học sinh phải nhận xét được 2 ý lớn về sự thay đổi số lượng và về sự thay đổi cơ cấu. Tuy nhiên, đa phần thí sinh chỉ nhận xét về số lượng mà quên nhận xét về cơ cấu.

Mẹo dùng Atlat hiệu quả

Thí sinh cần tận dụng triệt để Atlat Địa lí Việt Nam - cuốn tài liệu duy nhất được mang vào phòng thi. “Các em nên dựa vào Atlat để học bởi cả 4 câu hỏi trong đề thi đều có thể sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam” - thầy Châu chia sẻ.

Ví dụ: Trong câu 1 đề thi hỏi về Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, câu 2 đề hỏi về các ngành, các vùng kinh tế, thí sinh hoàn toàn có thể sử dụng những số liệu trên biểu đồ trong Atlat để làm bài.

Một số lưu ý khi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam:

- Sử dụng nhiều trang Atlat để trả lời 1 câu hỏi đề ra.

- Nhận xét các biểu đồ trong Atlat để lấy kiến thức, nhất là phần thực trạng và số liệu.

- Đối với các phần kiến thức không có trong Atlat như vai trò, đặc điểm, các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội... thì buộc thí sinh phải học và ghi nhớ trong sách giáo khoa.

- Nắm chắc các ký hiệu: Thí sinh cần nắm chắc các ký hiệu chung về khoáng sản, nông nghiệp, công nghiệp, lâm ngư nghiệp...

- Biết khai thác biểu đồ có trong các bản đồ của Atlat: Thông thường mỗi bản đồ ngành kinh tế đều có từ 1 đến 2 biểu đồ (cột, đường, tròn...) bên cạnh thể hiện sự tăng, giảm về giá trị tổng sản lượng, về diện tích (đối với các ngành nông - lâm nghiệp) của các ngành kinh tế, thí sinh cần biết cách khai thác các biểu đồ trong các bài có liên quan để đỡ phải nhớ nhiều số liệu trong phần lý thuyết.

D.Hà

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/camera-phu-huynh/tranh-lac-de-va-su-dung-hieu-qua-atlat-khi-lam-bai-thi-mon-dia-ly-post27071.html