Tranh luận về quyền hạn hải quan khi truy đuổi hàng lậu

(SGGP).– Sáng 15-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi). Luật Hải quan (sửa đổi) được xây dựng nhằm luật hóa một số điều ước quốc tế cũng như tập trung vào cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan... với 27 điều giữ nguyên như hiện hành, 45 điều sửa đổi và 34 điều bổ sung.

Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo là quy định: “Trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa, phương tiện vận tải là hàng hóa, phương tiện vận tải buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan hải quan tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng trên địa bàn biết và yêu cầu phối hợp để ngăn chặn và xử lý”.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của hải quan trong việc ngăn chặn, xử lý vận chuyển hàng hóa trái phép, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, khi phát hiện hàng hóa vận chuyển trái phép ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì hải quan vẫn có quyền truy đuổi là điều không phải bàn cãi nhiều, nhất là hành vi đó xuất phát từ chính địa bàn hải quan. Bởi khi phạm tội quả tang thì không chỉ hải quan mà người dân cũng có quyền truy đuổi.

Tuy nhiên, những điều khoản liên quan đến việc truy đuổi hàng hóa vận chuyển trái phép, hải quan được sử dụng pháo hiệu, còi hụ, sử dụng vũ khí... cũng khiến Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn băn khoăn. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc sử dụng còi hụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ như thế nào phải có quy định cụ thể. Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, quy định như vậy sẽ tạo nên sự phức tạp bởi sẽ liên quan đến trách nhiệm ai nổ súng, nổ súng trong trong trường hợp nào, nếu nổ súng chết người thì ai chịu trách nhiệm...? Đó là những điều liên quan trách nhiệm, quyền hạn phải hết sức lưu ý. Ngoài ra, việc truy đuổi người vi phạm mức độ thế nào, đến đâu để không chồng chéo là phải nghiên cứu. Bởi không quyết liệt thì không giải quyết được mà nếu quá lại gây nguy hiểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng băn khoăn, việc phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới hiện đang diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến đường bộ, biển, phía Bắc, Nam... Đồng tình với mục tiêu của dự luật là đảm bảo trật tự an ninh quốc gia, chống buôn lậu, vận chuyển nhưng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, phải nghiên cứu khả thi hơn trong thực hiện là truy đuổi ra ngoài lãnh hải, phòng chống buôn lậu, vận chuyển... phải quy định rõ đơn vị phối hợp, trách nhiệm ra sao. Phát biểu về vấn đề này, ôâng Bùi Văn Thạch, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, trao quyền truy đuổi là cần thiết nhưng cũng cần phải có quy định chặt chẽ, tránh chồng chéo các nhiệm vụ của công an, biên phòng, cảnh sát biển... và cũng bởi có những trường hợp truy đuổi sâu trong nội địa, hải quan không thể làm hết được.

Phản hồi lại các ý kiến đóng góp của UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, theo quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có quy định việc sử dụng vũ khí có bao gồm lực lượng chuyên trách chống buôn lậu hải quan, hải quan cửa khẩu. Ông Dũng cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của các thành viên UBTVQH, sẽ nghiên cứu quy định một cách chuẩn hóa hơn thay vì như dự thảo là trang bị cho tất cả công chức hải quan. Cũng theo ông Dũng, tinh thần của dự thảo là hải quan chỉ làm việc trong khu vực, địa bàn còn hải quan, còn ra ngoài khu vực thì phải phối hợp.

Liên quan đến tổ chức của Tổng cục Hải quan, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, tinh thần là sẽ giảm số cục hải quan thay vì 17 cục hải quan hiện nay. Riêng địa bàn trọng điểm như TPHCM sẽ tính toán có thể tổ chức thành 2 cục hải quan do việc quản lý và lượng hàng hóa qua Cục Hải quan TPHCM lớn.

NGỌC QUANG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phapluat/2013/8/325870/