Tranh thủ bù rủi ro

Mặc dù dòng tiền trên thị trường đang tập trung tại phần lớn những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn và kết quả kinh doanh tốt (blue chip) nhưng vẫn có một số mã dù vẫn thu hút dòng tiền mặc dù nền tảng không có gì đặc biệt, thậm chí rủi ro.

Đọc E-paper

Sự phân hóa cổ phiếu ngày càng rõ nét khi thị trường dần quay lưng với những mã kém chất lượng nhưng vẫn có những trường hợp "khác biệt". SHN là một trong những cổ phiếu có giá thấp nhất trên thị trường (dưới 1.000 đồng/cổ phiếu), đi kèm là nhiều rủi ro trong hoạt động.

Công ty mẹ SHN sau 6 tháng đầu lỗ ròng 56 tỷ đồng và còn gặp những vấn đề khác như việc thu hồi công nợ có giá trị lớn. Thế nhưng, SHN vẫn có thanh khoản mỗi phiên từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn cổ phiếu.

Nếu so về khối lượng giao dịch, có khi SHN còn áp đảo nhiều cổ phiếu tốt và việc "hàng dạt" được giao dịch nhiều hơn "hàng xịn" cũng cho thấy rất nhiều vấn đề.

Một phiên SHN khớp hơn nửa triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch xấp xỉ 500 triệu đồng, số tiền này với một nhà đầu tư VIP là nhỏ, thậm chí chỉ cần một phiên tăng trần hay giảm sàn có thể lãi hay lỗ số tiền còn hơn như vậy.

Nhưng mua vào SHN để làm gì? Cơ may sinh lời hay nói đúng hơn là cơ sở nào để nhà đầu tư mạo hiểm? Có lẽ nhiều người sẽ không thể trả lời được câu hỏi này vì nguyên nhân đơn giản vì... không biết, không thấy, nhìn vào hoạt động kinh doanh của SHN không thấy khả quan.

Mà đã vậy thì dù chỉ bỏ ra vài triệu đồng, mua vài ngàn cổ phiếu SHN "cho vui" hay để thử vận may cũng không dễ. Việc tìm kiếm lợi nhuận từ biến động giá của SHN cũng không dễ vì giá trị giao dịch thấp và trên sàn còn "khối" mã có nền tảng tốt hơn SHN và biến động cũng mạnh hơn nhiều.

Vậy nên, việc SHN vẫn có thanh khoản cao là một sự ngạc nhiên, có lẽ ai nắm giữ SHN muốn bán ra là "sướng" nhất vì thanh khoản cao nên dễ bán.

Mới đây, PVX cũng đã công bố công ty mẹ lỗ 375 tỷ đồng trong quý II và hiện đang nằm trong diện kiểm soát do bị lỗ hai năm liên tiếp 2011 và 2012. PVX thuộc nhóm những cổ phiếu có vốn điều lệ (4.000 tỷ đồng) và giá trị vốn hóa lớn nhất tại HNX, và nằm trong rổ tính HNX30.

Vậy nên, PVX cũng thu hút một dòng tiền đáng kể và trở thành một trong những cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất trên thị trường. Bất kể công ty làm ăn thế nào thì giá trị giao dịch luôn ở mức khủng, từ vài trăm ngàn, thậm chí vài triệu cổ phiếu mỗi phiên.

Ngày 7/8, PVX giảm sàn nhưng thanh khoản lên đến gần 7 triệu cổ phiếu. Với thanh khoản lớn như vậy, chỉ cần PVX tăng giảm 100-200 đồng là có thể tạo ra lợi nhuận cho những ai lướt sóng với số lượng lớn.

Làm một phép tính đơn giản: giữ 50.000 cổ phiếu PVX, chỉ cần tăng khoảng 200 đồng, là có thể có lãi gần chục triều đồng. Nói như một số nhà đầu tư thì 10 triệu đồng lúc này đâu phải dễ kiếm, nên có cơ hội là tranh thủ.

Có lẽ cũng vì vậy mà PVX mặc dù đang gặp khó khăn trong hoạt động nhưng vẫn thu hút được nhiều dòng tiền. Càng nhiều dòng tiền thì thanh khoản càng lớn, cơ hội càng nhiều và lấn át luôn cả những rủi ro hiện tại của cổ phiếu.

Người mua PVX đơn thuần chỉ để tìm kiếm cơ hội tạo ra lợi nhuận từ cổ phiếu, khác với kỳ vọng từ việc doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng trưởng, hay chia cổ tức. Dẫu sao, đây cũng là một cách giao dịch, một sự lựa chọn của thị trường.

VNE cũng là một trường hợp đáng nói bởi đây cũng là một cổ phiếu mà biến động nhiều khi không tương đồng với thực lực, bản chất của hoạt động. Những năm trước chỉ cần thị trường tăng là cổ phiếu này cũng "chạy".

Nhưng năm 2013 có vẻ VNE không được may mắn cho lắm khi từ đầu năm đến nay diễn biến theo xu hướng giảm. Mặc dù vậy, mỗi phiên giao dịch, khối lượng khớp của VNE cũng đạt vài trăm ngàn cổ phiếu, sự tấp nập so với trước đây cũng không suy giảm là mấy.

Thật khó để lý giải mục tiêu mua vào, bán ra của những ai đang giao dịch VNE. Nhưng sẽ không ngạc nhiên, nếu có mục đích mua cổ phiếu VNE làm của để dành và chờ ngày cổ phiếu này phục hồi.

Nhưng việc VNE giảm giá trong thời gian qua, lại cho thấy có vẻ thị trường đang "chán" cổ phiếu này. Yếu tố vốn gắn chặt với VNE là thị trường đã trở nên lung lay như vậy, thì căn cứ nào để có thể chờ đợi cổ phiếu này đây? Có lẽ việc tìm kiếm lợi nhuận từ VNE phải phó mặc cho sự... hên xui.

Ngay cả cổ phiếu blue chip bây giờ vẫn có thể tăng nóng, tức là có cả sự tham gia của dòng tiền ngắn hạn, đầu cơ thì việc những cổ phiếu có chất lượng kém hơn hẳn có lẽ là một sự ngạc nhiên thú vị. Hy vọng rằng, một vẻ đẹp tiềm ẩn, hay yếu tố đặc biệt nào đó sẽ "phát lộ” nơi các cổ phiếu này để giải đáp cho câu hỏi: "Vì sao cổ phiếu rủi ro vẫn có thanh khoản cao?".

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/online/kinh-doanh/tai-chinh-chung-khoan/2013/08/1076110/tranh-thu-bu-rui-ro/