Trao 2 tỷ, Hà Nội thu được gì từ giải pháp chống ùn tắc giao thông?

Nếu theo phương án này, Hà Nội sẽ chấp nhận cả phương tiện giao thông cá nhân và tăng cường giao thông công cộng; từng bước thuyết phục người dân sử dụng phương tiện chung và nhấn mạnh việc quy hoạch hạ tầng giao thông, bao gồm cả đường sá và bãi đỗ xe.

Anh Cường, một người có thâm niên tham gia giao thông tuyến Hà Đông – Bờ Hồ gần 30 năm qua, tỏ ra thích thú và tò mò về giải pháp đoạt giải cuộc phát động hiến kế giảm ùn tắc giao thông mà UBND thành phố Hà Nội phát động mấy tháng qua. Anh cũng như nhiều người khác kỳ vọng thành phố sẽ sớm có cách thức xử lý triệt để nạn ùn tắc giao thông xảy ra như cơm bữa bao năm qua.

Không riêng gì anh Cường, cả triệu người dân Thủ đô đã háo hức từ khi UBND Thành phố Hà Nội công bố giải thưởng nhiều tỉ đồng cho ai hiến kế giảm ùn tắc hay nhất, khả thi nhất trong “Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn 2030”. Nay thì niềm mong ước đã thành hiện thực.

Hà Nội trao 2 tỷ đồng cho giải pháp chống ùn tắc giao thông...không mới? Ảnh: Anh Trọng

Cuộc thi “hiến kế” không có giải Nhất. Giải thưởng 2 tỷ đồng đã được trao cho giải Nhì, do liên danh 3 bên, đến từ Việt Nam và Nhật Bản, đề xuất.

Đọc 7 nội dung của bản đề xuất, nhiều người nửa tin, nửa ngờ.

Thứ nhất: Mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông. Đô thị xây đến đâu phải có đường xây cùng đến đó, phát triển một cách đồng bộ.

Thứ 2: Cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân. Tháo gỡ những nút giao gây ách tắc giao thông, bố trí thêm các bãi đỗ xe…

Thứ 3: Phát triển hệ thống giao thông công cộng, mà cụ thể ở đây là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, hệ thống đường sắt đô thị…

Thứ 4: Giải pháp mềm chuyển đổi dần nhu cầu, ý thức của người dân từ việc chuyển đổi xe máy, xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng.

Thứ 5: Đề ra biện pháp quản lý giao thông, những luật lệ giao thông mà mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, trách ùn tắc.

Thứ 6: Phát triển đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển các điểm khớp nối giao thông, phát triển theo định hướng ưu tiên giao thông công cộng.

Thứ 7: Lộ trình để thực hiện những chiến lược trên. Thứ tự các chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Sự liên kết phát triển trong việc thực hiện các chiến lược trên.

Có thể thấy, nếu theo phương án này, Hà Nội sẽ chấp nhận cả phương tiện giao thông cá nhân và tăng cường giao thông công cộng; từng bước thuyết phục người dân sử dụng phương tiện chung và nhấn mạnh việc quy hoạch hạ tầng giao thông, bao gồm cả đường sá và bãi đỗ xe.

Vậy thì những giải pháp này đâu có mới. Lâu nay, Hà Nội vẫn từng bước phát triển phương tiện công cộng. Đường sắt trên cao sắp đi vào hoạt động, còn buýt nhanh BRT sắp được triển khai tuyến thử nghiệm thứ 2, sau những tranh cãi ồn ào về hiệu quả của tuyến thử nghiệm thứ nhất.

Nó cách khác, Hà Nội đã trao giải cho ý tưởng có phương thức thực hiện gần như…giống hệt những gì mà thành phố đã, đang và sẽ làm.

Ùn tắc giao thông trên đường Tây Sơn. Ảnh: Đ.Bổng

Dân tình vẫn sẽ từ ngoại vi dồn về trung tâm thành phố mỗi giờ cao điểm buổi sáng và cùng chen nhau ra về mỗi khi chiều xuống. Những công sở tập trung ở nội đô không hề giảm bớt mà có chiều hướng tăng lên. Bao nhiêu bộ ngành trung ương đã xây trụ sở to đẹp ở những khu đô thị mới, nhưng vẫn giữ nguyên trụ sở trong khu phố cũ. Hàng loạt chung cư cao tầng mọc lên sát những con đường không thể mở rộng. Lượng xe cá nhân vẫn tăng nhanh, không có dấu hiệu sẽ giảm trong thời gian ngắn. Xe buýt vẫn bị coi là thứ phương tiện chỉ dành cho sinh viên và người già. Đường sắt trên cao vẫn là cái hẹn tương lai, sau vô số lần đội vốn và chậm tiến độ….

Tất cả những bất cập đó không hề có hướng giải quyết triệt để, kể cả khi người ta đã đọc hết những phương án hiến kế đoạt giải. Hà Nội vẫn sẽ không có khu hành chính và dân cư đươc phân vùng rõ ràng. Những cao ốc vẫn sẽ mọc lên ở khu trung tâm. Phương tiện cá nhân sẽ còn phát triển, chừng nào phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Hạ tầng đô thị vẫn sẽ được xây dựng theo tư duy…đi xe máy.

Anh Cường hy vọng mình hiểu chưa đúng về giải pháp đoạt giải. Trong lúc chờ đường sắt trên cao chính thức hoạt động, anh vẫn tự chăm chút chiếc xe máy cũ của mình và hòa vào dòng người đông đúc mỗi sớm chiều, chen chân trên những con phố nhỏ đông đặc xe cộ, xuyên nắng mưa, đi làm và trở về nhà trên tuyến Hà Đông – Bờ Hồ quen thuộc suốt 30 năm qua.

Gia Hải

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/trao-2-ty-ha-noi-thu-duoc-gi-tu-giai-phap-chong-un-tac-giao-thong-c8a568145.html