Trao đổi kinh nghiệm về chống gian lận qua trị giá

Nguy cơ gian lận qua trị giá hải quan là thách thức lớn với hải quan nhiều quốc gia, ngay cả những nước phát triển như Nhật Bản, do đó, việc nâng cao năng lực kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) về trị giá hải quan nhắm chống thất thu thuế và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại luôn được hải quan các nước đề cao.

Chi cục Kiểm tra sau thông quan- Cục Hải quan TP.HCM làm việc với DN. Ảnh: T.H.

Đây là nội dung quan trọng được đề cập trong Hội thảo KTSTQ về trị giá nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS” do Chính phủ Nhật Bản viện trợ. Hội thảo do Cục KTSTQ (Tổng cục Hải quan) tổ chức, khai mạc ngày 27/3 (diễn ra trong 3 ngày từ 27/3 đến 29/3), với sự tham gia của đại diện các Chi cục KTSTQ và lực lượng làm công tác KTSTQ trong cả nước. Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia đến từ Nhật Bản sẽ truyền thụ các kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng liên quan đến KTSTQ về trị giá.

Phó Cục trưởng Cục KTSTQ Trần Vũ Minh nhấn mạnh: Thông qua các bài tập tình huống, chuyên gia Nhật Bản sẽ truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng kiểm tra đối với các trường hợp doanh nghiệp khai báo dưới mức giá (thực tế), chứng minh mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán, khoản phải cộng vào giá tính thuế…

“Thông qua Hội thảo, công chức thuộc lực lượng KTSTQ mong muốn nhận được nhiều hơn nữa kinh nghiệm, hướng dẫn hiệu quả từ các chuyên gia Nhật Bản để có thể áp dụng vào thực tiễn công tác KTSTQ tại Việt Nam”- ông Trần Vũ Minh chia sẻ thêm.

Theo bà Emako Hirabayashi- chuyên gia của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Hội thảo lần này nhằm đáp ứng 3 mục tiêu quan trọng là thảo luận, cập nhật các chương trình, giáo trình đào tạo về KTSTQ theo đúng yêu cầu tăng cường năng lực hoạt động “hậu kiểm” cho CBCC Hải quan Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm về KTSTQ, như trường hợp kiểm tra khi cơ quan Hải quan không thu thập được đủ chứng cứ từ các doanh nghiệp thiếu hợp tác; đáng chú ý, thông qua công tác KTSTQ để tạo được niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với cơ quan Hải quan, góp phần hiệu quả chống thất thu thuế và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Bà Emako Hirabayashi nhấn mạnh: “Để có được sự tin cậy từ cộng đồng doanh nghiệp, CBCC làm công tác KTSTQ phải thực sự chuyên nghiệp và có chuyên môn cao trong nhiều lĩnh vực như phân loại mã số HS, trị giá hải quan… tức là phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về tính toàn diện. Nếu chúng ta luôn trau dồi kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ, nói không với tiêu cực thì thành công sẽ tự nhiên đến”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia Nhật Bản đi sâu vào truyền thụ một cách bài bản về một quy trình thực hiện KTSTQ về trị giá. Đó là các bước chuẩn bị; xây dựng sơ đồ giao dịch (với doanh nghiệp); kỹ năng phân tích dữ liệu; quy trình thực hiện khi có nghi vấn về sự thật và tính chính xác của trị giá khai báo hải quan… Đồng thời, ở mỗi nội dung, các chuyên gia đều đưa ra bài tập tình huống cho các CBCC của Hải quan Việt Nam thảo luận.

Đối với công tác KTSTQ của Hải quan Việt Nam, từ thực tế của một quốc gia đang phát triển, với nguồn hàng hóa (từ hàng tiêu dùng đến máy móc, nguyên vật liệu…) phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, nguy cơ về gian lận qua trị giá là một thách thức lớn đối với Hải quan Việt Nam. Những năm gần đây, lực lượng KTSTQ đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm, nhất là gian lận về trị giá hải quan. Theo Cục KTSTQ trong năm 2016, lĩnh vực truy thu nhiều nhất liên quan đến trị giá hải quan, với số thu đạt 1.115 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số thuế thu nộp ngân sách của toàn lực lượng.

Hiện nay, việc KTSTQ về trị giá đang được cơ quan Hải quan tiếp tục tăng cường thực hiện. Mới đây nhất, Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng KTSTQ tập trung kiểm tra các doanh nghiệp thuộc danh sách doanh nghiệp trọng điểm KTSTQ, các mặt hàng trọng điểm như ô tô, rượu, bia, thuốc lá, điện tử, điện lạnh, thiết bị vệ sinh, kính, thép…

Thực tế từ dữ liệu của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy, ngay cả một quốc gia phát triển như “Xứ sở Mặt trời mọc” vấn đề gian lận về trị giá hải quan vẫn diễn ra không ít. Đơn cử như trong năm 2015, Hải quan Nhật Bản tiến hành kiểm tra 4.302 doanh nghiệp và phát hiện 2.977 doanh nghiệp có dấu hiệu, tương đương tỷ lệ lên đến 69,2%, tổng số thuế được truy thu vào ngân sách từ KTSTQ là 14,59 tỷ Yên, tương đương hơn 2.900 tỷ đồng.

Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp kiểm tra, doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm và số tiền truy thu thuế từ công tác KTSTQ của Hải quan Nhật Bản trong năm 2015 đều cao hơn các thông số liên quan trong năm 2014.

Thái Bình

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/trao-doi-kinh-nghiem-ve-chong-gian-lan-qua-tri-gia.aspx