Trật tự mới của đồng đô la?

Trung Quốc vừa công bố dự định giảm dự trữ bằng đồng đô la; ECB phàn nàn về sự chênh lệch quá lớn trong tỷ giá USD – euro; OPEC nghiên cứu khả năng định giá dầu lửa theo đồng euro... Tất cả những điều này khiến người ta nghĩ tới một trật tự mới của tờ bạc xanh.

tt252 Từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, đồng đô la đóng vai trò độc nhất là đồng tiền chung thế giới. Điều này đã tạo cho người Mỹ vị thế thuận lợi nhất trên thế giới. Quả thực, không khó đối với người Mỹ khi ngồi trên các chuyến bay vượt Đại Tây Dương và mua biệt thự ở nước ngoài. Nội tệ của họ được các ngân hàng quốc gia trên thế giới đánh giá cao. Hầu hết các nước đều dự trữ đồng đô la. Thanh toán quốc tế tính bằng đồng đô la. Sức mạnh của loại giấy bạc này cùng với sức mạnh của nền kinh tế Mỹ là nền tảng vững chắc củng cố quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ trên chính trường cũng như trong lĩnh vực văn hóa. Những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2002, thời thế đã thay đổi. Sức mạnh của đồng đô la và của nền kinh tế Mỹ trên thế giới đang suy giảm. Trước đó, một euro đổi được 0,86 USD. Nay, một euro 1,460 USD. Ngoài ra, so sánh với sáu đơn vị tiền tệ thương mại quan trọng khác, giá trị đồng đô la đạt mức thấp nhất trong 35 năm trở lại đây (tính đến trước Noël 2007). Theo nghiên cứu của McKinsey Global, thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ có thể tăng từ 5%, 6% đến 9% GDP, tương đương với 1,6 nghìn tỷ USD đến 2012. Hệ quả là nợ nước ngoài của Mỹ sẽ lớn, chiếm 46% GDP. Tuy nhiên, nước Mỹ vẫn dễ dàng chi trả lãi suất nợ nước ngoài (ít hơn 1% GDP). Ngoài ra, thặng dư vốn của thế giới có thể đạt 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2012, nhiều hơn mức cần thiết để bù đắp cho thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ. Châu Á và các nước xuất khẩu dầu lửa đóng góp phần lớn cho thặng dư này và họ cũng là những người đầu tư nhiều nhất vào Mỹ. Năm 2006, nước Mỹ thu hút khoảng 60% lượng vốn đầu tư toàn cầu. Trước tình hình đi xuống của nền kinh tế và đồng đô la, Mỹ có còn là một thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài, hay đầu tư nước ngoài sẽ ngừng “chảy” vào Mỹ? Theo McKinsey Global, nếu đồng đô la tiếp tục mất giá, các nhà đầu tư sẽ khó kiếm lời hơn trên thị trường Mỹ. Trên thực tế, trong quý III/2007, dòng vốn nước ngoài đổ vào Mỹ bị chậm lại, có lẽ một phần do ảnh hưởng từ tình trạng rối loạn của thị trường tín dụng. Tuy vậy, nền kinh tế Mỹ vẫn còn hấp dẫn giới đầu tư trong một thời gian dài nữa. Hai trong số các nguyên nhân của hiện tượng này, đó là sự phát triển của nền sản xuất Mỹ; dân số Mỹ trẻ hơn và phát triển nhanh hơn so với nhiều nước phát triển khác. Các thị trường tài chính của Mỹ có quy mô phát triển và tính năng động hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, các nhà đầu tư từ châu Á và các nước xuất khẩu dầu lửa đã và đang đầu tư nhiều tỷ đôvào các ngân hàng có tính cạnh tranh cao và các cơ quan tài chính khác của Mỹ, bất chấp tình trạng rối loạn của thị trường tín dụng bắt đầu xảy ra giữa năm 2007. Thêm vào đó, Mỹ vẫn luôn là khách hàng chính của các quốc gia này, vì vậy họ sẽ vẫn dự trữ nhiều đô la trong bất cứ trường hợp nào. Theo McKinsey Global, thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ có giới hạn. Để đạt được điều này, các hộ gia đình, các công ty và chính phủ Mỹ cần dự trữ lượng tiền nhiều hơn và phải giảm bớt chi tiêu. McKinsey Global cho rằng, không thể xem nhẹ đồng đô la và nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh hiện nay vì sau khi chu kỳ thương mại tiền tệ kết thúc, chúng sẽ lấy lại được sức mạnh của mình. Tuy nhiên, Rana Foroohar và John Sparks lại có những nhận định khác. Theo họ, sự trượt giá của đồng đô la đang báo hiệu một thời đại kinh tế mới. Áp lực từ lạm phát gây khó khăn cho việc thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, các quốc gia đang giảm dần sự phụ thuộc vào đồng đô la. Những chủ nợ lớn như Trung Quốc đã công bố dự định giảm dự trữ bằng đồng đô la. Còn người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Jean-Claude Trichet lại lên tiếng phàn nàn về sự chênh lệch quá lớn trong tỷ giá chuyển đổi giữa đô la với euro. Theo ông, hiện tượng này ảnh hưởng rất lớn tới lợi nhuận của các công ty lớn của châu Âu. Mới đây, CEO của Airbus, Tom Enders cảnh báo rằng đồng đô la yếu kém đã đe dọa tới sự tồn tại lâu dài của các gã khồng lồ về hàng không lục địa. Thủ tướng Nhật Bản, Yasuo Fukada lo lắng rằng sự rớt giá của đồng đô la sẽ làm tăng lạm phát. Về phần mình, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang nghiên cứu khả năng định giá dầu lửa theo đồng euro, điều này không chỉ phản ánh sự mất niềm tin của các nhà đầu tư lớn nhất đối với Mỹ mà còn làm cho nước Mỹ sẽ phải mua năng lượng đắt hơn. Ngoài ra, hiện tượng này còn kéo theo nhiều hệ lụy khác trong lĩnh vực kinh tế, chẳng hạn: Về cung cấp nhiên liệu Giá dầu vẫn được tính theo đồng đô la và Mỹ vẫn là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Venezuala và Iran đã chối bỏ thẳng thừng đồng đô la và đang gây sức ép đối với những quốc gia chiến hữu để chuyển đổi thanh toán từ đô la sang euro. Hiện tại, OPEC vẫn hy vọng giá dầu cao sẽ bù đắp cho sự yếu kém của giá trị đồng đô la. Về du lịch Trong khi nhiều du khách từ Anh, Australia và Nhật Bản lũ lượt kéo tới các khu du lịch trượt tuyết ở Colorado tìm kiếm cơ hội, thì khách du lịch Mỹ lại xuất hiện hiếm hoi trên các đại lộ của Paris và trong các ngôi làng của Tuscan. Sự vắng mặt của người Mỹ khiến các nhà kinh doanh dịch vụ du lịch phải hướng tới những vị khách giàu có đến từ Nga, Trung Đông và châu Á. Nhiều khách du lịch Mỹ, những người vẫn thích tới châu Âu, thường lựa chọn tới những nơi như Ba Lan và Cộng hòa Séc vì ở đây khách sạn và phí du lịch biển vẫn được tính bằng đô la. Về bất động sản Sức mua của khách nước ngoài đang giữ cho thị trường nhà ở của Mỹ không bị lắng xuống. Họ chộp lấy cơ hội mua những ngôi nhà và căn hộ với giá hấp dẫn hơn nhiều so với thị trường đắt đỏ ở châu Âu và châu Á. Về giải trí Một ví dụ để nói lên một hiện tượng: Siêu mẫu người Brazin Gisele Bundchen đã đề nghị với các ông chủ như Procter & Gamble và Dolce & Gabbana trả tiền lương bằng euro thay vì bằng đồng đô la. Lời đề nghị này không phải là duy nhất trong thị trường giải trí. Về công nghiệp Sự yếu kém của đồng đô la lại là một tin vui cho các cơ sở sản xuất của Mỹ, những nơi đã và đang giảm bớt sản lượng và có dự định đóng cửa, tạm ngừng sản xuất. Đô la rẻ giúp nước Mỹ trở thành một điểm đến có chi phí thấp của các nhà sản xuất châu Âu và Nhật Bản. Chẳng hạn, BMW đã cho hàng nghìn công nhân nghỉ việc ở Đức và đang dự tính nhân đôi sức sản xuất ở các nhà máy của họ tại phía Nam Carolina. Nhiều doanh nghiệp, từ tập đoàn đóng tàu lớn nhất thế giới Bénéteau của Pháp đến công ty Flat của Italy cũng đã và đang có kế hoạch mở cơ sở mới tại Mỹ. Tổng thống Venuezuela, Hugo Chavez người đối lập với Tổng thống Mỹ, gần đây đã phát biểu một cách rất hả hê: “Thời đại của đồng đô la đang sụp đổ”. Tuy nhiên, điều này chưa thật hoàn toàn đúng. Hiện tại, các nguồn tài chính trên thế giới và các nguồn dự trữ tại các ngân hàng quốc gia vẫn phần lớn là đô la. Vì vậy, sẽ còn phải mất nhiều năm nữa đồng euro mới trở thành đối thủ cạnh tranh thật sự của đồng đô la. Tuy nhiên, ở đây, có một điều rõ ràng là chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới. Nước Mỹ không thể mãi mãi làm luật cho cả thế giới được nữa. Một trật tự cân bằng mới đang đến với sự dẫn đầu của một đồng tiền mới. Tóm lại, về triển vọng, đồng đô la vẫn là ngoại tệ được nhiều chính phủ nước ngoài chọn lựa để dự trữ. Nhưng, theo IMF, một xu thế đa dạng hóa ngoại tệ dự trữ đang hình thành trong hầu hết tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Sự xuất hiện một đồng tiền chung chỉ là vấn đề thời gian

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29621-trat-tu-moi-cua-dong-do-la