Trẻ dùng kháng sinh sớm dễ mắc hẹp phì đại môn vị dạ dày

PN - Kết quả trên vừa được nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Y khoa Maryland, Hoa Kỳ công bố tại Hội nghị quốc tế về sử dụng kháng sinh (ICAAC) tháng 9/2014.

Cụ thể, kết quả phân tích từ 4.875 trẻ sơ sinh cho thấy, các trẻ phải dùng kháng sinh có hoạt chất AZI trong vòng hai tuần đầu sau sinh có tỷ lệ mắc bệnh hẹp phì đại môn vị dạ dày cao gấp 14 lần so với trẻ không dùng kháng sinh. Nếu trẻ phải sử dụng kháng sinh trễ hơn (trong vòng 15-90 ngày sau sinh), tỷ lệ mắc bệnh này cao gấp bốn lần.

Bệnh hẹp phì đại môn vị dạ dày gây ra là do lớp cơ trong thành dạ dày ở vùng môn vị (vùng nối giữa dạ dày và ruột non) dày bất thường làm cho dịch và thức ăn từ dạ dày xuống ruột non rất khó khăn. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ, nhưng bệnh thường gặp ở trẻ trai, trẻ da trắng, trẻ có nhóm máu O hoặc máu B. Triệu chứng thường xuất hiện khi trẻ được ba-bốn tuần tuổi: trẻ nôn ói nhiều, nhất là sau mỗi lần cho bú; điểm đặc biệt là trẻ vẫn có cảm giác đói và đòi bú. Để chẩn đoán, trẻ sẽ được chụp X-quang dạ dày và siêu âm bụng. Cách điều trị tốt nhất là phẫu thuật xẻ rộng vùng môn vị giúp thức ăn dễ dàng lưu thông từ dạ dày xuống ruột non.

BS CKII TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG (BV Nguyễn Tri Phương)

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/xa-hoi/y-te/tre-dung-khang-sinh-som-de-mac-hep-phi-dai-mon-vi-da-day/a129465.html