Trẻ em độ tuổi nào thích gây sự?

Con trai của chị Thu Huyền mới hơn hai tuổi nhưng thường hay trêu chọc và không bao giờ nhường nhịn anh, chị lớn hơn nó.

Đôi khi, chỉ vì một món đồ chơi, cuốn sách hình mà bọn trẻ không ai nhường ai, cứ hét toáng cả lên khiến chị Huyền phải nhiều lần can thiệp, phân xử.

Trong khi đó, đứa con gái mới hai tuổi của chị Minh Tâm, nhân viên tư vấn tài chính, lại thường xuyên tranh giành đồ chơi búp bê, bánh kẹo với đứa chị, lớn hơn nó một tuổi. Mỗi lần như vậy, chị Tâm cảm thấy mệt mỏi và chọn cách tách riêng mỗi đứa một nơi cho yên chuyện. Nhiều lần, vừa đi làm về đến nhà, nghe các con chí chóe với nhau, chị bỏ vào phòng và để mặc bọn trẻ tự xử lý với nhau.

Từ một tuổi, trẻ sẽ có nhiều cá tính nổi trội, như độc lập và tự tin hơn trước. Ở thời điểm này, trẻ cũng nhận thức được giá trị bản thân, biết cách thể hiện những mong muốn, cảm xúc và cá tính của mình. Tranh giành, cáu giận và có thể xông vào đánh các trẻ khác là một trong những cách thể hiện thái độ, cảm xúc của mình. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là, thái độ của cha mẹ sẽ góp phần lập lại trật tự, duy trì hòa khí giữa bọn trẻ với nhau.

• Hãy tảng lờ những cuộc tranh cãi nhỏ. Cha mẹ đừng nên can thiệp quá thường xuyên vào những mâu thuẫn của con. Nếu có ý định này, cũng không nên quá vội vã, xuất hiện ngay khi trẻ vừa có tranh cãi. Khi bị người lớn tảng lờ và nếu phát hiện thấy bạn đang theo dõi mình hoặc có ý định can thiệp xem đứa nào đúng, đứa nào sai, trẻ có thể sẽ ngừng cãi nhau nhanh hơn.

• Có cách xử lý song song. Khi quyết định can thiệp vào việc của bọn trẻ, bạn đừng tách chúng làm hai phía để phạt riêng từng đứa một. Thay vào đó, hãy xử lý đồng thời vấn đề của bọn trẻ. Đây là cách duy nhất để trẻ thấy được điều đúng, sai của bản thân và đối phương. Nếu bị tách rời, một trong hai trẻ sẽ vẫn có tư tưởng ấm ức, giận dỗi không nguôi.

• Đưa ra cách giải quyết. Bạn có thể nhanh chóng kết thúc vấn đề, kiểu như “đã biết nguyên nhân khiến trẻ bất hòa” là gì. Vấn đề là, cả hai trẻ cùng thích chơi một món đồ chơi hay món nào khác cùng một lúc. Vậy thì bây giờ, bạn sẽ đặt đồng hồ cho mỗi đứa được chơi món đồ trong năm phút. Hết lượt, đứa lớn phải nhường cho đứa nhỏ. Rồi cứ năm phút, các trẻ phải chuyển đồ chơi lại cho nhau, đến khi bọn trẻ không muốn chơi nữa hoặc muốn cùng chơi chung.

• Đừng so sánh. Nhiều bậc phụ huynh vẫn thường nói: “Con là anh cơ mà, sao không biết nhường nhịn em mà lại tranh giành đồ chơi của em vậy!”. Câu nói này khiến đứa lớn ấm ức, cảm thấy thiếu công bằng, trong khi đứa nhỏ hơn lại luôn ỷ lại mình là nhỏ nhất nhà nên có quyền muốn gì được nấy.

• Động viên để trẻ hòa thuận và hợp tác. Nếu bọn trẻ vẫn thường xuyên đánh nhau, bạn hãy giao cho trẻ nhiều việc cùng làm chung với nhau. Ví dụ như, dọn dẹp tủ đồ chơi, xếp lại gối mền trên chiếc giường chung của hai anh, chị em. Trong lúc trẻ làm việc chung, bạn có thể theo dõi thái độ của trẻ, xem trẻ có hợp tác hay không. Nếu không, bạn có thể hướng dẫn trẻ kết hợp để làm việc nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Giai đoạn các trẻ đánh nhau nhiều nhất là khi cả hai trẻ cùng dưới năm tuổi. Những gia đình có từ 2 đến 5 trẻ ở độ tuổi này sẽ có nhiều trận chiến nổ ra, buộc cha mẹ phải can thiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do giành đồ chơi và những đồ vật khác. Vì thế, để giúp trẻ sống hòa thuận bên nhau, cha mẹ cần có những giải pháp tích cực như trên.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tre-em-do-tuoi-nao-thich-gay-su-post183999.html