Trẻ em đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì

Thành phố đang đối mặt với tình trạng thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang trẻ hóa và gia tăng...

Sáng ngày 12-8, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị triển khai Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020.

Báo cáo tại buổi làm việc, BS.CKII. Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2015 đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ như chiều cao trung bình của người dân TP đã tăng trung bình từ 0,4– 3,9 cm.

Hiện chiều cao trung bình của trẻ em TPHCM ở độ tuổi 17 là 168,2 cm ở nam và 155,9 cm ở nữ. Các số liệu giám sát dịch tế học cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm ở mức thấp nhất trong cả nước ở cả 3 thể: nhẹ cân, thấp còi và gầy còm.

Tuy nhiên, theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, TP đang đối mặt với tình trạng thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng đang trẻ hóa và gia tăng; khuynh hướng dinh dưỡng không hợp lý của một bộ phận người dân TP, khẩu phần ăn chưa đảm bảo cân đối. Tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất dưỡng, dinh dưỡng của người lao động, người cao tuổi, học sinh cần được quan tâm…

Nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017 – 2020, TP đã đặt ra 8 mục tiêu về dinh dưỡng cụ thể như: Khống chế và duy trì tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức dưới 12%; khống chế tỷ lệ học sinh béo phì dưới 25%; kiếm soát tình trạng thừa cân béo phì ở người trưởng thành dưới 35%. Khống chế tỷ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành dưới 12%... với tổng kinh phí của chương trình là 32 tỷ đồng.

Để đạt được các mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu chỉ đạo, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dinh dưỡng cho người dân. Tăng cường nguồn lực về con người và kinh phí cho chương trình dinh dưỡng. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng các mô hình can thiệp và tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, huấn luyện đội ngũ cán bộ dinh dưỡng lâm sàng. Bên cạnh đó cần chủ động phát hiện kịp thời các vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh và tham mưu đề xuất cho lãnh đạo TP, Ban Chỉ đạo Chiến lược Quốc gia Dinh dưỡng các giải pháp can thiệp thích hợp cho từng giai đoạn.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tre-em-doi-mat-voi-tinh-trang-thua-can-beo-phi-461310.html