Trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở Quân đoàn 1: Mạnh dạn, quyết liệt

QĐND - Vì sao khó trẻ hóa cán bộ? Làm thế nào để quá trình trẻ hóa cán bộ kết hợp hài hòa với việc sử dụng, phát huy đội ngũ cán bộ độ tuổi cao có trình độ, kinh nghiệm, thành tích tốt? Những vấn đề trên đã được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 tiến hành mạnh dạn, quyết liệt, bắt đầu từ đổi mới tư duy. Chúng tôi đã tìm hiểu cách làm của Quân đoàn 1.

Lãnh đạo Quân đoàn 1 trao đổi và động viên các thí sinh dự thi 'Cán bộ làm công tác cán bộ' năm 2011

Nguyên nhân kép gây ùn tắc cán bộ

Quân đoàn 1 vừa tổ chức hội thi “Cán bộ làm công tác cán bộ” với đối tượng là những đồng chí trưởng ban, trợ lý cán bộ của các đơn vị trực thuộc. Tại hội thi, rất nhiều “bài toán nan giải” của công tác cán bộ, trên cả phương diện lý thuyết và thực tiễn đã được đặt ra cho các thí sinh tìm cách xử lý. Có thể nói, đây là một hình thức mới, rất mạnh dạn mà Quân đoàn 1 đi tiên phong nhằm phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, cùng tìm tòi những giải pháp đột phá cho công tác cán bộ. Thiếu tướng Mai Văn Lý, Chính ủy Quân đoàn 1 bày tỏ:

- Chúng tôi quyết tâm đổi mới công tác cán bộ nhằm khắc phục những hạn chế lâu nay vẫn tồn tại như: Tư tưởng “sống lâu lên lão làng”, thiếu đột phá, gây nên ùn tắc và hẫng hụt cán bộ ở các cấp.

Hiện nay, ở Quân đoàn 1, tỷ lệ cán bộ là chính trị viên tiểu đoàn, tiểu đoàn trưởng dưới 35 tuổi chỉ khoảng hơn 15%, cán bộ chủ trì cấp trung đoàn dưới 40 tuổi chỉ có một đồng chí; tuổi trung bình cán bộ chủ trì cấp lữ đoàn, sư đoàn là 50. Độ tuổi trung bình của cán bộ chủ trì đều cao hơn so với độ tuổi đầu vào ở mỗi cấp. Vì vậy, nếu không có giải pháp đột phá thì tình trạng ùn tắc, hẫng hụt sẽ khó được giải quyết, gây ảnh hưởng đến động cơ phấn đấu của cả cán bộ trẻ lẫn cán bộ độ tuổi cao.

Đại tá Vũ Công Hòa, Trưởng phòng Cán bộ Quân đoàn 1 cho biết: Với thực trạng cán bộ như hiện nay, việc thực hiện 1/3 cán bộ có độ tuổi trẻ ở mỗi cấp theo chủ trương của Quân ủy Trung ương là rất khó khăn. Ví dụ: Một đồng chí trung đội trưởng phát triển tới cương vị Tư lệnh Quân đoàn phải trải qua 14 chức danh, nếu mỗi chức danh chỉ giữ từ 1 đến 2 năm (là rất nhanh) cùng với 3 lần đi học mất 8 năm, cộng với tuổi nhập ngũ là 18 thì tuổi nhận chức đã là 54, so với mục tiêu đầu vào cán bộ cấp Quân đoàn là 50 thì cán bộ độ tuổi này đã quá tới 4 năm. Lý thuyết đã như vậy, thực tế ở các đơn vị đều cho thấy, nguồn chiêu sinh đi đào tạo cán bộ cấp chiến dịch đang có xu hướng độ tuổi ngày càng cao.

Thực tế trên cho thấy, nguyên nhân kép gây ra tình trạng vừa ùn tắc, vừa không trẻ hóa được cán bộ hiện nay là do công tác cán bộ chậm đổi mới, thiếu mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ. “Không giải quyết được vấn đề này thì sẽ làm hạn chế nguồn cán bộ tốt hoặc không phát huy được năng lực và sự cống hiến của cán bộ” - Đại tá Nguyễn Thiện Chất, Phó chính ủy Quân đoàn khẳng định như vậy.

Mạnh dạn sử dụng cán bộ trẻ

Mạnh dạn bố trí, sắp xếp cán bộ trẻ có đủ phẩm chất, năng lực đã được rèn luyện, thử thách vào vị trí chủ trì các cấp là quyết tâm của Đảng ủy Quân đoàn 1. Theo Thiếu tướng Mai Văn Lý thì muốn có cán bộ trẻ, trong bổ nhiệm, không nhất thiết phải tuần tự theo từng chức vụ mà có thể bổ nhiệm vượt cấp hoặc rút ngắn thời gian giữ chức. Tuy nhiên, nhất thiết không vì nhu cầu trẻ hóa mà vội bổ nhiệm cán bộ trẻ nhưng năng lực, phẩm chất chưa được khẳng định. Bổ nhiệm cán bộ trẻ phải thực sự dân chủ, được dư luận tập thể “tâm phục, khẩu phục” thì mới thực sự tạo điều kiện cho cán bộ trẻ phát triển. Muốn vậy, các đơn vị cần làm tốt khâu đánh giá, xếp loại cán bộ. Toàn Quân đoàn đã thực hiện lấy khâu xếp loại cán bộ để chống tiêu cực trong công tác cán bộ. Kết quả xếp loại cán bộ là căn cứ để đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo theo thứ tự đã xếp loại. Ví dụ: Qua đánh giá cán bộ hằng năm, các trung đoàn, sư đoàn xếp thứ tự các tiểu đoàn trưởng từ thứ nhất đến cuối cùng. Việc xếp loại này được cấp ủy tiến hành và công khai cho cán bộ biết. Khi có nhu cầu bổ nhiệm, đề bạt thì cứ xét thứ tự từ cao đến thấp; trường hợp đột xuất, cá biệt thì có giải trình cụ thể.

Trong vấn đề gây “ùn tắc” nhất của công tác cán bộ hiện nay chính là việc sắp xếp, bố trí trung đội trưởng. Đại tá Vũ Công Hòa cho biết: Năm 2010, đơn vị tiếp nhận số sĩ quan trẻ vừa đào tạo từ các trường sĩ quan về tăng đột biến 200%. Năm 2011, số sĩ quan trẻ về Quân đoàn cũng tăng 160% so với năm 2009. Trong khi đó, Quân đoàn lại thực hiện rút gọn nhiều đơn vị nên nếu không tiến hành tỉ mỉ, khoa học thì thậm chí thực hiện mỗi trung đội có 2 trung đội trưởng thì vẫn chưa hết ùn tắc. Tuy nhiên, trong cái khó lại ló sáng tạo. Cục Chính trị đã tham mưu để Đảng ủy Quân đoàn tăng cường cán bộ cho những nơi nhiệm vụ nặng nề, cần thêm cán bộ. Bên cạnh đó, chủ trương xếp chồng phó đại đội trưởng quân sự và mạnh dạn lựa chọn các trung đội trưởng có năng lực tốt bổ nhiệm chính trị viên phó đại đội (chưa qua đào tạo, bồi dưỡng) cũng đã giúp “giải tỏa” việc ùn tắc đội ngũ cán bộ trung đội trưởng. Thậm chí, nhiều đồng chí là trung đội trưởng thứ 2 nhưng qua thử thách sớm khẳng định được năng lực, đã được bổ nhiệm phó đại đội trưởng quân sự hoặc chính trị viên phó đại đội đã tạo ra sự kích thích tâm lý phấn đấu của đội ngũ cán bộ trung đội. Đây cũng là điểm mới, động lực mới trong công tác cán bộ ở Quân đoàn 1.

Bên cạnh một số chủ trương, biện pháp nêu trên, Thiếu tướng Mai Văn Lý cho biết: Đảng ủy Quân đoàn sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm quy định độ tuổi theo chức danh của Bộ; đồng thời, thực hiện tốt hơn nữa định hướng đề bạt cán bộ “đúng lúc, đúng người, đúng việc”. Điều này rất quan trọng, vì nếu không đề bạt đúng lúc, dễ dẫn đến tình trạng cán bộ được quy hoạch nhưng bị “treo”, từ trẻ trở thành già, cũng là nguyên nhân gây khó cho quá trình trẻ hóa cán bộ.

Lãnh đạo Quân đoàn 1 trao đổi và động viên các thí sinh dự thi "Cán bộ làm công tác cán bộ" năm 2011.

Bài, ảnh: Nguyễn Hồng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/90/90/168166/Default.aspx