Triển khai gói kích cầu thứ hai, nếu có ra sao?

(VEN) - Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội chuẩn bị trình ra Quốc hội kết quả giám sát việc hỗ trợ lãi suất ngắn hạn trong gói kích cầu thứ nhất cũng như các đề xuất rút ra từ thực tế giám sát cho chương trình kích thích kinh tế tiếp theo, dự kiến sẽ được thực thi trong năm 2010.

Ảnh minh họa Đây là thông tin được đông đảo cộng đồng doanh nhân đặc biệt quan tâm, trả lời báo giới về hiệu quả cũng như gói kích cầu thứ 2 (nếu có) triển khai ra sao ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: Hiện nay liên quan đến nên hay không nên triển khai gói kích cầu thứ 2 có hai luồng quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng nên dừng hẳn việc thực hiện kích thích kinh tế vì hiện nay đã có những biểu hiện liên quan cho thấy gói kích thích đã tạo ra áp lực lên chính sách tiền tệ và tài khóa. Nhóm ý kiến thứ hai lại cho rằng nên lựa chọn một hình thức kích thích khác thông qua việc dừng các biện pháp hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, tiếp tục các chính sách hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn. Với tư cách là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách,quan điểm của tôi là nên dừng biện pháp hỗ trợ ngắn hạn, hỗ trợ vốn vay lưu động nhưng nên kéo dài các biện pháp hỗ trợ lãi suất trung và dài hạn đến hết 30/6/2010. Lý do: qua việc thực hiện giám sát vốn vay kích cầu ở các địa phương, tôi thấy yêu cầu của nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất vẫn muốn được hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Nhưng ở góc độ quản lý kinh tế vĩ mô, vốn vay lưu động cho doanh nghiệp đến thời điểm này không có lợi như trước vì đây là nguồn vốn tín dụng ngắn hạn, tạo điều kiện kích thích sản xuất, tạo ra cung hàng hóa dồi dào nhưng sức mua của thị trường nội địa còn yếu, đầu ra xuất khẩu hẹp nên hàng tồn kho lớn. Đặc biệt là tồn kho hàng xuất khẩu, sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản sản xuất ra chỉ dành cho cầu tiêu thụ này nếu tồn lớn sẽ gây hiệu ứng ngược trở lại cho doanh nghiệp, hộ sản xuất thay vì thuận lợi như ban đầu. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn trung, dài hạn có thể kéo dài cho ngành nông nghiệp, nông thôn, các hợp tác xã vì các hộ sản xuất ở lĩnh vực này đã được vay, nếu được vay tiếp sẽ có điều kiện triển khai dứt điểm các dự án, chương trình đang dang dở một cách hiệu quả, có đầu ra cụ thể. Nếu dừng lại thì họ sẽ gặp khó khăn, dở dang, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả, sẽ dẫn đến rủi ro trong việc trả nợ cho các ngân hàng, có thể gia tăng nợ xấu. Ví dụ như số doanh nghiệp đã xây dựng dự án từ thời điểm 1/4/2009 đến nay mới xong, nếu dừng lại thì dự án của họ có thể bị xếp lại hoặc nếu có triển khai cũng dở dang. Do vậy nên tiếp tục tạo cơ hội cho họ. Đồng thời, về chính sách tài khóa, năm 2010 cũng phải nới lỏng có thận trọng. Dừng hoàn toàn các chính sách giảm thuế ngay thì khó cho doanh nghiệp. Nên giảm có mức độ và có thời gian giãn thuế thêm 6 tháng. Mức giãn 3 tháng quá ngắn. Việc giảm thuế nên thực hiện ở diện hẹp hơn. Có thể giảm 30% loại thuế này cho đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác cũng có thể giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp sản xuất để hạ giá thành, kích sức mua thị trường nội địa./. Vũ Hải - Phương ngọc

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/news/detail/tabid/77/newsid/9911/seo/trien-khai-goi-kich-cau-thu-hai-neu-co-ra-sao-/language/vi-vn/default.aspx