Triển vọng về cấy ghép nội tạng từ động vật sang người

Phổi lợn có thể được sử dụng để cấy ghép vào trong cơ thể con người sau khi các nhà khoa học người Australia đạt được những bước tiến đột phá trong việc nghiên cứu tìm ra cách chống đào thải các cơ quan nội tạng.

TIN LIÊN QUAN - Cuộc cấy ghép mô đã 'làm mới' một người Bỉ - Cấy ghép tế bào heo để trị bệnh tiểu đường - Dùng phẫu thuật để điều trị bệnh cao huyết áp Các nhà khoa học từ Australia đã thành công trong việc cấy ghép và duy trì hoạt động phổi lợn trong môi trường như máu của con người. Điều này có thể mở ra những hy vọng mới cho công nghệ cấy ghép cơ quan nội tạng từ động vật sang người trong vòng 5 năm tới. Công trình nghiên cứu này sẽ được chính thức công bố tại một hội nghị về cấy ghép cơ quan nội tạng được tổ chức tại Vancouver (Canada) vào tháng 8/2010. Để đạt được thành công này, các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Alfred ở Melbourne đã loại bỏ những gen Gal ở lợn – loại gien này khiến các cơ quan nội tạng của lợn không tương thích với máu trong cơ thể con người. Giáo sư Tony D’Apice, người đưa ra ý tưởng dùng cơ quan nội tạng của lợn để cấy ghép vào cơ thể con người từ năm 1989, đánh giá kỹ thuật mới này có thể giúp các cơ quan cấy ghép không bị đào thải ra khỏi cơ thể con người như những thí nghiệm trước đây. Trong khi đó, Tiến sĩ Glenn Westall, tại Bệnh viện Alfred ở Melbourne, cho rằng việc lần đầu tiên trên thế giới nuôi cấy thành công phổi lợn trong môi trường như máu của con người sẽ mở ra nhiều hy vọng cho kỹ thuật cấy ghép cơ quan nội tạng của động vật sang cơ thể con người. “Trong vòng 5 đến 6 giờ thí nghiệm, dường như phổi lợn hoạt động khá tốt trong môi trường như máu của con người. Máu không có ôxy vào qua phổi và khi từ phổi đi ra máu đã chứa ôxy. Quá trình này diễn ra chính xác như cơ quan hô hấp trong cơ thể con người”, Tiến sĩ Westall nói. Cách đây 2 năm, các nhà khoa học cũng đã tiến hành thí nghiệm việc cấy ghép tương tự nhưng không thành công. Nguyên nhân là do sau khi cấy ghép, máu đi tới cơ quan cấy ghép bị đông lại, không thực hiện được chức năng hô hấp. Một năm sau đó các nhà đã tìm ra giải pháp cho việc đông máu khi cấy ghép bằng cách loại bỏ các gen Gal ở lợn. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại tỏ ra lo ngại phương pháp cấy ghép này có thể làm tăng khả năng lây truyền một số bệnh nguy hiểm từ động vật qua người. Bên cạnh đó, những nhà bảo vệ động vật cho rằng việc biến đổi gen trên động vật là không thể chấp nhận được.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/khoahoc/201003/Trien-vong-ve-cay-ghep-noi-tang-tu-dong-vat-sang-nguoi-896534/