Triều Lý và những ngoại lệ trong lịch sử

- Trong lịch sử Việt Nam, nhà Lý mở đầu cho quá trình phát triển thịnh trị của chế độ phong kiến với hàng loạt sự kiện mang tính nền tảng: định đô mới ở Thăng Long, khẳng định quyền lực chính thống của quốc gia Đại Việt, làm cơ sở hoạch định lại đường biên giới phía Bắc.

Vương quyền và thần quyền Nhà Lý là triều đại mà chính sự được kết hợp chặt chẽ giữa vương quyền với thần quyền. Chưa hẳn là một vương triều Phật giáo như đã từng tồn tại ở Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào hay Campuchia, song đạo Phật được các vị vua nhà Lý vô cùng ngưỡng mộ và cho truyền bá rộng khắp trong nước. Triều đình có hẳn một đội ngũ tăng quan chuyên trách, thế lực thậm chí còn lấn át cả giới võ quan và văn quan. Sử gia Lê Văn Hưu đời Trần thế kỷ XIII ghi lại rằng: "Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh Sư (...) Đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chà đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua...". Đời vua đổi nhiều niên hiệu nhất Triều Lý còn được ghi nhận ở sự tại ngôi lâu nhất. Đó là đời vua Lý Nhân Tông với 55 năm tại ngôi (từ năm 1072 - 1127). Lý Nhân Tông lên ngôi năm 7 tuổi, gặp lúc vận nước bị đe dọa bởi nhà Tống ở phía Bắc và sự quấy nhiễu của Chiêm Thành ở phía Nam, song nhờ có triều thần tài giỏi, nhất là Thái úy Lý Thường Kiệt cùng phụ chánh đại thần Lý Đạo Thành sáng suốt chính trực nên không những vượt qua được thách thức hiểm nghèo mà còn được củng cố bền vững. Lý Nhân Tông được mệnh danh là ông vua của thời đại thái bình, mộ Phật sùng kính, không ham sắc dục. Lý Nhân Tông băng hà ở tuổi 63, thọ nhất vương triều Lý và là một trong 9 vị vua thọ trên 60 tuổi ở Việt Nam Trong thời gian trị vì hơn nửa thế kỷ, Lý Nhân Tông đã cả thảy 8 lần thay đổi niên hiệu, một chuỗi danh sách niên hiệu dài nhất trong các triều đại vương quyền ở Việt Nam: Thái Ninh (1072), Anh Vũ Chiêu Thắng (1076), Quảng Hựu (1085), Hội Phong (1092), Long Phù (1101), Hội Tường Đại Khánh (1110), Thiên Phù Duệ Vũ (1120) và Thiên Phù Khánh Thọ (1127). Việc đổi niên hiệu thường nhân dịp chúc mừng một sự kiện đặc biệt của đất nước, đại xá cho tội đồ hoặc miễn thuế cho dân chúng... Tôn hiệu dài nhất Triều Lý cũng để lại dấu ấn trị vì của mình qua sự xưng danh tôn hiệu. Vua khởi đầu triều Lý Thái Tổ khi mới đăng quang được triều thần kính dâng một tôn hiệu dài đến 52 chữ. Kế vị vua cha (1028), Lý Thái Tông cũng được bầy tôi dâng lên một tôn hiệu xấp xỉ cỡ ấy, 50 chữ: Khai Thiên Thống Vận Tôn Đạo Quý Đức Thánh Văn Quảng Vũ Sùng Nhân Thượng Thiện Chính Lý Dân An Thần Phù Long Hiện Thể Nguyên Ngự Cực Ức Tuế Công Cao Ứng Chân Bảo Lịch Thông Huyền Chí Áo Hưng Long Đại Địch Thông Minh Từ Hiếu Hoàng Đế. Không dừng lại ở đó, năm 1039, bầy tôi tăng tôn hiệu thêm 8 chữ là Kim Dũng Ngân Sinh Nùng Bình Phiên Phục. Năm 1044, chinh phạt Chiêm Thành thắng lợi, tôn hiệu được tăng lên 8 chữ nữa: Thánh Đức Thiên Cảm Tuyên Uy Thánh Vũ. Tổng cộng, Lý Thái Tông có tôn hiệu dài nhất trong lịch sử với 66 chữ. Triều Nguyễn sau này không xưng tôn hiệu nên Tự Đức than phiền: "Tôn hiệu phiền phức dài dòng quá lắm! Rất trái với lẽ thường, cũng rất tỏ rõ cái thói bợ đỡ". Nguyễn Lục Gia

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1984/201004/Trieu-Ly-va-nhung-ngoai-le-trong-lich-su-1750250/