Triều Tiên khiến Mỹ thêm giận dữ

Việc bắn thử một tên lửa Hwasong-12 bay xa 3.700 km, cho thấy Triều Tiên đủ khả năng bắn tới đảo Guam và điều này khiến Washington thêm giận dữ.

Tên lửa Triều Tiên đủ tầm bắn tới Mỹ

Ngày 16/9, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã giám sát cuộc tập trận phóng tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-12, đồng thời khẳng định Bình Nhưỡng gần hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân.

Theo KCNA dẫn lời giới chức quân sự khẳng định, với những kết quả đạt được từ các lần thử nghiệm, Triều Tiên đã gần ngang ngửa về sức mạnh quân sự với Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng đưa ra nhận định, việc bắn thử một tên lửa Hwasong-12 bay xa 3.700 km, cho thấy Triều Tiên đủ khả năng bắn tới đảo Guam của Mỹ.

“Nó có đủ tầm bắn tới vùng lãnh thổ Guam của Mỹ”, ông Itsunori Onodera nhấn mạnh.

Triều Tiên bắn tên lửa qua Nhật, chứng tỏ khả năng tấn công tới đảo Guam của Mỹ

Đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên cảnh báo khả năng tấn công đảo chiến lược Guam, vốn nằm cách địa điểm phóng khoảng 3.400 - 3.500 km.

Website tuyên truyền của chính phủ Triều Tiên  - Trang Uriminzokkiri ngày 19/8 đã đăng tải một đoạn video dài khoảng 4 phút lên Youtube, trong đó để ngỏ khả năngTriều Tiên sẽ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 hướng về phía đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Xuất hiện trong đoạn clip, ông Kim Rak-gyom, chỉ huy Lực lượng Chiến lược của Triều Tiên, đã đưa ra một bức ảnh về tuyên bố mới nhất của Bình Nhưỡng rằng nước này đang lên kế hoạch bao vây đảo Guam bằng hỏa lực.

Ông Kim Rak-gyom cảnh báo: “Người Mỹ nên học cách sống mà tai mắt lúc nào cũng phải mở to. Họ sẽ đứng ngồi không yên cả ngày lẫn đêm vì tên lửa Hwasong-12 bởi không biết lúc nào chúng sẽ được phóng đi”.

Đoạn clip dài 4 phút còn giới thiệu hình ảnh vụ thử một loại vũ khí mới được cho là tên lửa đạn đạo Scud-ER và hình ảnh cận cảnh vào đảo Guam nhìn từ trên vũ trụ.

Chính phủ Triều Tiên hồi tháng 8 đã tung một đoạn video nước này đe dọa phóng tên lửa đến gần đảo Guam của Mỹ.

Giáo sư Park Won-gon tại đại học Handong, Hàn Quốc, lập luận, nếu một tên lửa được phóng gần thủ đô gặp sự cố, nó sẽ gây thiệt hại rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên bất chấp những nguy cơ có thể xảy ra, Triều Tiên đã liên tiếp bắn thử hai tên lửa từ khu vực Sunan.

“Điều đó cho thấy họ rất tự tin với hoạt động của tên lửa Hwasong-12”, vị giáo sư kết luận.

Mỹ thêm giận dữ

Động thái gia tăng căng thẳng mới của Triều Tiên, đặc biệt lại hướng về phía đảo Guam của Mỹ đã khiến Washington thêm giận dữ.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngay lập tức kêu gọi Nga và Trung Quốc có động thái tác động trực tiếp đối với Triều Tiên sau động thái gia tăng căng thẳng trên.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước có các biện pháp mới đối phó với Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác cung cấp chủ yếu dầu thô cho Triều Tiên trong khi Nga tiếp nhận nhiều lao động Triều Tiên nhất. Nga và Trung Quốc phải thể hiện rằng họ không dung thứ cho các vụ phóng tên lửa liều lĩnh của Triều Tiên bằng việc có hành động trực tiếp gây sức ép lên Triều Tiên”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngay lập tức kêu gọi Nga và Trung Quốc có động thái tác động trực tiếp đối với Triều Tiên

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Anh Boris Johnson ở London ngày 14/9, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng kêu gọi Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc sẽ dùng dầu mỏ để thay đổi thái độ cũng như quan điểm của Triều Tiên về phát triển vũ khí hạt nhân.

“Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tự quyết định việc sử dụng công cụ mạnh mẽ là dầu mỏ để thuyết phục Triều Tiên xem xét lại con đường phát triển vũ khí, cũng như điều chỉnh cách tiếp cận đối thoại và đàm phán trong tương lai”, ông Tillerson nhấn mạnh.

Trong một động thái có liên quan, trả lời phỏng vấn với kênh MSNBC, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R.McMaster cũng tuyên bố nước này đang chuẩn bị mọi kịch bản, kể cả quân sự để đối phó mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

“Nếu họ có vũ khí hạt nhân có thể đe dọa Mỹ, quan điểm của Tổng thống Donald Trump là không dung thứ. Vì vậy, dĩ nhiên là chúng tôi phải đưa ra tất cả các giải pháp, trong đó có lựa chọn quân sự”, ông McMaster nhấn mạnh.

Trước đó, Mỹ cũng kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhanh chóng thông qua nghị quyết trừng phạt mới mạnh tay nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9.

Theo bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, cộng đồng quốc tế cần phải áp các lệnh trừng phạt mạnh nhất có thể với Triều Tiên. Chỉ có các lệnh trừng phạt cứng rắn nhất mới cho phép chúng ta giải quyết vấn đề thông qua ngoại giao.

“Hành động của Triều Tiên không thể được coi là tự vệ, nước này muốn được công nhận là một quốc gia hạt nhân. Tuy nhiên, để được công nhận là quốc gia hạt nhân thì không phải dùng các vũ khí này để đe dọa các nước khác”, bà Haley nhấn mạnh.

Sau lời kêu gọi ráo riết của Mỹ, Hội đồng bảo an, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng hôm 11/9 do Mỹ soạn thảo với tỷ lệ 15 ủng hộ - 0 phản đối.

Lệnh trừng phạt mới này cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng may mặc, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, khí thiên nhiên hóa lỏng và ngưng tụ, cấm thuê lao động mới của Bình Nhưỡng tại nước ngoài.

Với những gì đã tuyên bố từ trước đến nay, chắc chắn Washington sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả và sẵn sàng phòng vệ nếu Triều Tiên thật sự có những hành động khiêu khích với đảo Guam của Mỹ.

Tuấn Hùng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trieu-tien-khien-my-them-gian-du-3343221/