Triều Tiên lên kế hoạch sắp tấn công Guam, 'phớt lờ' đe dọa của Mỹ?

Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết vào giữa tháng, nước này sẽ phát triển xong kế hoạch phóng 4 tên lửa tầm trung vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương mặc cho lời đe dọa của Tổng thống Trump trước đó.

Triều Tiên sẽ phát triển xong kế hoạch phóng 4 tên lửa tầm trung vào đảo Guam vào giữa tháng 8

Ngày 9/8, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết vào giữa tháng, nước này sẽ phát triển xong kế hoạch phóng 4 tên lửa tầm trung vào đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương. Kế hoạch sau đó sẽ được trình lên nhà lãnh đạo Kim Jong Un để ông quyết định có thực thi hay không.

Tên lửa Hwasong-12, được phóng bởi Quân đội Nhật dân Triều Tiên, sẽ bay vượt qua bầu trời các tỉnh Shimane, Hiroshima và Koichi của Nhật Bản và đáp xuống vùng biển cách Guam khoảng 30, 40 km.

Trước đó, vào 8/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa Triều Tiên sẽ phải đối mặt với “lửa và cơn giận” chưa từng có nếu tiếp tục thách thức Washington. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Triều Tiên tuyên bố đang cân nhắc Guam là mục tiêu.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Tuy nhiên, đáp lại tuyên bố này, nhiều chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump đang tự đẩy mình vào thế khó. "Nếu lằn răn đỏ mà Tổng thống Donald Trump thiết lập ngày hôm nay là "Triều Tiên không được tiếp tục đe dọa Mỹ" thì nó đã bị Triều Tiên bước qua chỉ trong vòng 1 giờ" – ông John Delury, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trường ĐH Yonsei (Seoul), khẳng định.

Theo CNBC, Tổng thống Donald Trump đang rơi vào tình thế hệt như người tiền nhiệm Barack Obama - tự thiết lập lằn răn đỏ nhưng không thể thực hiện. Cụ thể, vào năm 2013, cựu Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ sẽ tấn công quân sự Syria nếu Damascus sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến. Tuy nhiên, khi điều này xảy ra, ông Barack Obama lại không thực hiện lời cam kết.

Được đánh giá là một nhà lãnh đạo cứng rắn hơn người tiền nhiệm, quyết định của Tổng thống Donald Trump đang thu hút được sự chú ý lớn từ các chuyên gia quân sự.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định một cuộc tấn công quân sự Triều Tiên, nếu có, sẽ không xảy ra sớm. Do đó, Tổng thống Donald Trump có thể đang phạm phải sai lầm của người tiền nhiệm.

Tên lửa hạt nhân Triều Tiên thực sự có năng lực đến đâu?

Trong vài thập kỷ qua, Triều Tiên đã nỗ lực phát triển tên lửa hạt nhân có thể tấn công Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại châu Á. Đối với Triều Tiên, việc sở hữu loại vũ khí này là “lời đảm bảo chắc chắn nhất” về việc Mỹ không còn dám xâm lược Triều Tiên nữa.

4 vụ thử hạt nhân sau đó mà vụ mới nhất là vào năm 2016 là minh chứng cho việc Triều Tiên đã đạt được bước tiến đáng kể quá trình thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể gắn vào các tên lửa xuyên lục địa của nước này, điều mà Triều Tiên khẳng định họ đã làm được.

Thông tin về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên được nước này giữ kín đến mức chính các chuyên gia Mỹ cũng thừa nhận rất khó có thể dự đoán chính xác về những bước tiến mà Triều Tiên đã đạt được.

Tổng thống Donald Trump dọa tấn công Triều Tiên với "hỏa lực và cuồng nộ".

Tuy nhiên, giới chức Mỹ và Nhật Bản đã phải lên tiếng thừa nhận rằng, trong thời gian gần đây Triều Tiên đã đạt được những tiến bộ vượt bậc.

Giới chức Mỹ nhận định, Triều Tiên đang sở hữu 60 đầu đạn hạt nhân- nhiều hơn gấp đôi so với con số mà các chuyên gia độc lập đưa ra.

Tuy nhiên, theo giới chức Mỹ, Triều Tiên vẫn gặp rất nhiều trở ngại về mặt kỹ thuật nếu muốn tấn công các mục tiêu trên đất Mỹ. Điều này là bởi, dù đã phát triển các tên lửa đạn đạo có tầm bắn đến Mỹ, Triều Tiên vẫn gặp khó trong việc đảm bảo rằng, tên lửa của mình có thể quay trở lại Trái đất trước khi đầu đạn bị đốt cháy hết.

Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ có cách tiếp cận như thế nào trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa và đạt được những bước tiến rõ rệt trong thời gian qua.

Tú An (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/quan-su/trieu-tien-len-ke-hoach-sap-tan-cong-guam-phot-lo-de-doa-cua-my