Triều Tiên sắp sánh vai Nga, Mỹ trong Câu lạc bộ ICBM?

Một chuyên gia Nga nhận định: Ngày Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên không còn xa nữa. Nhận định này dựa trên cơ sở nào?

Xe chở/phóng thứ nhất rất giống bệ phóng của hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn DF-31 (Đông Phong 31) Trung Quốc. Bệ phóng thứ hai trông không khác gì bệ phóng của tên lửa đạn đạo RT-2PM2 “Topol-M” của Nga.

Hiện nay, các chuyên gia chỉ biết về hai loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn của Triều Tiên, đó là tên lửa đạn đạo Pukguksong-1 (KN-11) có thể phóng từ tàu ngầm và tên lửa Pukguksong-2 (KN-15) phóng từ các bệ phóng cơ động trên mặt đất.

Theo chương trình phát triển, tên lửa hai tầng sử dụng nhiên liệu rắn Pukguksong-1 sẽ có tầm bắn 2.000 km, sánh được với tên lửa Trung Quốc JL-1 và DF-21A. Các vụ phóng thử nghiệm hành trình bay của Pukguksong-1 đã bắt đầu vào năm 2015 và hiện vẫn đang tiếp tục.

Có lẽ vào cuối thập kỷ này, Triều Tiên sẽ có khả năng triển khai các đạn đạo loại này trên các tàu ngầm loại cải tiến của họ. Sau khi sở hữu KN-11, Bình Nhưỡng sẽ có khả năng tấn công vào toàn bộ lãnh thổ của Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng chúng không thể phóng tới Mỹ.

Tuy nhiên, việc phóng thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 với tên lửa đẩy Unha-3 và sau đó là vệ tinh Kwangmyongsong-4 (tháng 2/2016) là một thành tựu rất lớn của Bình Nhưỡng, mở đường cho việc phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa 3 tầng, nhiên liệu rắn trên nền tảng của Unha-3.

Vào tháng 7/2006, Triều Tiên phóng thất bại một tên lửa tầm xa Taepodong-2. Tháng 4/2009, Bình Nhưỡng phóng tiếp một tên lửa 3 tầng nhưng tên lửa đã rơi xuống biển. Đến tháng 4/2012, một tên lửa đẩy 3 tầng của Triều Tiên phát nổ ngay sau khi được phóng lên.

Tháng 12/2012, Triều Tiên đã phóng thành công tên lửa đẩy 3 tầng Unha-3, đưa thành công vệ tinh Kwangmyongsong-3 (“Quang Minh Tinh” 3, tức “Sao sáng” 3) vào quỹ đạo.

Tên lửa đẩy của Triều Tiên tương đương ICBM tầm phóng trên 10.000km

Dòng tên lửa đẩy Unha-3 có chiều dài 30m, gồm 3 tầng động cơ. Tầng 1 là động cơ nhiên liệu lỏng (cháy trong 120 giây); tầng 2 cũng áp dụng công nghệ động cơ nhiên liệu lỏng (cháy trong 110 giây) và tầng 3 động cơ nhiên liệu rắn cháy trong 40 giây.

Các nước phương Tây đều cho rằng, các vụ thử vệ tinh của Triều Tiên chỉ là cái cớ để phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa. Quả tên lửa được phóng ngày 7/2/2016 tương đương với ICBM có tầm bay hơn 10.000km và có thể vươn được tới phần lục địa của nước Mỹ.

Có thể khẳng định rằng, trong thời gian tới Bình Nhưỡng sẽ nỗ lực đột phá vào công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn lên ICBM, hình thành yếu tố cấu thành đầu tiên và cơ bản nhất của bộ 3 răn đe hạt nhân chiến lược là tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất.

Việc tên lửa đẩy Unha-3 hai lần phóng thành công vệ tinh lên quỹ đạo chứng tỏ Triều Tiên đã dần làm chủ được công nghệ tên lửa liên lục địa. Ngày Bình Nhưỡng sánh vai với các cường quốc trong câu lạc bộ ICBM như Nga, Mỹ, Trung Quốc... sẽ không còn xa nữa.

Cùng với thành công của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, có thể nhận định rằng, Bình Nhưỡng đang tiến nhanh trên con đường trở thành một quốc gia sở hữu khả năng tấn công hạt nhân mạnh mẽ, khiến bản đồ phân bố hạt nhân trên thế giới có thể phải điều chỉnh trong thời gian tới.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/trieu-tien-sap-sanh-vai-nga-my-trong-cau-lac-bo-icbm-3335751/