Triều Tiên thà chịu nghèo nhưng không bỏ hạt nhân

Hiện nay, luật pháp quốc tế không thực hiện được vai trò cán cân công lý, mà trở thành công cụ xóa sạch vết nhơ nhuốc cho những kẻ bá quyền...

Russia Today đưa tin, tại cuộc họp báo ngày 5/9 diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh khối BRICS ở Hạ Môn, Trung Quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra quan điểm và nhận định về sự leo thang xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

“Sự điên cuồng trong quân sự là vô nghĩa và sẽ dẫn đến một thảm họa toàn cầu, với chết chóc và đổ máu. Không có cách nào khác để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, ngoại trừ cách đối thoại trong hòa bình”, ông Putin khẳng định.

Nhà lãnh đạo Nga đã một lần nữa chỉ thẳng ra rằng, chính việc Mỹ và phương Tây nuốt lời đối với chính quyền Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq và Tổng thống Moummar Gaddafi ở Libya, khiến cho chính quyền Bình Nhưỡng mất lòng tin.

Tổng thống Putin nhắc lại bài học Iraq, Libya khiến Triều Tiên chấp nhận nghèo nhưng không buông bảo bối của mình

“Bài học từ Iraq và Libya đã khiến giới lãnh đạo Triều Tiên tin rằng họ chỉ được bảo vệ khi nắm trong tay vũ khí hạt nhân. Do đó lệnh cấm vận sẽ không có tác dụng với Bình Nhưỡng”, người đứng đầu điện Kremlin nhận định.

Theo ông Putin, cuộc chiến tại Iraq do Mỹ châm ngòi hồi năm 2003 và việc NATO can thiệp vào nội chiến Libya hồi năm 2011 đều xảy ra sau khi lãnh đạo các quốc gia này chấp thuận từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, để đối lấy việc được giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng, bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang căng thẳng và đang trên bờ vực của một cuộc xung đột quy mô lớn. Moscow cũng đang làm mọi cách để có thể giảm nhiệt tình hình.

Ngay sau khi Bình Nhưỡng loan tin thử nghiệm thành công bom H lần thứ 2 vào ngày 3/9, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này cảm thấy nuối tiếc vì lãnh đạo Triều Tiên “đã tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng” cho khu vực.

Moscow cảnh báo rằng việc tiếp tục duy trì các hoạt động như vậy sẽ mang đến hậu quả nghiêm trọng cho Bình Nhưỡng, song ông chủ điện Kremlin cho rằng phải nhìn nhận rằng việc phát triển thành công vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chính là cách mà quốc gia này thể hiện thái độ đối với cộng đồng quốc tế.

Hiện nay, chỉ một tháng sau bị HĐBA LHQ cấm xuất khẩu các mặt hàng chính như than, sắt, hải sản..., Triều Tiên lại tiếp tục đối mặt với những gói trừng phạt mới, mạnh mẽ hơn trong nỗ lực nhằm bóp nghẹt chương trình quân sự của Bình Nhưỡng.

“Triều Tiên có thể chấp nhận nghèo khó, nhưng họ sẽ không dừng chương trình quân sự một khi họ còn cảm thấy không an toàn. Vậy làm cách nào để Triều Tiên cảm thấy an toàn? Chỉ có cách phục hồi luật pháp quốc tế”, Tổng thồng Putin khẳng định.

Điều đó cho thấy, cuộc sống nghèo khó của người dân Triều Tiên là hậu quả từ hành động của những thế lực coi thường luật pháp quốc tế, đẩy Bình Nhưỡng vào chỗ phải có lựa chọn khắc nghiệt giữa khó khăn và an toàn cho đất nước.

Dù không bênh vực việc Bình Nhưỡng đẩy mạnh chương trình tên lửa và hạt nhân, gây bất ổn cho tình hình khu vực và trên thế giới, song không thể phủ nhận chính việc luật pháp quốc tế bị coi thường khiến cho Triều Tiên phải sinh tồn trong khắc nghiệt.

Giới phân tích cho rằng, dường như lúc này Triều Tiên không coi trọng việc bị siết chặt bằng cấm vận so với việc đạt được thành tựu trong phát triển vũ khí chiến lược của mình.

Triều Tiên phải lựa chọn khắc nghiệt trong cuộc sinh tồn khi luật pháp quốc tế trở thành công cụ trong tay kẻ mạnh

Cuộc sống của người Triều Tiên có thể khó khăn hơn nữa, song đất nước Triều Tiên có hòa bình, xã hội Triều Tiên được “thanh bình trong thời chiến” và quan trọng hơn quyển dân tộc cơ bản của Triều Tiên do người dân và chính quyền quyết định.

Trong khi đó nhìn sang Libya, Iraq - nơi chính quyền lắng nghe lời khuyến cáo của Mỹ và phương Tây từ bỏ "bảo bối" của mình - thì tình hình đã tồi tệ hơn rất nhiều. Quyền cơ bản nhất của con người - quyền sống - luôn bị tước bỏ bất cứ lúc nào khi đất nước trở thành đất sống và đất diễn của khủng bố.

Tệ hại hơn, những nhân tố lắng nghe và sẵn sàng lắng nghe, tạo điều kiện cho Mỹ và phương Tây tước bỏ "bảo bối" của quốc gia mình đều phải trả gia bằng cả sinh mạng chính trị lẫn tính mạnh trong vị thế của những kẻ phạm tội ác chống nhân loại.

Hiện nay, luật pháp quốc tế không những không thực hiện được vai trò của cán cân công lý, mà tai hại hơn còn trở thành công cụ đổi trắng thay đen, xóa sạch vết nhơ nhuốc trong hành động phạm pháp của những kẻ bá quyền, cường quyền.

Đã có rất nhiều nhận định rằng Kim Jong-un hiếu chiến, quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân và vũ khi chiến lược là đưa dất nước Triều Tiên vào thế nguy hiểm khi đối mặt với trừng phạt của công đồng quốc tế.

Tuy nhiên, xét ở một góc độ khác trong cuộc sinh tồn khắc nghiệt của những quốc gia nhỏ bé - chỉ biết chờ đợi vào sự công bằng của luật pháp quốc tế mà nay thì công cụ pháp lý này lại trở thành công cụ của kẻ mạnh - thì việc Bình Nhưỡng phải thực hiện điều đó là bất đắc dĩ trong việc đảm bảo sự an toàn cho đất nước.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/trieu-tien-tha-chiu-ngheo-nhung-khong-bo-hat-nhan-3342551/