Triều Tiên trước điều đại kỵ

(Toquoc)–Nhiều sự kiện liên tiếp cho thấy việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên có thể đi theo cách thức mới.

(Toquoc) – Nhiều sự kiện liên tiếp cho thấy việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên có thể diễn ra theo những cách thức mới. Trong quan hệ giữa một nước nhỏ với các nước lớn, điều đại kỵ là bị các nước lớn phối hợp hay câu kết để áp đặt những điều kiện trái với những mục tiêu lợi ích nước nhỏ theo đuổi. Còn trong quan hệ giữa nước lớn với nước nhỏ, điều cấm kỵ là bị nước nhỏ “qua mặt” để giao dịch với một nước lớn khác thuộc loại đối địch hay “kỵ” với mình về lợi ích. CHDCND Triều Tiên hiện tại dường như đang đứng trước điều đại kỵ và đang rơi vào điều cấm kỵ. Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì phiên họp HĐBA, tháng 9/2009, ra nghị quyết lịch sử hướng tới việc giải giáp vũ khí hạt nhân thế giới Ngoại giao là nghệ thuật của “những khả năng”. Nước nhỏ phải phân tích đúng thời cuộc và nắm bắt được thời cơ thì mới phát huy được các khả năng này. Với việc thử mấy quả tên lửa ngày 12/10, Bình Nhưỡng muốn thúc giục Mỹ ngồi vào đàm phán song phương Triều-Mỹ. Theo các nhà quan sát quốc tế, hành động liên tiếp của Bình Nhưỡng một lần nữa phản ánh chiến lược cố hữu vừa hòa hoãn, vừa hù dọa. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/10 tuyên bố, các vụ thử tên lửa tầm ngắn mới nhất này không làm thay đổi mục tiêu của Mỹ là “đưa nhà nước ẩn dật trở lại các cuộc đàm phán sáu bên về giải giáp hạt nhân”. Ngày 14/10, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, đăng bình luận, khẳng định: “Triều Tiên và Mỹ nên ký hiệp ước hòa bình nếu muốn vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên được giải quyết”. Một hiệp ước như vậy sẽ là “một trong những biện pháp hợp lý và thiết thực nhất” để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mục tiêu tối đa của Bình Nhưỡng là vừa bình thường hóa với Mỹ, vừa được Mỹ và các nước khác công nhận, hoặc “ngầm” công nhận, là một quốc gia hạt nhân. Họ biết con đường ngắn nhất để đạt mọi mục tiêu này là đàm phán trực tiếp với Mỹ, dù không hề có ảo tưởng về một cuộc nói chuyện thực sự cởi mở với Mỹ. Các cơ quan truyền thông của Bắc Triều Tiên luôn đề cập đến chính sách “tiên quân chính trị” (lấy quân sự làm ưu tiên hàng đầu), để duy trì đất nước trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với “một cuộc tấn công do Mỹ chủ mưu”. Tiến sĩ Kim Myong Chol, kiều dân Triều Tiên sống tại Nhật, người được cho là phát ngôn viên không chính thức của Chủ tịch Kim Jong-Il, mới đây tiết lộ trên Mạng tin Asia Times rằng, điểm nổi bật trong chuyến thăm Bình Nhưỡng của cựu Tổng thống Bill Clinton là việc Mỹ ngầm công nhận vị thế hạt nhân của Bắc Triều Tiên; có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Obama đang trong quá trình chấp nhận một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân như Mỹ đã từng làm với Israel, Ấn Độ và Pakistan, vì nếu không làm như thế thì vấn đề sẽ vẫn giẫm chân tại chỗ như 8 năm dưới chính quyền Bush. Nếu Mỹ quả thực có thể “ngầm” chấp nhận một Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, hai đồng minh thân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc có chấp nhận chăng? Câu trả lời dường như là “không”. Vào giao thời chiến lược như hiện nay, Mỹ không thể không chú ý đến ý kiến của các nước đồng minh. Mỹ cũng phải lắng nghe quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên. Sự tin cậy nước lớn là rất cần thiết vì nó còn liên quan đến các chương trình nghị sự “nóng” khác, trong đó Mỹ cần Trung Quốc ủng hộ lập trường của phương Tây trong đàm phán hạt nhân với Iran sắp bước vào giai đoạn hai cuối tháng 10 này. Bình Nhưỡng có khá nhiều kinh nghiệm ứng phó nước lớn: Chủ tịch Kim gặp phái đoàn Mỹ của cựu Tổng thống Clinton, tháng 7/2009 Bình Nhưỡng gần đây tuyên bố ngừng đàm phán sáu bên và chỉ đàm phán song phương với Mỹ. Điều này đã làm phật ý Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng nếu diễn đàn sáu bên bị hủy bỏ, Trung Quốc có thể bị Washington và Bình Nhưỡng gạt ra ngoài cuộc chơi. Vừa rồi, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia bảo đã thăm Bình Nhưỡng trong một chuyến đi được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Bề ngoài là để kỷ niệm Năm hữu nghị Trung-Triều, nhưng bên trong là bàn chuyện tiếp tục đàm phán sáu bên. Hai bên ký một số hiệp định hợp tác, hẳn là để đáp ứng những nhu cầu của Triều Tiên về năng lượng, phân bón hóa học và hàng nhu yếu khác. Kết quả là, Triều Tiên hứa hẹn sẽ đàm phán sáu bên cùng với song phương. Sau chuyến đi Bình Nhưỡng của người đứng đầu chính phủ Trung Quốc, tờ Liberation (Pháp) đưa tin: Trung Quốc tỏ ra cứng rắn với Bình Nhưỡng về hồ sơ hạt nhân và đã cảnh báo Bắc Triều Tiên không nên tiếp tục chơi trò ú tim với cộng đồng quốc tế. Báo này còn dẫn lời một chuyên gia Trung Quốc thuộc trường Đại học Bắc Kinh cho biết, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã không ngần ngại nói thẳng những ý nghĩ của mình với Chủ tịch Kim Jong-Il. Dư luận Hàn Quốc có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại rằng các động thái thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên về kinh tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện NQ 1874/HĐBA/LHQ. Ngày 9/10, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama tại Seoul để trao đổi ý kiến về vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên và các biện pháp tăng cường hợp tác Nhật-Hàn. Tổng thống Hàn Quốc giải thích cho tân Thủ tướng Nhật Bản về đề xuất “mặc cả lớn” (Grand bargain) của mình để giải quyết cơ bản vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Động thái này còn dọn đường cho Nhật Hoàng thăm Seoul để thúc đẩy hợp tác Hàn-Nhật vào thời kỳ mới. Một khi Mỹ điều chỉnh chiến lược một bước, các nước khác phải đi nhanh hơn hai ba bước, nếu không sẽ nhỡ đoàn tàu. 2009 là một năm đầy biến động trong quan hệ quốc tế. Với CHDCND Triều Tiên, sức ép của các nước lớn có thể đã tới đỉnh điểm. Với cách tiếp cận mới của chính quyền Obama về kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu, được các nước lớn thường trực Hội đồng bảo an LHQ ủng hộ, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang vượt ra khỏi tính toán cục bộ của Bình Nhưỡng. Không phải đợi lâu, người ta sẽ thấy nền ngoại giao Washington linh hoạt và thực dụng đến mức nào trong vấn đề Iran và Triểu Tiên. Tehran đang chủ động hướng tới vòng hai đàm phán đa phương về hạt nhân với những tín hiệu tích cực. Còn Bình Nhưỡng liệu có thể thực hiện được nghệ thuật của “những khả năng” để khỏi nhỡ đoàn tàu chăng? Thiên tài là không kéo lê tư tưởng của mình theo các vết xe cũ./.

Nguồn Tổ Quốc: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Trieu-Tien-Truoc-Dieu-Dai-Ky.html