Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày gửi văn bản xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25 tháng 12 năm 2015 quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08/02/2016.

Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể nội dung hoạt động ngân hàng, hoạt động kinh doanh khác trong Giấy phép cấp cho từng tổ chức tín dụng phi ngân hàng trên cơ sở mẫu Giấy phép tương ứng với từng loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng quy định tại Phụ lục số 09A, 09B, 09C, 09D Thông tư này. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng sử dụng Giấy phép theo quy định tại Điều 27 Luật các tổ chức tín dụng.

Trường hợp Giấy phép bị mất, bị rách, bị cháy hoặc bị hủy dưới hình thức khác, tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải có văn bản nêu rõ lý do và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước đề nghị xem xét cấp bản sao Giấy phép từ sổ gốc theo quy định của pháp luật. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cấp lại bản sao Giấy phép từ sổ gốc cho tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép

Ban trù bị lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép theo quy định tại Điều 13, Điều 14, khoản 1, 2, 3 Điều 15, khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 Điều 16 Thông tư này và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị xác nhận đã nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ để xem xét chấp thuận nguyên tắc. Trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép không đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi Ban trù bị yêu cầu bổ sung hồ sơ.

Trường hợp không chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không chấp thuận.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản chấp thuận nguyên tắc thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng, Ban trù bị lập các văn bản bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 15, khoản 7 Điều 16 Thông tư này và gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước. Quá thời hạn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước không nhận được hoặc nhận được không đầy đủ các văn bản nêu trên thì văn bản chấp thuận nguyên tắc không còn giá trị.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước xác nhận bằng văn bản về việc đã nhận đầy đủ văn bản.

4. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp Giấy phép theo quy định. Trường hợp không cấp Giấy phép, Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do không cấp Giấy phép.

Điều kiện cấp Giấy phép đối với tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần

- Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng.

- Điều kiện đối với cổ đông sáng lập: Có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức; Chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của nguồn vốn góp; Cam kết hỗ trợ về tài chính để giải quyết khó khăn trong trường hợp tổ chức tín dụng phi ngân hàng khó khăn về vốn hoặc khả năng chi trả, thanh khoản; Không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; Có khả năng về tài chính để góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng; không được dùng vốn ủy thác, vốn huy động, vốn vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức, cá nhân khác để góp vốn…

- Ngoài các điều kiện trên, cổ đông sáng lập là cá nhân phải đáp ứng điều kiện như: Mang quốc tịch Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật; Không thuộc những đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức. Cổ đông sáng lập là tổ chức phải đáp ứng điều kiện như: Được thành lập theo pháp luật Việt Nam; Kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;

Đối với tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam (trừ ngân hàng thương mại Việt Nam): Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp; Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật có liên quan;

Đối với ngân hàng thương mại Việt Nam: Có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; Không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép; Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng; Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

HUY LÂM

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/van-ban-phap-luat/thu-tuc-cap-giay-phep-to-chuc-tin-dung-phi-ngan-hang-a131871.html