Trò chuyện để gần gũi và hiểu con hơn

GD&TĐ - Vì bận rộn công việc hoặc những mối quan hệ ngoài xã hội, nhiều bậc cha mẹ ít dành thời gian cho con mình hơn.

Thay vì dành thời giờ chơi cùng trẻ, nhiều người lại giao cho con mình một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng và yên tâm rằng, với những thiết bị hiện đại này, con mình sẽ chẳng bao giờ phải buồn.

Thật nguy hiểm khi nhiều người lầm tưởng rằng những trò chơi, phim ảnh, mạng xã hội từ điện thoại, máy tính ấy có thể làm thay vai trò của cha mẹ. Càng nguy hiểm hơn khi nhiều người không bận tâm đến những hiểm họa rình rập con mình đằng sau màn hình của những thiết bị thông minh này. Chúng ta phải biết rằng, không điều gì có thể thay thế vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục nhân cách cho trẻ em. Vậy thì, đừng phó mặc con mình cho điện thoại và máy tính, hãy dành thời gian để quan tâm, lắng nghe, chia sẻ cùng con. Những việc này đều có thể thực hiện dễ dàng bằng việc chơi đùa, trò chuyện cùng trẻ mỗi ngày.

Không khó để nhận ra những biểu hiện bất thường của những đứa trẻ sau một thời gian chỉ có điện thoại, máy tính làm bạn. Trong thế giới ảo, các em rất lanh lợi, hoạt bát. Nhưng ngoài thế giới thật, các em trở nên khác hẳn. Lầm lì, ít nói, cộc cằn, hay cáu giận, không thích gặp gỡ, giao tiếp, chỉ muốn thu mình… Đó là những dấu hiệu đáng lo đối với quá trình phát triển của trẻ mà người làm cha làm mẹ phải sớm nhận ra.

Trẻ em ở độ tuổi mới lớn đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách. Đây là lứa tuổi mà tâm sinh lí các em có nhiều diễn biến phức tạp. Trong đó, nhu cầu được khám phá, được khẳng định và được sẻ chia luôn là vấn đề bức thiết ở các em. Đây cũng là độ tuổi hay tò mò, bắt chước và dễ chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Do vậy, cần có người lớn bên cạnh, lắng nghe chúng nói, giải đáp những điều chúng chưa hiểu, ghi nhận cố gắng của chúng bằng những lời khen, lời động viên, hướng chúng vào những việc làm, lời nói và suy nghĩ tốt đẹp.

Dành thời gian chuyện trò cùng con cái mỗi ngày là việc làm vô cùng quan trọng trong việc nuôi dạy con nên người. Lắng nghe con nói và trò chuyện cùng con, cha mẹ sẽ có điều kiện hiểu hơn về cảm xúc, tình cảm cũng như những nỗi niềm, nguyện vọng của con mình. Dù rằng, những nguyện vọng, tâm tư ấy chỉ là những vấn đề rất nhỏ. Thế nhưng một khi không được nói ra, không có người thấu hiểu và nhất là không được cha mẹ phân giải ngọn nguồn, những vấn đề ấy dễ trở thành nỗi bức xúc. Và nếu bức xúc ấy không được giải tỏa, chúng sẽ âm thầm lớn dần, trở thành mối hiểm họa khôn lường.

Được cha mẹ trò chuyện mỗi ngày, trẻ sẽ luôn có cảm giác được quan tâm, yêu thương. Chúng sẽ cảm nhận được vị trí quan trọng của mình trong lòng cha mẹ, đây là điều quan trọng ảnh hưởng đến suy nghĩ của trẻ. Hơn nữa, trong quá trình trò chuyện cùng cha mẹ, trẻ có dịp nói ra mọi khúc mắc, lo lắng, buồn bực trong lòng. Chính trong khi chuyện trò, cha mẹ dễ dàng thấu hiểu, sẻ chia và phân giải cho con. Nhờ đó, khi chuyện trò cùng cha mẹ, trẻ sẽ luôn cảm thấy an toàn, tin tưởng và gia đình thật sự là chỗ dựa của chúng.

Chuyện trò cùng trẻ, cha mẹ sẽ càng thêm yêu con mình. Còn gì vui hơn được ngồi nghe con bi bô nói cười, được nhìn gương mặt hồn nhiên, đáng yêu của con. Ông bà thường nói, con cái là phúc trời cho. Còn gì hạnh phúc hơn khi được làm cha làm mẹ, được từng ngày nuôi dạy, chứng kiến mỗi bước con lớn lên, nên người. Vậy thì cha mẹ hãy dành cho con mình nhiều thời gian hơn, quan tâm yêu thương con từ những việc đơn sơ nhất, là trò chuyện, lắng nghe con nói mỗi ngày…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/tro-chuyen-de-gan-gui-va-hieu-con-hon-2012559-b.html