Trở lại La Gi

Đây là lần thứ 2 tôi tới La Gi. Lần đầu, anh bạn nhà thơ ở Phan Thiết chở tôi xuống La Gi thăm anh bạn nhà văn sống gần chân núi Tà Cú. Bữa ấy, ấn tượng của tôi về La Gi chỉ đơn thuần là một trong rất nhiều những thị trấn ven biển mà mình đã đi qua, trên khắp dọc chiều dài đất nước. Nghĩa là có biển xanh, cát trắng và vị mặn mòi của những cơn gió kèm theo mùi cá nôn nao tanh nồng nơi làng biển.

Vớt rong trên biển La Gi

Nhưng thật sự, tôi là một kẻ vô tâm bởi lần này, sau khi lang thang cả một buổi chiều lồng lộng gió bên bờ sông Dinh mới biết, La Gi còn vô vàn những điều lý thú mà mình chưa biết chứ không đơn giản chỉ biển, cát và vị cá nôn nao ngày nào thi thoảng vẫn ám ảnh tôi. Cũng như nhiều người khác, thoạt tiên khi nghe cái tên La Gi, tôi đã ngỡ ngàng. Nó như vừa thân thuộc, vừa xa lạ bởi có vẻ nó không giống một địa danh trên lãnh thổ Việt Nam. Điều này không có gì là khó hiểu, bởi La Gi trước đây (và cả bây giờ) vẫn là "vương quốc” của những người Chăm với cộng đồng đông đảo cùng nhiều nét văn hóa lâu đời đặc trưng. Vì thế, cái tên địa danh cũng mang nhiều hơi hướng của tiếng Chăm. Điều này càng có cơ sở hơn khi biết rằng, theo tiếng Chăm, từ "La” có nghĩa là sông (như sông La Ngà, La Ngâu, La Di…) còn từ "Gi” (đọc là di) có nghĩa là núi. La Gi có thể hiểu là nơi núi sông hội tụ, nơi linh thiêng của vạn vật đất trời hòa cùng con người để tạo nên một trong những vùng đất đai lâu đời bậc nhất vùng Nam Trung bộ này.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu bạn đến La Gi chỉ ngắm biển và thỏa thuê cùng những con sóng đẹp mê hồn trên bãi cát dài, bởi thị xã (đã nâng cấp) còn rất nhiều nơi kỳ thú cuốn hút lòng người nữa. Ở đó, một cảm giác vừa linh thiêng, vừa tiếc nuối bao trùm lên mỗi chúng ta. Đó là tôi đang nói đến Dinh Thầy Thím, một trong những địa điểm du lịch được đông đảo du khách và người dân trong vùng viếng thăm từ trước khi nơi đây được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1997. Chuyện kể rằng, mấy trăm năm trước thời Tự Đức trị vì, có một đôi vợ chồng bị án oan phải xử trảm mà chết ở đây nên thần linh cảm động, chim muông, thú rừng cũng rơi nước mắt trước nấm mộ của hai người. Vì thế, dân cư quanh vùng bèn làm lễ cúng, lập mộ cho hai kẻ bạc mệnh. Hàng năm, vào ngày tiết thanh minh và tháng bảy (lễ cúng Thầy) rất đông dân chúng đến cúng lễ, bởi những ngày đó luôn có đôi hắc, bạch hổ ở rừng sâu về nằm thủ phục trước nấm mộ đôi vợ chồng nọ. Nghe chuyện, vua Tự Đức bèn lật lại vụ án cũ và giải oan cho hai người đồng thời dựng lên một khu dinh to lớn như ngày nay. Có thể nói, sau quãng đường dài khá vất vả men theo quốc lộ 55B dọc chiều dài bờ biển Nam Trung bộ từ địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu qua, được hòa mình trong màu xanh bát ngát của những cây cổ thụ trăm tuổi rừng Bàu Cát và thành tâm thắp nén hương trước Dinh Thầy Thím, tôi bỗng thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhõm đến lạ thường. Đấy mới chính là điều mà những người đến đây như tôi, cảm nhận được rõ ràng nhất. Thế nên, cũng như rất nhiều những khu di tích khác của người Chăm, Dinh Thầy Thím chính là nơi để những người Chăm xa quê hành hương tìm lại cội nguồn.

Biển thơ mộng cuốn hút lòng người

Phải thú thực rằng, so với cách đây mấy năm những gì thuộc về La Gi không có gì thay đổi với tôi ngoài cái tên, bởi từ một thị trấn nhỏ ven biển, La Gi đã vươn mình biến thành một thị xã, một trung tâm không chỉ du lịch mà còn là kinh tế của Bình Thuận. Chợt nhận ra, bây giờ người ta đến La Gi thật dễ dàng và thuận lợi biết bao bởi từ thành phố Vũng Tàu, không quá 1 giờ đồng hồ chạy xe là đã tới La Gi. Còn từ Biên Hòa, Sài Gòn, muốn tới La Gi cũng chẳng khó khăn hơn là bao khi phải vượt qua quãng đường vẻn vẹn khoảng 150 cây số. Thế nên, ngoài những du khách thường xuyên từ Phan Thiết xuống, La Gi mùa này có thêm nhiều vị khách lạ ở Biên Hòa, Sài Gòn, Vũng Tàu muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ mà bí ẩn của vùng đất và những người con gái Chăm e ấp mà nồng nàn này.

Như một thói quen cố hữu, dù là đi du lịch nhưng tôi lại hay tìm đến những làng chài của ngư dân và những trang trại của nông dân. Hình như, chỉ khi ngồi trên boong thuyền, chạm tay vào những mắt vuông lưới in chữ nhật hay lân la đứng nhìn những đàn cừu béo lắc lư đi về chuồng sau một ngày no nê trên đồng bãi, tôi mới thật sự là chính mình. Được nghe, được hỏi, được hiểu về những cuộc đời của họ, tôi mới thấy đời mình ý nghĩa và đáng sống hơn. Vì thế, hoàng hôn vừa lặn khuất phía xa xa, tôi đã hòa mình cùng những ngư dân đang lặng lẽ đẩy thuyền lên bờ sau một ngày dài giăng lưới. Họ là những ngư dân làm nghề vớt rong biển vùng La Gi này. Dù từng được chứng kiến rất nhiều người, nhiều nghề và nhiều sản vật của biển quê hương nhưng tôi vẫn phải ngỡ ngàng khi nhìn những tảng rong xanh mướt chỉ có ở nơi đây. Ít ai nghĩ rằng, ngoài tôm cá, cua mực, ghẹ ốc… biển cả mênh mông lại mang đến cho ngư dân một nguồn cơm áo khác là rong biển. Những tay rong nho khẳng khiu nhưng lại là món ngon của nhiều bà nội trợ tài ba với nhiều cách chế biến khác nhau. Cứ từ tháng 5 tới tháng 10 hàng năm, rong nho lại mang đến nguồn lợi nhuận khổng lồ cho hàng trăm hộ dân ở các làng chài vùng La Gi, dù họ cũng phải bỏ rất nhiều công sức mới lấy được chúng dưới đáy biển lên. Ngoài màu xanh của rong, màu đỏ của thanh long cũng khiến tôi không khỏi sững sờ. Cũng như nhiều địa phương khác của Bình Thuận, thanh long La Gi mang một vị ngọt đậm đà không lẫn vào đâu được. Thớ vỏ hồng ruộm, cơm ruột trắng đục với những hạt đen láy li ti mới nhìn đã thấy bắt mắt - Đó chính là món quà thú vị đặc trưng cho bất cứ ai mỗi khi đến La Gi.

Chia tay La Gi, chia tay trảng cát dài miên man và những người bạn lam lũ mới quen đã vội giã từ, trong lòng tôi cứ băn khoăn mãi về những bí ẩn, những thắc mắc về vùng đất đầy huyền bí, màu nhiệm này. Chợt nhận ra rằng, có lẽ, tôi có trở lại La Gi bao nhiêu lần nữa cũng chẳng bao giờ khám phá hết những ẩn ức trong lòng, bởi đơn giản La Gi mãi mãi là một kho tàng huyền hoặc hàm chứa vô vàn những điều kỳ thú giữa chốn biển xanh tươi đẹp này.

ĐOÀN ĐẠI TRÍ

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=51638&menu=1434&style=1