Trở lại vùng rốn lũ những ngày giáp tết

Dù khó khăn còn đó bộn bề nhưng người dân vùng lũ vẫn lạc quan, gượng dậy trong cuộc sống

Những trận lũ liên tiếp ập đến khiến cho đời sống người dân vùng lũ Bình Định, Quảng Bình, trong ngày gần tết vẫn còn gặp chút khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức, cá nhân, những mất mát của bà con vùng lũ đã dần nguôi ngoai, sớm ổn định cuộc sống, để cùng vui xuân đón tết.

Vẫn còn chút khó khăn

Sau hơn 1 tháng kể từ cơn lũ dữ thứ 5 xảy vào giữa tháng 12-2016, chúng tôi quay trở lại vùng rốn lũ xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước (Bình Định) vào một ngày cận Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Trên nhiều cánh đồng hoang tàn do bị sa bồi, thủy phá sau các đợt lũ chồng lũ liên tiếp xảy ra ở địa phương này, bà con vẫn đang hối hả khắc phục để xuống giống gieo sạ sản xuất vụ Đông – Xuân. “Do bị lũ dữ liên tiếp tàn phá nên vụ Đông – Xuân năm nay, bà con chúng tôi bị trễ mất 1 tháng so với thời vụ. Với tình hình này, lúa rất dễ bị sâu bệnh, năng suất cũng sẽ ảnh hưởng”, ông Nguyễn Hồng Vinh (ngụ thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) chua xót nói.

Năm nay, gia đình ông Nguyễn Duy Khiêm(Bình Định) phải đón Tết trong chòi tạm do nhà sập sau lũ dữ (ảnh Anh Tú)

Tại thôn Bình Lâm, xã Phước Hòa, cảnh đổ nát sau lũ dữ vẫn còn hiện hữu khắp nơi. Lũ quét làm sập nhà vào đầu tháng 12-2016, vợ chồng ông Nguyễn Duy Khiêm cùng 4 con đành phải dựng chòi hơn 15m2 ở tạm bên trại nuôi gà. Bàn học bị nước cuốn trôi, giờ các con ông phải nằm trên chiếc giường ngủ của cả gia đình để học bài. “Lũ đã cuốn trôi tài sản của vợ chồng tôi, giờ không còn tài sản gì giá trị. May mà nhờ chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ ít tiền, tôi đang tranh thủ dựng lại căn nhà. Nhưng chắc chắn sẽ không làm kịp trước Tết nên năm nay chúng tôi phải đón giao thừa trong căn chòi sập xệ này thôi”, ông Khiêm than thở. Cách nhà ông Khiêm vài chục mét, 5 người trong gia đình chị Trần Thị Tuyết Sương cũng ở trong lều tạm xập xệ, cạnh ngôi nhà đổ nát. Căn lều chỉ còn một chiếc giường cũ rộng hơn 1m nên hàng đêm, chồng chị phải ngủ võng, nhường chỗ cho vợ con.

Người dân xã Phước Hòa (Bình Định) tranh dựng lại nhà sau khi lũ quét sập nhà (ảnh Anh Tú)

Bà Võ Hồng Thắm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, cho biết địa phương là vùng trũng nên năm nào lũ dữ cũng xảy ra. Thế nhưng, chỉ trong hơn 1 tháng, Phước Hòa bị nhấn chìm trong 5 cơn lũ lịch sử thì chưa có tiền lệ. Lũ đã làm toàn bộ nhà dân ở địa phương bị ngập sâu, trong đó có 210 nhà dân đổ sập hoàn toàn và 8 nhà tốc mái hư hỏng; đê sông, đê biển bị vỡ đứt 73m và sạt lở hơn 2km; đường giao thông bị vỡ đứt 50 m và có gần 9 km bị bong trôi, sạt lở; hơn 80 ha ruộng bị sa bồi, trong đó có gần 70 ha ruộng bị sa bồi dày nên khó có thể khắc phục kịp đưa vào gieo sạ. “Hiện xã đã phân bổ kịp thời 66 tấn gạo cứu trợ của Chính phủ đến người dân địa phương. Ngoài ra, nhiều hộ dân cũng được tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ từ các cấp, ngành và nhà hảo tâm, trong đó có Báo Người Lao Động. Dù bị lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhưng nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức, cá nhân, những mất mát của bà con địa phương đã dần nguôi ngoai, sớm ổn định cuộc sống”, bà Thắm nói.

Hồi sinh sau lũ đi qua

Trở lại ven sông Gianh qua thôn Cồn Cam ở xã Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), chúng tôi mới cảm nhận được sức sống của người dân gượng dậy sau lũ đi qua. Nhiều người dân đã trở lại với nghề đánh cá dọc sông Gianh quen thuộc để mưu sinh, họ phấn khởi buông lưới đánh cá dù cuộc sống ven sông nước khốn khó trăm bề. “Lũ vừa rồi khiến thuyền bè hư hỏng, chúng tôi lại sửa sang phương tiện để tiếp tục quay lại với nghề đánh cá mưu sinh. Cuối năm, nhiều gia đình tranh thủ đi làm thêm ở các nơi khác để kiếm thêm thu nhập, vừa lo Tết vừa tích góp để trả các khoản nợ, tôi thì đánh cá hi vọng trời thương cho trúng lại có tiền sắm tết.” – một người dân ở thôn Cồn Cam (Đức Hóa) tâm sự.

Những cánh đồng ở Quảng Bình phũ trắng một màu xanh, khác với khung cảnh xác xơ sau những ngày lũ đi qua (ảnh Minh Tuấn)

Trở về thôn Đồng Lâm, chúng tôi gặp lại chị Trương Thị Tình (36 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi chồng chị đã mất cách đây gần 1 năm, chị sống với 2 con nhỏ trong ngôi nhà tranh ọp ẹp. Sau khi 2 trận lũ đi qua, nước ngập rồi cuốn phăng căn nhà mà chị đang ở. Sau hơn 2 tháng, cơn lũ đi qua ngoài phần tiền hỗ trợ từ các tổ chức, chị đã mạnh dạn vay mượn góp thêm để xây lại một căn nhà mới khang trang hơn. Không chỉ xây được nhà mới, chị cũng như nhiều bà con khác được ủng hộ gạo, tiền mặt và các vật dụng gia đình. “Dù chịu lũ rất nặng mất hết tài sản nhưng nhờ vào sự ủng hộ của nhà nước, các nhà hảo tâm gia đình tôi đã có cái ăn, cái mặc. Vui nhất là được cất căn nhà mới vững chải. Tết năm nay gia đình tôi vẫn đón một cái tết ấm áp hơn” – chị Tình chia sẻ.

Dọc sông Gianh, cảnh tượng mưu sinh hối hả của người dân xã Đức Hóa,Quảng Bình (ảnh Minh Tuấn)

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đức Vân – phó chủ tịch UBND xã Đức Hóa, cho biết trong đợi lũ vừa qua toàn xã có 11 thôn với gần 1.500 hộ nhưng trong 2 trận lũ lịch sử vừa qua ở địa phương có tới 70% nhà dân bị ngập chìm trong nước. Ước tính thiệt hại vào khoảng 7,3 tỉ đồng.

Ngay sau khi nước lũ rút, Trung ương và các tổ chức cá nhân khắp mọi miền Tổ quốc đã về với người dân vùng lũ, giúp bà con xã Đức Hóa khắc phục khó khăn. “Năm nào cũng vậy mà, hễ vào những tháng cuối năm không có mưa thì có lũ. Bà con sinh ra và lớn lên trong lũ nên quen dần với lũ. Gặp phải thiên tai thì không chỉ đồng bào khắp nơi giúp đỡ mà những người đang gánh chịu hậu quả cũng biết cách chia sẻ, động viên, đùm bọc nhau giúp nhau gượng dậy” – ông Vân nói.

Căn nhà mới đang xây dựng kiên cố và khang trang của nhà chị Trương Thị Tình, ở Quảng Bình (ảnh Minh Tuấn)

Dọc các tuyến đường, băng qua các cánh đồng, rồi len lỏi khắp các đường quê chúng tôi mới thấy rõ sự “thay da đổi thịt” của vùng rốn lũ Đức Hóa khi chỉ mới 2 tháng trước những cánh đồng bạc phếch phơ sau lũ nay đã phũ một màu xanh của ruộng lúa. Đi sâu vào các làng quê xã Đức Hóa vào những ngày này, chúng tôi thấy bất ngờ bởi bộ mặt làng quê hồi sinh và đầy sức sống. Chỉ trong vòng 2 tháng sau ngày lũ đi qua, đâu đâu cũng có sự đổi thay rõ rệt. Chia tay vùng rốn lũ, qua những cánh đồng xanh mướt còn thoảng hương lúa, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người dân đang hăng say lao động, dù khó khăn còn đó bộn bề nhưng người dân vùng lũ vẫn lạc quan, gượng dậy trong cuộc sống.

Minh Tuấn -Anh Tú

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tro-lai-vung-ron-lu-nhung-ngay-giap-tet-201701241624344.htm