Trò lắt léo hô 'biến' đất giáo dục thành đất ở và thương mại (Bài 3)

'Việc sử dụng chữ ký 'khô' (dấu chữ ký) của GS Trần Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng HUBT để ký ban hành những văn bản có tính chỉ đạo cao nhất, phải chăng đang che giấu những sai phạm đang xảy ra tại HUBT và duy trì quyền lợi của một nhóm người. Điển hình là những sai phạm đang tồn tại ở HUBT và những khuất tất về tài chính khi HUBT tham gia vào dự án Khu liên hợp Khoa học – Đào tạo (LHKH-ĐT) tại phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (VEA) đứng trên danh nghĩa là cơ quan bảo trợ của HUBT' – đó chính là những băn khoăn, lo lắng của nhóm nhà đầu tư (có tổng số góp vốn trên 40%) của trường HUBT khi trao đổi với phóng viên Báo CAND.

Lấy đất trường phân lô, xây biệt thự?

Theo ông Lại Việt Hùng - Trưởng Ban liên lạc các nhà đầu tư HUBT, đại diện cho số cổ đông (có tổng số góp vốn trên 40%) của trường HUBT mặc dù từ năm 2018, HĐQT đã hết nhiệm kỳ nhưng HUBT không tổ chức được một cuộc họp nào để bầu lại HĐQT và hiện nay, GS Trần Phương vẫn mặc định là Chủ tịch HĐQT và Hiệu trưởng HUBT. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, HUBT phải chuyển đổi sang loại hình trường tư thục. Thế nhưng đến nay, HUBT vẫn không bầu được Hội đồng trường (HĐT), các nhà đầu tư vào HUBT từ những ngày đầu thì bị gạt ra ngoài bởi một nhóm người đang chi phối mọi hoạt động của HUBT hiện nay. Không những thế, những hoạt động của HUBT liên quan đến dự án của VEA tại phường Đình Bảng, TP Từ Sơn cũng đang gặp rắc rối.

Những căn biệt thự xây dựng trái phép mới được tháo dỡ hàng rào và liệu có được hợp thức hóa cho tồn tại?

Ông Nguyễn Ngọc Hùng – một nhà đầu tư của HUBT cho rằng: “Việc lợi dụng sức khỏe của GS Trần Phương và mối quan hệ gia đình, VEA đã điều chỉnh Dự án Khu LHKH-ĐT tại tỉnh Bắc Ninh để đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chuyển từ hình thức cấp đất không phải nộp tiền thuế sử dụng đất sang hình thức thuê đất. Việc làm này vừa để hợp thức hóa các sai phạm về sử dụng đất của VEA vừa lấy kinh phí của HUBT chi cho tiền thuê đất của VEA suốt từ năm 2014 đến nay, gây thất thoát lớn cho HUBT và làm méo mó chính sách ưu tiên xã hội hóa giáo dục của Đảng và Chính phủ”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, với danh nghĩa là cơ quan bảo trợ của HUBT, VEA được Bộ Kế hoạch - Đầu tư ban hành Văn bản số 2235/BKH-PC ngày 5/4/2007 về việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Khu LHKH-ĐT với mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất cho cơ sở II của HUBT (dự kiến đảm bảo cơ sở vật chất đào tạo cho khoảng 5.000-20.000 sinh viên năm 2020); trụ sở làm việc của Hội và các cơ sở trực thuộc; của các đơn vị thành viên; trung tâm nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu; khu nhà làm việc của các chuyên gia trong nước và nước ngoài… tại tỉnh Bắc Ninh) với tổng số vốn đầu tư 461 tỷ đồng; quy mô sử dụng đất khoảng 20ha.

Ngày 2/7/2007, UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định số 891/QĐ-UBND thu hồi hơn 199.434,5m2 đất tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn (nay là phường Đình Bảng, TP Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh giao cho VEA thực hiện dự án. Nguồn gốc sử dụng đất là đất nhà nước giao và không thu tiền sử dụng. Đến ngày 12/7/2007, UBND tỉnh Bắc Ninh cấp giấy chứng nhận đầu tư số 21-1-2-1-000 029 cho VEA thực hiện bằng nguồn vốn tự có và vốn đóng góp là 461 tỷ đồng (trong đó HUBT góp 300 tỷ đồng, các đơn vị thuộc VEA đóng góp 161 tỷ đồng); thời gian thực hiện dự án 50 năm kể từ ngày cấp phép và chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2006 - 2008) có số vốn đầu tư là 152 tỷ đồng để thực hiện chuẩn bị lập dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu LHKH-ĐT. Giai đoạn 2 (2008 - 2012) có số vốn đầu tư là 309 tỷ đồng tiếp tục thực hiện đầu tư, giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục công trình còn lại.

Đến ngày 24/5/2012, Sở Xây dựng Bắc Ninh có Quyết định số 107/QĐ-SXD phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu LHKH-ĐT tại TP Từ Sơn. Trong đó, Khu A: thuộc HUBT với diện tích 99.018m2; khu B: thuộc các Trung tâm thuộc VEA với diện tích 48.140m2; khu C: thuộc trường Cao đẳng Lý Công Uẩn với diện tích 56.858m2. Quá trình thực hiện dự án, VEA đã để xảy ra nhiều sai phạm, tự ý xây dựng một số hạng mục công trình không có trong hồ sơ thiết kế, không đúng quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích. Trước những sai phạm nói trên, ngày 31/12/2021, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Kết luận Thanh tra số 4363, trong đó kết luận việc quản lý và sử dụng đất dự án của VEA.

Cơ sở II của HUBT tại phường Đình Bảng, TP Từ Sơn.

Cụ thể, tại khu A thuộc đất giao cho HUBT đã vi phạm về quy hoạch. Tại thời điểm thanh tra có 13/14 lô đất đã thi công xây dựng, trong đó có 1 công trình xây dựng 2 dãy nhà mái ngói, tường gạch – phòng tập GYM… xây dựng trước khi có quy hoạch, không đúng với tổng mặt bằng được phê duyệt; ngoài ra có 5 công trình, hạng mục công trình xây dựng sau khi có quy hoạch chi tiết không đúng với quy hoạch chi tiết được duyệt.

Còn tại khu B, có 6 công trình đã xây dựng trên 3 lô đất (KH2, KH3, KH6) từ năm 2013-2019 không đúng quy hoạch, không đúng mục đích sử dụng, không có giấy phép xây dựng, không được thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, trong đó có 3 công trình xây dựng kiên cố (tại lô KH6), kiểu dáng biệt thự. Hiện trạng cho thấy, 3 căn nhà được xây dựng với mục đích là biệt thự để ở, trong khi đó chức năng sử dụng ô đất theo quy hoạch xây dựng là nhà làm việc.

Liệu có việc hợp thức hóa sai phạm?

Trở lại vấn đề về những sai phạm diễn ra tại dự án của VEA, vào năm 2019, quá trình quản lý nhà nước tại địa phương, khi phát hiện những sai phạm nêu trên, ngày 26/11/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với VEA. Trong đó, người đại diện là ông Nguyễn Quang Thái - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VEA. Cụ thể, chủ đầu tư đã vi phạm khi xây dựng tại khu B, khu C một số sân bóng đá, nhà tạm, hạng mục công trình 3 tầng không phù hợp quy hoạch. Đáng chú ý là việc tổ chức thi công xây dựng 3 công trình (3 - 4 tầng) kiểu dáng biệt thự sai quy hoạch chi tiết. Hình thức xử phạt bằng tiền, với 110 triệu đồng, và buộc tháo dỡ công trình vi phạm...

Ngày 23/4, khi phóng viên Báo CAND trở lại khu đất dự án của VEA, những công trình vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại. Điển hình là 3 căn biệt thự nói trên. Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Trọng Tuấn – Phó trưởng phòng Quản lý đô thị TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh cho biết, kể từ sau khi có Kết luận Thanh tra của tỉnh Bắc Ninh về những sai phạm tại khu đất dự án của VEA, một số công trình cũng đã được thực hiện tháo dỡ. Đối với 3 căn biệt thự được xác định xây dựng có chức năng làm nhà ở không đúng với quy hoạch, trước đó bên ngoài treo biển các trung tâm vẫn còn tồn tại, chưa bị xử lý, khắc phục về hiện trạng ban đầu.

Một trong 3 căn biệt thự xây dựng sai quy hoạch chi tiết tại khu B vẫn còn tồn tại.

Lãnh đạo Đội Quản lý trật tự đô thị TP Từ Sơn cũng cho biết, hiện 3 công trình có kiểu dáng biệt thự đã được tháo dỡ các hàng rào xung quanh. Mới đây, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng có văn bản gửi Sở Xây dựng và VEA về việc đồng ý chủ trương điều chỉnh Khu LHKH-ĐT, hoán đổi một số vị trí công trình không làm thay đổi mục đích sử dụng của dự án nên 3 căn biệt thự này vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, việc xây dựng 3 căn biệt thự trên khu đất dự án của VEA không đúng với quy hoạch, không đúng với mục đích sử dụng nếu cứ để sai phạm xảy ra rồi được ưu ái chuyển đổi bằng một hình thức nào đó thì chẳng khác nào hợp thức hóa cho sai phạm?

Liên quan đến thông tin HUBT từng bỏ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở II tại Bắc Ninh, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Nguyễn Công Nghiệp – Phó hiệu trưởng thường trực HUBT cho biết, HUBT đầu tư vào cơ sở II này khoảng 400-500 tỷ đồng trước đó nhưng lâu nay không được đầu tư. “Đấy là đầu tư trước, đến nay mình cũng không biết là bao nhiêu tỷ đồng nữa vì từ khi mình tiếp quản trường thì hồ sơ nó ở đâu mình có biết?”. Ông Nguyễn Công Nghiệp cũng cho biết, tiền của trường đầu tư vào có sở II là tiền của các nhà đầu tư. Hiện toàn bộ khu đất này bị đóng băng xây dựng vì VEA đang nợ 37 tỷ đồng tiền thuế. Do giấy chứng nhận cấp cho VEA nên trường cũng không thể làm được gì.

Đối với nội dung vì sao trường phải nộp thuế và nợ thuế khi đã bỏ ra một khoản tiền lớn 400-500 tỷ đồng mà vẫn phải trả tiền “thuê” đất cho VEA thì ông Nguyễn Công Nghiệp cũng như luật sư đại diện cho GS Trần Phương giải thích, trước kia tỉnh Bắc Ninh thực hiện cơ chế mở cửa, trải thảm cho các nhà đầu tư, trong đó lĩnh vực giáo dục được sử dụng cơ chế ưu đãi, giao đất không thu tiền. Tuy nhiên, sau khi Luật Đất đai năm 2013 thông qua thì tỉnh Bắc Ninh yêu cầu VEA phải trả tiền thuê đất. Nhưng giá thuê đất như thế nào thì vẫn chưa thống nhất được.

Có thể thấy, ngoài những sai phạm đang xảy ra tại HUBT như Báo CAND đã có loạt bài viết thì ngay trong đơn vị bảo trợ cho HUBT là VEA cũng lùm xùm nhiều sai phạm. Cùng với những vi phạm về quản lý đất đai, xây dựng thì sau khi được giao đất thực hiện dự án, VEA cũng đã kêu gọi nhiều cá nhân góp tiền để được cấp 500m2 đất, với giá tại thời điểm VEA kêu gọi (2008) hơn 1 tỷ đồng/suất để xây biệt thự. Tuy nhiên, sau khi vụ việc bị phanh phui, mới đây 16 công dân đã làm đơn tố cáo VEA có dấu hiệu lừa đảo. Vụ việc cũng đã được các công dân làm đơn gửi đến cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Ninh, trong đó có Công an tỉnh Bắc Ninh.

Trước đây, VEA với danh nghĩa là cơ quan bảo trợ của HUBT, còn hiện nay giữa VEA và HUBT có quan hệ như thế nào? Những sai phạm xảy ra tại đây liệu có liên quan gì đến HUBT, nhất là trong việc nợ thuế sử dụng đất, hiện HUBT phải chịu trách nhiệm gì? Để làm rõ sự việc, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện các nội dung liên quan nêu trên.

Quang Trường

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/tro-lat-leo-ho-bien-dat-giao-duc-thanh-dat-o-va-thuong-mai-bai-3--i730653/