Trở ngại và cơ hội song hành trong nền kinh tế

Bình luận về tình hình kinh tế ở thời điểm hiện tại, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đánh giá kinh tế Việt Nam bước qua quý I với nhiều điểm sáng tích cực. Tuy vậy, nền kinh tế vẫn còn những trở ngại cần phải được giải quyết như đầu tư tư nhân, thị trường bất động sản, tốc độ tăng tiêu dùng…

- Điều gì khiến ông ấn tượng ở bức tranh kinh tế quý I?

Các chỉ số vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, vốn FDI đăng ký mới tăng gần 40%, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) duy trì trên ở mốc 50 điểm… Dự báo của các tổ chức quốc tế như Bloomberg, Fitch Rating, Standard & Chartered đều đánh giá tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay từ 6% - 6,7%, tương đồng với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra từ 6% - 6,5%.

Về phía thị trường chứng khoán, VN-Index đang có giai đoạn phục hồi tốt lên gần 1.300 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 8/2022. Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể với nhiều phiên giao dịch “tỷ USD”, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư về sự hồi phục của kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu sôi động ở một số khu vực, một số dự án lớn sau thời gian dài chờ đợi đã bắt đầu công tác bán hàng.

Giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam đã trôi qua. Đây là giai đoạn vô cùng thú vị, giai đoạn nói nhiều nhất về thay đổi thách thức phát triển, bền vững, bao trùm, sáng tạo. Một bên là trở ngại và một bên là cơ hội chưa từng có trong lịch sử, trước khủng hoảng nghĩ tới vượt qua giờ thì nghĩ thế nào về thử thách. Đây là giai đoạn cần nắm bắt cơ hội để vượt qua và bứt quá, thể hiện khó khăn và trở ngại. Đây cũng là giai đoạn có hàng loạt điểm tích cực “chưa từng có” của nền kinh tế.

- Ông có thể nói rõ hơn về những điểm tích cực chưa từng có?

Đó là nguy cơ suy thoái của các đối tác thương mại, tài chính, đầu tư lớn nhất của Việt Nam đã giảm về mức thấp, lạm phát giảm nhanh nên áp lực lên chính sách tiền tệ sẽ giảm. Bên cạnh đó, xu thế phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ… đang rất mạnh mẽ. Trong khi đó Việt Nam lại đang là chủ thể được hưởng lợi lớn nhất vì sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn đầu. Hiện nay Việt Nam vẫn giữ vững lãi suất điều hành, tài chính tiền tệ tốt lên, tỷ giá dù có biến động nhưng vẫn trong tầm kiểm soát và vấn đề mất giá của VND ở quanh mức thấp, chỉ từ 3% trở xuống.

Một điểm tích cực khác là xuất khẩu tăng rất mạnh, từ âm năm trước đã bắt đầu tăng trở lại. Công nghiệp chế biến chế tạo quay trở lại trở thành động lực tăng trưởng cho thị trường. Bên cạnh đó, đầu tư FDI rất tích cực. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 6,17 tỷ USD vốn FDI, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.

TS Võ Trí Thành

- Trong bức tranh tích cực đó, liệu có còn điểm “xám” nào không, thưa ông?

Hiện nay, vẫn còn những vấn đề đáng quan ngại cần phải được giải quyết như đầu tư tư nhân, thị trường bất động sản, tốc độ tăng tiêu dùng…

Với thị trường bất động sản, dù Chính phủ có nỗ lực lớn nhưng chưa hồi phục. Trong giai đoạn này, dù doanh nghiệp hay nhà đầu tư, nhà điều hành chính sách cũng đều phải có công cụ phòng thủ và biết nhặt nhạnh cơ hội để vượt khó, không được quên nắm bắt xu thế số, xanh. Chuyển biến về hành động, đừng quá bi quan, mà hãy nắm bắt cơ hội để vượt thách thức, từ đó giúp doanh nghiệp mình, giúp đất nước.

Đặc biệt là đầu tư tư nhân, khu vực này đang bị chững lại, thậm chí có phần suy giảm. Đằng sau đó là số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã tăng đáng kể trong quý I vừa qua, xu hướng tăng này cũng đã xuất hiện từ cuối năm 2023. Đây không chỉ đơn giản là câu chuyện số lượng doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường mà hơn hết là vấn đề cạnh tranh cũng như khả năng phát triển.

Sự sụt giảm này xuất phát từ những hạn chế nội tại của các doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, chính sự liên kết, lan tỏa giữa các doanh nghiệp dẫn dắt như FDI, hay giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất hạn chế. Như vậy, bài toán đề ra đối với nhà nước, doanh nghiệp là rất lớn, từ nhận thức về vai trò của đầu tư tư nhân cho đến các chính sách hỗ trợ; tuy đã được bàn tới nhiều lần, song vẫn còn nhiều bất cập, chậm trễ cả về số lượng lẫn chất lượng.

- Giai đoạn từ nay tới cuối năm 2024, ông kỳ vọng những lĩnh vực nào có thể tăng trưởng tích cực?

Lĩnh vực đầu tiên thấy rõ sự tăng trưởng tốt của nông nghiệp. Một số nông sản có sức bật tốt là gạo, thanh long, sầu riêng. Điều này có được là nhờ những thị trường xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng tiêu dùng tăng trở lại. Trong đó, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Khi thị trường Trung Quốc tốt lên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng sẽ tốt theo.

Sau nông nghiệp là công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực này tiếp tục có triển vọng tăng trưởng tích cực hơn; đơn hàng của một số ngành đã tăng trở lại, đơn cử như dệt may, năm nay, dệt may đặt mục tiêu có giá trị xuất khẩu như mức năm 2019. Bên cạnh đó, một lĩnh vực đang được nhiều người kỳ vọng ấm trở lại là bất động sản. Hiện nay, một nhóm cho rằng bất động sản có thể “hửng nắng” hơn vào cuối năm nay, một nhóm khác thì bi quan hơn chút, cho rằng phải sang 2025. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn vừa rồi, vẫn có một phân khúc tăng trưởng tốt, như bất động sản công nghiệp.

- Vậy, với các doanh nghiệp, ông có khuyến nghị gì ở thời điểm hiện tại?

Điều quan trọng nhất với doanh nghiệp lúc này là phải làm thế nào để vừa vượt khó, vừa bắt nhịp với xu thế như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số…

Với câu chuyện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp phải thay đổi nhận thức. Thời gian qua, việc chuyển dịch các mô hình kinh tế đã có nhiều tiến triển tích cực cả về hạ tầng, hoạch định chính sách và sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp. Câu chuyện không chỉ dừng lại là những cam kết chính trị, chiến lược mà còn là câu chuyện thị trường, liên quan đến sự “sống còn” của doanh nghiệp. Điều này là tất yếu, xuất phát từ những đòi hỏi ngày một khắt khe hơn của người tiêu dùng, từ những tiêu chuẩn, quy định mà các quốc gia nhập khẩu trên thế giới đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam.

Song, đây không phải vấn đề đơn giản, đòi hỏi cả về công nghệ lẫn nguồn vốn. Qua đó, có thể thấy những chính sách của nhà nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo… giúp doanh nghiệp có thể bứt lên được.

TS Võ Trí Thành

Vân Trang

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/tro-ngai-va-co-hoi-song-hanh-trong-nen-kinh-te-d110149.html