'Trốn' đánh giá tác động môi trường

Một vụ việc đang gây nhiều chú ý của dư luận những ngày qua là Dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa tại Sơn Trà, Đà Nẵng của Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa phải dừng thi công công trình các biệt thự.

Một trong các lý do bị dừng thi công là công trình xây không phép và chưa được phê duyệt về Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Đáng nói, đây là một địa điểm có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, sinh thái, phát triển du lịch...

Trước đó, đầu tháng 3/2017, Dự án JA Solar chuyên sản xuất tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) của nhà đầu tư JA Solar Investment Limited (Hồng Kông- Trung Quốc) cũng đã dừng thi công sau khi một số bài báo đưa tin Dự án chưa có ĐTM sau nhiều tháng khởi công. Đây là dự án lớn với tổng vốn đầu tư 6.235 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng khoảng 20ha.

Hai dự án trên đều có điểm chung, nếu Dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, sau nhiều ngày thi công cày xới cả vùng rừng mới bị... “một người đi ra biển câu cá phát hiện xây trái phép” rồi cơ quan chức năng mới vào cuộc thì Dự án JA Solar cũng được khởi công khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chưa được Bộ Tài nguyên môi trường phê duyệt phương án ĐTM. Có thấy, hai trường hợp trên không phải là cá biệt trong thời gian qua. Đó còn là chưa kể nhiều dự án có ĐTM nhưng khi đi vào hoạt động đã gây những hậu quả lớn về môi trường do việc ĐTM quá sơ sài.

Bảo vệ môi trường đang là vấn đề nóng, cấp bách của nền kinh tế và toàn xã hội. Bởi những gì diễn ra liên quan đến việc gây ô nhiễm môi trường cho thấy, ô nhiễm môi trường có thể kéo giảm mức tăng trưởng GDP và cái giá phải trả về sau là rất lớn. Không chỉ là vấn đề kinh tế, bảo vệ mô trường, mà còn là vấn đề đảm bảo an sinh, ổn định xã hội, bảo vệ sự phát triển bền vững của nền kinh tế, giống nòi dân tộc... Do đó, kiểm soát ô nhiễm môi trường trong sản xuất là hoạt động trọng yếu trong phát triển kinh tế.

Việc “trốn” ĐTM có nguyên nhân trực tiếp từ phía các doanh nghiệp. Doanh nghiệp vì giảm bớt chi phí, vì khó giải trình phương án sản xuất có mức gây hại cao về môi trường nên cố tình trốn tránh. Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng vẫn là cơ quan hữu quan, nếu các cơ quan buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, bao che cho những thiếu sót, sai phạm của doanh nghiệp thì môi trường mà thực tế là con người sẽ sớm phải trả giá đắt khi những sự cố xảy ra. Trong bối cảnh, nền kinh tế đang không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, không chỉ vấn đề ĐTM mà việc bảo vệ môi trường trong toàn quá trình hoạt động của doanh nghiệp cần được chú trọng gấp bội. Những bài học lớn về môi trường đã có, còn hiện hữu, những hậu quả đau sót đã xảy ra. Chúng ta cần xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cố tình vi phạm về môi trường, không để việc sinh lợi trên sự nguy hại có thể xảy ra với cộng đồng và cả nền kinh tế.

Văn Bắc

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tron-danh-gia-tac-dong-moi-truong.aspx