'Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân'!

Lực lượng Nhân dân có một sức mạnh vĩ đại, mà nhờ đó, dân tộc Việt Nam đã vượt qua vô vàn cuộc tranh đấu gian khổ, ác liệt để giành, giữ nền độc lập. Do vậy, đối với dân tộc ta, quan điểm 'nước lấy dân làm gốc' đã trở thành chân lý. Và chân lý ấy đã được kế thừa và phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh: 'Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền Nhân dân'!

Nhà sàn Bác Hồ - một biểu tượng cho nếp sống giản dị mà thanh cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Khôi Nguyên

Trong trường kỳ dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đã có rất nhiều minh chứng sinh động và thuyết phục về sức mạnh vô địch của Nhân dân. Đó là truyền thuyết về cậu bé làng Phù Đổng vụt lớn lên để đánh đuổi giặc Ân. Câu chuyện dẫu đượm màu thần thoại, nhưng vẫn có cái lõi lịch sử của nó. Và hơn hết, đó là biểu tượng rực rỡ về sức mạnh Nhân dân mà ta có thể tìm thấy khi “bóc” đi lớp ngoài thần thoại. Rồi từ thế kỷ II TrCN, nước ta rơi vào thảm họa ngoại xâm, khi bị phong kiến phương Bắc đô hộ. Song, suốt nghìn năm Bắc thuộc đằng đẵng, Nhân dân ta vẫn luôn bất khuất, kiên cường, bền bỉ đấu tranh để bảo tồn giống nòi, giữ gìn văn hóa và quyết giành lại độc lập dân tộc. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, quân dân Đại Việt tiếp tục cầm vũ khí đánh giặc giữ nước, với vô vàn chiến công hiển hách. Đó là 3 lần kháng chiến chống Mông - Nguyên (1258, 1285, 1288) dưới thời Trần, gắn với tên tuổi vị thống soái kiệt xuất Trần Quốc Tuấn. Đó là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) do Lê Lợi lãnh đạo, lật đổ ách thống trị của nhà Minh, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc và đưa nước Đại Việt viết tiếp những trang sử mới của kỷ nguyên “Mở nền muôn thuở thái bình”...

Có thể nói, lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua không ít thăng trầm, có lúc thịnh có khi suy. Song, có một điều đã trở thành lẽ tất yếu, đã ngấm sâu vào cội nguồn truyền thống dân tộc, đó là khi đất nước đứng trước họa ngoại xâm, thì Nhân dân ta sẽ kiên cường đứng lên tranh đấu, quyết giành lại nền độc lập. Đó là sức mạnh của tinh thần yêu nước nồng nàn mà “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Đó cũng chính là sức mạnh từ tinh thần đại đoàn kết, được kết tinh từ ý thức sâu sắc, tình cảm cao đẹp và thiêng liêng của bao thế hệ người Việt Nam, rằng “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”!

Chủ tịch Hồ Chí Minh - biểu tượng cao đẹp và ngời sáng nhất về tinh thần yêu nước nồng nàn - từng bày tỏ: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trước cảnh nước mất nhà tan, lại mang trong mình một trái tim yêu nước nhất, Người đã quyết tâm “tìm đường đi cho dân tộc theo đi” - con đường cứu nước, cứu dân dưới ánh sáng của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Trên hành trình ấy, thấm nhuần quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng Nhân dân trong lịch sử và với tình thương yêu, kính trọng, tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh và năng lực sáng tạo vô tận của con người, Hồ Chí Minh cho rằng: “Nhân dân là lực lượng quyết định sự thành bại của cách mạng”. Từ đó, Người đi đến khẳng định, dù trong cách mạng giải phóng dân tộc hay trong sự nghiệp xây dựng CNXH, có lực lượng của Nhân dân thì việc khó mấy, to mấy cũng làm được: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Và thực tế, thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tiếp đó là 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, là minh chứng hùng hồn nhất cho chân lý về sức mạnh vô địch của Nhân dân mà Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin.

Có thể khẳng định, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong Tư tưởng Hồ Chí Minh chính là niềm tin vào sức mạnh của Nhân dân. Bởi, “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”. Do đó, “trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của Nhân dân”. Đây chính là bản chất của chữ “thiện” với hàm nghĩa “tốt đẹp” đã được Người luôn luôn thực hành trong suốt cuộc đời mình. Khơi dậy sức mạnh của Nhân dân phải song hành với việc chăm lo cho dân. Đó là phương pháp luận duy vật biện chứng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ và Người coi việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cách mạng. Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa còn non trẻ, với vô số vấn đề cần giải quyết, song ngay tại kỳ họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (ngày 10/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Chúng ta đã hy sinh phấn đấu để giành độc lập. Chúng ta đã tranh được rồi... Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.

Để khơi dậy sức dân cần chăm lo cho dân, nhưng đồng thời phải luôn luôn ý thức tôn trọng Nhân dân. Bởi, “Ý dân là ý trời. Làm đúng ý nguyện của dân thì ắt thành. Làm trái ý nguyện của dân thì ắt bại”. Cho nên, “Đối với dân ta đừng có làm điều gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy”. Trước hết, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên phải hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, yêu kính Nhân dân, thật sự tôn trọng Nhân dân. Người nhiều lần chỉ rõ: “Làm cán bộ tức là suốt đời làm đày tớ trung thành của Nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”. Đồng thời, “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là Nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ Trung ương, đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của Nhân dân”.

Ngày nay, khi Đảng ta đang ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng để tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thì càng phải thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Muốn vậy, phải luôn luôn “theo đúng đường lối Nhân dân”, đặt Nhân dân vào trung tâm của mọi sự phát triển. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của Nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục Nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”.

...

Tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của Nhân dân là sự biểu hiện sinh động cho tinh thần nhân văn, nhân ái tỏa ra từ đạo đức, nhân văn, nhân ái Hồ Chí Minh. Để rồi, tinh thần và giá trị nhân văn - mà cốt lõi là vì con người, do con người hay vì dân, do dân- trong Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ mãi là bài học vô giá, là kim chỉ nam để Đảng ta đoàn kết sức mạnh Nhân dân vào mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/trong-bau-troi-khong-gi-quy-bang-nhan-dan-214514.htm