Trồng quả 'sạch' ở Cao Viên

Dọc theo bờ tả sông Đáy, cánh đồng bãi của xã Cao Viên, huyện Thanh Oai trải dài một màu xanh bởi những vườn táo, cam, bưởi sai lúc lỉu. Từ nhiều năm nay, nông dân Cao Viên đã nổi tiếng với nghề trồng quả “sạch” cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có những loại quả mà việc lai tạo, chăm sóc đã được nâng thành nghệ thuật…

Tận dụng nguồn phân bón “sạch”

Thời điểm này, nông dân Cao Viên đang tập trung chăm sóc cây cho vụ quả cuối năm để phục vụ Tết Nguyên đán nên công việc bận rộn hơn thường lệ. Gặp chúng tôi, ông Đào Ngọc Bích vui vẻ: “Vụ quả năm nay chắc thắng. Theo kinh nghiệm thì cây táo phát triển tốt, không có sâu bệnh, quả ra sai trĩu cành như thế này thì đến Tết là được thu hoạch với năng suất cao, chất lượng quả tốt!”. Người nông dân có dáng vẻ gầy gò, làn da sạm màu sương gió nở nụ cười sảng khoái. Điều ông Bích tâm đắc nhất là song hành với hiệu quả kinh tế, tăng năng suất cây trồng, nông dân Cao Viên đã chọn hướng sản xuất nông sản sạch.

Người dân xã Cao Viên chăm sóc bưởi Diễn phục vụ thị trường Tết.

Ông Bích dẫn chúng tôi đi xem một bể ngâm đỗ tương trong khu vườn: “Ở đây vườn nhà nào cũng xây dựng một bể để ngâm đỗ tương hoặc ngô làm phân bón cho các loại cây ăn quả như cam, táo, ổi và đu đủ. Đỗ tương có hàm lượng đạm cao và an toàn, cây không bị xót nếu quá liều lượng và không làm ảnh hưởng đến kết cấu đất như các loại phân hóa học” - ông Bích nói.

Sau khi kết thúc mùa vụ thu hoạch cây ăn quả, người làm vườn ở Cao Viên sẽ tận dụng diện tích đất trống trồng đỗ tương hoặc ngô, sau đó nghiền nát cả cây và ngâm trong bể khoảng 3 - 4 tháng để làm phân bón. “Nhà tôi có 3 sào táo giống Thái Lan và Đài Loan, dự kiến đạt năng suất 6 - 8 tạ/sào, hiệu quả kinh tế từ 15 đến 18 triệu đồng/sào. Chúng tôi chỉ trồng quả “sạch” nên được khách hàng rất ưa chuộng. Có người bán luôn cả vườn, có người bán lẻ nhưng cứ thu hoạch đến đâu hết ngay đến đó” - ông Bích cho biết thêm.

Ngoài ngâm đỗ tương và ngô, nông dân Cao Viên còn sáng tạo ra nhiều loại phân vi sinh khác cho hiệu quả tốt như mua tro bếp bón trực tiếp, ủ hoai mục phân gà, phân chim cút, ốc ngâm… Đặc biệt hơn, thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân Cao Viên thực hiện các biện pháp thủ công để diệt trừ sâu bệnh như dùng tay bắt sâu, bọ; dùng bẫy bắt ruồi vàng cho cây ổi; quét vôi gốc chống côn trùng; bọc quả bằng các loại giấy… Bên cạnh đó, phương pháp làm đất cũng được người dân đặc biệt chú trọng vì quy trình này quyết định nhiều đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây sau này.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Đỗ Thị Mùi (75 tuổi) đang cải tạo đất để trồng đu đủ, nói: “Mảnh đất được cày ải cách đây khá lâu, mấy ngày nay tôi dùng cuốc xới xáo, nhặt cỏ để bảo đảm đất được sạch nhất trước khi gieo cây. Làm đất sạch thế này trồng cây mới yên tâm, quả sử dụng được an toàn!”.

Mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng bãi rộng hàng chục héc ta, được phủ kín bởi các loại cây ăn quả, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Viên Đỗ Xuân Tâm nói: “Quả cam ở Cao Viên được công nhận là “cam an toàn” từ cách đây 5 năm. Vì thế, trong quy trình sản xuất nông sản an toàn, việc khai thác, sử dụng phân bón hữu cơ là một giải pháp để tạo ra sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt chú ý đến bảo vệ nguồn nước và bảo tồn tài nguyên đất”. Theo ông Tâm, trên địa bàn Cao Viên phân bón hữu cơ được sử dụng phổ biến. Đặc biệt, loại phân hữu cơ vi sinh vật nông dân Cao Viên đang “sản xuất” ngay tại vườn không gây ảnh hưởng xấu đến con người, động vật, môi trường sinh thái và chất lượng nông sản.

Ông Đỗ Tải (60 tuổi) có 5 sào đất đang trồng cây bưởi giống và trồng cây ăn quả như cam Canh, bưởi Diễn, đúc kết: “Trong điều kiện canh tác như hiện nay thì phân hữu cơ vi sinh rất cần cho cây trồng, kể cả cây ăn trái và cây lúa. Có nhiều tác dụng, nhưng dễ thấy nhất là hiệu quả kinh tế vì chúng tôi không phải bỏ ra nhiều tiền để mua phân bón, trong khi sử dụng lại bảo đảm an toàn cho cây trồng”. Những nông dân như ông Đỗ Tải ở Cao Viên không hề hiểu các tính chất vật lý, hóa học nhưng lại thấy rõ khi dùng phân bón do chính mình làm ra thì đất tăng chất mùn, xốp hơn giúp rễ cây phát triển nhanh hơn, cây có khả năng tăng độ chống chịu trước điều kiện thời tiết bất lợi.

Ông Lê Đức Giáp, người nông dân được coi là “phù thủy” trồng cây ăn quả ở Cao Viên, nổi tiếng với loại cây “ngũ - thất - cửu quả” bán trong dịp Tết cổ truyền, đã đưa nghề trồng cây ăn quả ở Cao Viên lên thành một nghệ thuật. Theo ông Giáp, để tạo ra loại cây đặc biệt này, người trồng phải chọn cây bưởi Diễn hoặc cam Canh làm gốc mẹ, sau đó sử dụng phương pháp ghép mắt để tạo ra một loại cây độc đáo mới lạ trên đó cùng mang 5 - 7 - 9 loại quả khác nhau. Ông chia sẻ: “Muốn trồng cây ngũ - thất - cửu quả, trước tiên cây mẹ phải khỏe, dáng cây đẹp. Trong quá trình trồng và chăm sóc phải tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng phân bón hữu cơ và các thao tác thủ công diệt trừ sâu bệnh”. Quá trình tạo ra một tác phẩm cây “ngũ - thất - cửu quả” được ông Giáp thực hiện với quy trình: Quả bưởi Diễn, cam Canh ghép từ tháng 5 (âm lịch); quả quất và quýt ghép tầm tháng 8, tháng 9; quả phật thủ ghép vào khoảng tháng 11, tháng 12…

Ông Giáp tâm niệm: “Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, thì cây "ngũ - thất - cửu quả" dùng trong dịp Tết cổ truyền mang yếu tố tâm linh, nên yêu cầu phải sạch và đẹp. Muốn được như vậy tôi phải sử dụng đất sạch, bón phân hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật”. Hơn nữa, cây cam Canh hoặc cây bưởi Diễn muốn dùng vào đúng dịp Tết buộc người trồng phải hãm để cây ra quả, chín đúng thời gian. “Khi đã hãm thì phải xử lý rễ, chuyển qua chuyển lại nhiều lần nên không thể sử dụng phân hóa học” - ông Giáp bật mí.

Xã Cao Viên hiện trồng được khoảng 60ha các loại cây ăn quả, nhiều nhất là cam, bưởi, đu đủ, táo, ổi. Nói về hiệu quả kinh tế, ông Đỗ Xuân Tâm cho biết: “Ít nhất cũng đạt bình quân khoảng 200 triệu đồng/ha, cao nhất phải lên đến 800 triệu đồng/ha”. Theo Chủ tịch UBND xã Cao Viên Đào Xuân Trường, việc cải tạo, nâng chất lượng vườn cây ăn quả trên địa bàn thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tới đây xã tiếp tục rà soát và đã quy hoạch thêm gần 30ha trồng cây ăn quả ở những khu vực đất cao, trồng lúa kém hiệu quả. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập huấn kỹ thuật, dạy nghề và khuyến cáo người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp, trong đó tập trung các giải pháp sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm theo các tiêu chuẩn sạch. Khó khăn nhất hiện nay ở Cao Viên là giao thông nội đồng và đường tưới tiêu chưa thuận lợi. Nếu khắc phục được những điểm yếu này, tin rằng việc trồng cây ăn quả của xã sẽ có thêm nhiều điều kiện để phát triển” - ông Trường nhấn mạnh.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/857769/trong-qua-sach-o-cao-vien