Trong thời đại thực dụng này, môn sử không có đất sống!

(Kienthuc.net.vn) - Môn sử bị xem nhẹ, nguyên nhân không phải như mọi người thường đổ tội cho sách giáo khoa và cách giảng dạy, mà vì trong thời đại thực dụng này, lịch sử không có "đất sống".

Thời gian vừa qua, nhiều người có tâm huyết với môn lịch sử dân tộc buồn vì học sinh quay lưng lại với môn học đó. Các vị cho nguyên nhân là do sách giáo khoa quá kinh điển, thầy giáo giảng khô khan giáo điều.

Theo ý kiến riêng của tôi, đã là một môn học trong nhà trường thì phải là kinh điển, phải là niên biểu, sự kiện; nên không thể nói bắt học sinh học quá nặng, mà phải bằng mọi cách để thuộc để nhớ. Nếu học sử không nhớ niên đại, không thuộc sự kiện, chỉ có lý luận chung chung, thì đâu còn là sử.

Đã bao giờ ta đặt câu hỏi: Học sinh học lịch sử để làm gì? Nếu trả lời câu hỏi này thỏa đáng thì lo gì học sinh không học lịch sử. Cho nên, nguyên nhân không phải như mọi người đã nêu trên; Sử bị xem nhẹ vì trong thời đại thực dụng này, lịch sử không có "đất sống".

Dạy Lịch sử bằng phương pháp nghe nhìn cho học sinh tiểu học.

Ngay ở lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng ít thấy bóng dáng lịch sử. Vào một hiệu sách nhân dân, tìm một cuốn tiểu thuyết lịch sử dân tộc, một tập truyện tranh về lịch sử thì quả là quá hiếm trong cái rừng sách ấy. Giở những trang báo tuần, báo tháng, báo ngày thấy nhan nhản những chuyện chân dài, chân ngắn, tiểu sử hoa hậu, người mẫu, nhưng rất ít báo dành trang cho lịch sử dân tộc.

Nghĩ cũng lại thật đáng buồn khi chứng kiến một lễ hội khai ấn đền Trần để tôn vinh những anh hùng liệt sĩ dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, dậy sóng Bạch Đằng đánh tan 50 vạn quân Nguyên Mông. Nhưng trong lễ hội ấy, người ta đâu cần tôn vinh lịch sử, mà cần bán được nhiều ấn, kiếm được nhiều tiền, núp dưới bóng tâm linh.

Thực trạng xã hội đối với môn Sử là thế, sao ta lại chỉ buồn phiền và phàn nàn các cháu học sinh thờ ơ với môn lịch sử, trong khi người lớn còn chưa quan tâm đến?

Cho nên môn Lịch sử không chỉ là môn học trong nhà trường, học để đi thi mà nó là vấn đề xã hội học. Đã đến lúc chúng ta phải phổ biến sâu rộng lịch sử 4.000 năm "dựng nước và giữ nước" để thấy được những chiến công lẫy lừng: Chi Lăng, Bạch Đằng, Ngọc Hồi, Đống Đa, Điện Biên sáng chói, để chúng ta có thể ngẩng cao đầu tự hào là người Việt Nam.

Hưng Trà

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/trong-thoi-dai-thuc-dung-nay-mon-su-khong-co-dat-song-337399.html