Trục tam giác Mỹ - Nga - Trung: Ông Putin sẽ 'ngả về phe nào'?

Thực tế đã và đang chứng minh, với sự điềm tĩnh lạ thường, phong cách quyền uy và bí ẩn, Tổng thống Nga Putin đang là người mà các nguyên thủ phải tìm đến...

Sau những đồn thổi ồn ào về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ tài liệu tình báo nhạy cảm trong cuộc gặp mặt gần đây với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, một câu hỏi chưa có lời giải tiếp tục được đặt ra: Tại sao nhà lãnh đạo Mỹ luôn có thái độ bênh vực Nga trước những cáo buộc từ cộng đồng tình báo và phe nhóm chính trị trong nước?

Mối quan hệ Nga-Mỹ đã tạm gác lại những chủ đề về Syria, Ukraine để dồn hết sự chú ý vào cuộc điều tra nghi án can thiệp bầu cử và mối quan hệ “khó hiểu” giữa đội ngũ thân tín của Tổng thống Donald Trump với Điện Kremlin trong suốt vài tháng qua.

Tổng thống Trump muốn chung tay với người đồng cấp Putin nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp những lời cảnh báo xen lẫn chỉ trích, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn kiên định mục tiêu ban đầu là tăng cường hợp tác với Moscow trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

Nhưng hơn tất cả, theo chuyên gia phân tích cấp cao Alexander Gabuev từ trung tâm Carnegie Moscow, lý do Tổng thống Trump luôn dành sự ưu ái nhất định đối với Nga, không phải do nước này đã giúp đỡ ông thắng cử giống như những lời cáo buộc gần đây, mà thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ muốn cùng người đồng cấp Putin chung tay kiềm chế sức mạnh trỗi dậy từ Trung Quốc.

Trong một số báo cáo gần đây được Reuters tiết lộ, một trong những chủ đề quan trọng trong các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa đội ngũ cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump và các đối tác Nga, chính là làm thế nào để ngăn chặn sự vượt mặt của cường quốc châu Á Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự cạnh tranh vị thế toàn cầu.

Theo chuyên gia Gabuev, có vẻ như chính quyền Trump đang thiết lập khuôn mẫu ngoại giao tam giác nổi tiếng của Henry Kissinger trong cách tiếp cận quan hệ với Nga và Trung Quốc. Khi Richard Nixon có chuyến thăm đến Trung Quốc vào năm 1972, nhà lãnh đạo này đã mang theo ý tưởng cốt lõi trong chính sách ngoại giao của Washington khi ấy là tìm kiếm “lợi ích góc cạnh của tam giác”.

Theo đó, việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và một “góc tam giác” sẽ mang đến hiệu quả và dễ quản lý hơn rất nhiều so với việc cố gắng cân bằng quan hệ chông chênh với cả hai.

Một số cố vấn chiến lược Nhà Trắng tin rằng, hiện tại là thời điểm tốt nhất cho nỗ lực phá vỡ trục mới nổi giữa Bắc Kinh và Moscow. Tuy nhiên, cách tiếp cận này được cho là chưa đánh giá đúng quan hệ thực chất giữa hai cường quốc.

Hợp tác Nga - Trung đã có bề dày nhất định.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc không chỉ sao chép các công nghệ quân sự nhạy cảm của Nga mà gần đây còn tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng ra Trung Á, thông qua sáng kiến “Vành đai Con đường” – kế hoạch vốn được cho là sẽ tác động lớn đến vị thế ảnh hưởng của Moscow ở khu vực này. Đây là một trong số nhiều lý do Chính phủ Putin dù luôn nhấn mạnh sự hợp tác toàn diện, nhưng lại ngần ngại trong việc có những đồng thuận lớn với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Gabuev, suy nghĩ của đội ngũ cố vấn Nhà Trắng là sai lầm. Nếu được chọn, Moscow sẽ chìa cánh tay về phía Bắc Kinh thay vì lời mời chào hấp dẫn từ Washington. Điều này xuất phát từ việc hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga có nhiều điểm chung hơn trong tầm nhìn về các vấn đề toàn cầu, trong khi Mỹ quá khác biệt.

Cả Nga và Trung Quốc đều thống nhất sự hình thành một trật tự quốc tế mà ở đó, các quốc gia có sự độc lập và không chịu sự can thiệp của nước ngoài.

Do đó “Tổng thống Putin sẽ không làm hại lợi ích của Trung Quốc dù chỉ là một ngón tay”, chỉ để đổi lại sự hài lòng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, chuyên gia Gabuev đánh giá.

Và lý do quan trọng hơn cả, Điện Kremlin nhận thức được những áp lực không lường trước trong hệ thống chính trị nước Mỹ.

Không giống như Washington, một Trung Quốc với nền chính trị ổn định đã luôn đi theo một chính sách đối ngoại nhất quán từ nhiều năm - điều mà Nga thấy cần thiết ở một đối tác.

Nga, tất nhiên, nhận thức được họ còn nhiều bất đồng trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng về cơ bản nước này vẫn chấp nhận những gì mà cả hai đang có hiện tại.

Tuy nhiên, thực tế, sự biến hóa khôn lường trên chính trường quốc tế vẫn còn phải nhìn vào từng tình huống cụ thể mà đánh giá lợi, hại.

Quốc Vinh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ke-hoach-gan-nga-ep-trung-cua-tong-thong-trump-som-that-bai-a327270.html