Trump đang hối thúc 'mua hàng Mỹ', nhưng khách hàng không quan tâm

Cathy Paraggio luôn kiểm tra nhãn mác trên những thứ cô mua: nó được sản xuất ở Trung Quốc? Việt Nam? Bangladesh? Mexico? Hay Mỹ?

Cô là một tín đồ lớn trong phong trào "Made in the USA" (Làm tại Mỹ) từ cả trước khi tổng thống Trump bắt đầu nói với nước này là "mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ".

Vào năm 2012, Paraggio tung ra một nhãn hiệu áo tắm nam gọi là NoNetz. Nó làm cho đồ bơi ngăn ngừa chà xát và phát ban. Paraggio tự hứa sẽ làm những bộ đồ ở Mỹ. Cô tìm thấy một nhà máy dệt ở Brooklyn, MCM Enterprise, có thể nhận làm việc.

Chỉ có một vấn đề: Mất 23 USD để làm 1 bộ đồ ở Brooklyn trong khi làm ở Trung Quốc và vận chuyển đến văn phòng của Paraggio thì chỉ tốn 10 USD.

Sản xuất ở Mỹ "làm tôi giống như một người kinh doanh tồi," Paraggio nói với CNNMoney. Nhưng cô vẫn chọn Brooklyn. Cô nghĩ, chắc chắn, khách hàng sẽ thích nhãn "Made in the USA" hơn.

Đó không phải là những gì đã xảy ra.

Paraggio, người vừa mới đặt một số bộ đồ ở Trung Quốc lần đầu tiên sau khi Daymond John của chương trình Shark Tank thẳng thắn khuyên cô về điểm mấu chốt thực tế. Vì vậy cô đã đặt hàng. Và khóc.

Ông Trump thường xuyên nhắc đến việc mua hàng Mỹ - "Buy American". Ông đề cập trong bài diễn văn nhậm chức. Ông nói trong bài diễn văn đầu tiên trước Quốc hội (hơn 47 triệu người theo dõi). Ông từng coi đó là một điểm chính trong chiến dịch tranh cử.

Nhưng trở ngại lớn nhất với tầm nhìn của ông Trump có thể chính là người mua hàng ở Mỹ, vì họ luôn tìm kiếm một món hời.

Người Mỹ quan tâm nhất về giá cả

Trong mọi khảo sát, người Mỹ đều nói rằng họ thích mua các sản phẩm "Made in the USA". Nhưng khi thực sự chi tiêu, sự lựa chọn của họ lại là một câu chuyện khác.

"Người tiêu dùng lúc nào cũng ủng hộ Made in America cho đến khi họ phải trả tiền", Greg Portell, đối tác của công ty tư vấn A.T. Kearney chuyên về tư vấn cho các hãng bán lẻ nói.

Người ta đã quen với giá rẻ sau nhiều năm mua sắm tại các nhà bán lẻ giảm giá như Walmart (WMT) và Target (TGT). Nói chung, họ chỉ mua đồ Mỹ nếu không tốn kém nhiều hơn sản phẩm từ Trung Quốc, Đức hoặc Bangladesh.

Paraggio đã tận mắt nhìn thấy xu hướng này trong việc kinh doanh của mình. Cô nhận được hai ý kiến thường xuyên từ khách hàng: Họ yêu thích sản phẩm, nhưng tại sao đồ tốn quá nhiều tiền?

"Nếu đồ sản xuất tại Mỹ, chúng ta sẽ phải trả thêm" Cathy Paraggio, CEO NoNetz nói

Một cuộc thăm dò của Liên đoàn Báo chí GFK năm ngoái cho thấy gần 75% muốn mua đồ Mỹ. Nhưng sở thích đầu tiên của họ là mua mặt hàng rẻ hơn. Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), đã nghiên cứu vấn đề này trong nhiều năm, cho rằng chuyện phức tạp hơn một chút. Khi người ta đi đến cửa hàng, họ cũng xem xét chất lượng.

85% người tiêu dùng Mỹ nghĩ rằng các sản phẩm do Mỹ sản xuất có chất lượng tốt hơn so với sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài, BCG phát hiện. Và họ sẵn sàng trả giá cao cho một số sản phẩm được sản xuất tại Mỹ. Đối với sữa bột trẻ em, họ sẽ trả nhiều hơn. Đối với giày thì không.

"Quần áo là một trong những thứ rất khó để mang về nước. Đó là một con đường khó khăn" Hal Sirkin, một đối tác cao cấp tại BCG nói.

Nhìn chung, BCG ước tính các công ty có thể tính phí lên đến khoảng 5% nhiều hơn cho hàng sản xuất tại Mỹ.

Các doanh nghiệp phản ứng với điểm mấu chốt

Ông Trump chắc chắn hiểu được bài toán lao động này. Một số dòng quần áo của ông được sản xuất tại Trung Quốc.

Chung Yu sở hữu nhà máy ở Brooklyn, nơi Paraggio đang sản xuất áo tắm NoNetz. Anh đã làm trong ngành may mặc được 35 năm, nhưng anh lo lắng về việc kinh doanh tại thời điểm New York nâng mức lương tối thiểu. Tại thành phố New York, chủ lao động có số nhân viên từ 11 người trở lên phải trả 11 USD/giờ. Mốc đó sẽ tăng lên đến 15 USD/giờ vào cuối năm 2018.

"Ở Trung Quốc, giá chỉ là 2 đô la hoặc 3 đô la một giờ. Và thậm chí cả Trung Quốc cũng đang trở nên quá đắt. Các hãng bán lẻ đang chuyển sang các nước như Bangladesh ", Yu giải thích.

Nhà máy của Yu vẫn còn khá bận rộn, nhưng gần như tất cả các đơn đặt hàng đều nhỏ, chỉ khoảng 300 mặt hàng hoặc ít hơn. Hầu hết khách hàng của ông là những doanh nghiệp nhỏ như NoNetz. Ngay khi đạt đến một quy mô nhất định, họ thường chuyển việc sản xuất ra nước ngoài.

"Mọi người nghĩ rằng Made in America có chất lượng tốt hơn, nhưng điều đó không đúng," Yu thẳng thắn nói. "Tất cả phụ thuộc vào chất lượng của máy móc và người lao động".

Yu không nói mình từng bầu cho ai, nhưng biết ơn ông Trump, vì mọi người trong ngành của ông đều đang nói về việc "sản xuất tại Mỹ" một lần nữa.

"Khi chúng tôi nghe nói Trump sẽ đưa sản xuất trở lại, chúng tôi rất phấn khích," Yu nói với CNNMoney. "Nhưng chúng tôi phải xem ông ấy sẽ thực hiện như thế nào".

Chung Yu sở hữu một nhà máy ở Brooklyn

Điều gì có thể trở lại Mỹ

Có rất nhiều cuộc tranh luận về việc liệu Trump có thể mang sản xuất, chứ chưa nói đến mang việc làm, trở lại Mỹ. Robot và tự động hóa cũng đã lấy một số (nếu không phải là một phần lớn việc làm - Đại học Ball State nói rằng 88% việc làm trong ngành sản xuất mất đi là do tự động hóa).

Các chuyên gia nói rằng cần nhiều hơn một chiến dịch vận động "mua hàng Mỹ" để làm cho việc này xảy ra.

Nghiên cứu của BCG cho thấy một số ngành công nghiệp đã chín muồi hơn để trở lại Mỹ so với các ngành khác. Thực tế là tiền lương đã tăng lên ở Trung Quốc và các nơi khác trên thế giới, làm cho việc sản xuất một số sản phẩm ở đó ít hấp dẫn hơn.

"Máy vi tính và thiết bị đang ở đỉnh điểm", Sirkin nói. "Chúng tôi thấy chi phí sản xuất ở nước ngoài đã tăng lên trong các ngành công nghiệp đó."

Quần áo, tuy nhiên, là một trong những mặt hàng ít có khả năng trở lại nhất, BCG nhận ra.

"Làm thế nào mà bạn có thể mua quần đùi với giá 5 USD mà sản xuất ở đây? Bạn hoàn toàn không thể, tôi thử rồi", Paraggio than thở.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/trump-dang-hoi-thuc-mua-hang-my-nhung-khach-hang-khong-quan-tam-20170314040152494p145c153.news