Trump vượt Obama, trở thành 'tổng thống mạng xã hội'

Donald Trump đã vượt qua danh hiệu “tổng thống Facebook” mà ông Obama giành được 8 năm trước nhờ sử dụng hiệu quả mạng xã hội theo cách không giống ai.

Vài ngày trước bầu cử, Donald Trump kiềm chế một cách đáng ngạc nhiên trên mạng xã hội. Tuần trước, New York Times cho biết nhóm tranh cử của Trump đã cấm ông đăng tải bài viết mới mà không được sự cho phép của người phát ngôn.

Người Mỹ hoàn thành bỏ phiếu được vài ngày, Trump tái xuất trên Twitter với giọng điệu khiêu khích quen thuộc khi chỉ trích New York Times đã thất bại trong việc tường thuật cuộc bầu cử vừa qua.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS, vị tỷ phú cho biết ông không thích mạng xã hội nhưng nó đã giúp ông truyền tải thông điệp của mình. “Khi mọi người nói xấu về tôi, nó cho phép tôi đáp trả”.

Cuộc chiến mạng xã hội

Theo Figaro, năm 2008, ông Barrack Obama đã nhận được danh hiệu “tổng thống Facebook” nhờ chiến lược truyền thông tập trung vào mạng xã hội và phân tích dữ liệu. 8 năm sau, Donald Trump cho thấy một phiên bản khác của “tổng thống kết nối” với những cải tiến phù hợp với thế giới mạng hiện đại.

Nghiện dùng Twitter từ lâu trước khi trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, ông Trump tận dụng tài khoản của mình để quảng bá cho chiến dịch, kể cả lúc đêm hôm khuya khoắt.

Nội dung một dòng tweet của Donald Trump: "Nhìn Không lực 1 mà xem @ MIA. Tại sao ông ấy lại đi vận động bầu cử thay vì tạo ra việc làm và sửa chữa Obamacare? Quay lại làm việc phục vụ người dân Mỹ đi!". Ảnh: Twitter.

Trên Twitter, Donald Trump công kích không chừa một ai, từ nhà báo, phụ nữ, chính trị gia, giới truyền thông, hoa hậu cho đến tổng thống đương nhiệm.

Ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton là đối tượng ưa thích của ông. Nhà tài phiệt thường mô tả bà Clinton là “xoắn, “xấu xa” và nhiều lần khẳng định sẽ truy tố bà.

Chiến lược cực đoan này giúp cho vị tỷ phú được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông với tần suất áp đảo so với đối thủ. Trên hết, so với các chính trị gia thông thường với ngôn từ mẫu mực đến mức thiếu cá tính, phong cách của Donald Trump là hoàn toàn khác biệt.

Nhờ những dòng tweet không giống ai, Donald Trump nhận được sự quan tâm của một lượng fan đông đảo và nhiệt thành.

Họ hoạt động rất tích cực trên các trang truyền thông cực hữu như Breitbart News, WikiLeaks, các diễn đàn 4chan, 8chan, Reddit. Một trong những sub-forum phổ biến nhất về Donald Trump, The_Donald, có tới gần 280.000 thành viên.

"Trong phân tích truyền thông xã hội, chúng ta tìm kiếm các đám đông phân cực. Càng nhiều người có mặt để ủng hộ một phe nào đó, cơ hội để họ 'chiến thắng' càng cao".

Richard Dron, chuyên gia phân tích truyền thông xã hội, ĐH Salford, Manchester (Anh)

Phe ủng hộ bà Clinton cũng sử dụng công nghệ này. Tuy nhiên, ông Trump đã tận dụng nó tốt hơn.

Giữa cuộc tranh luận lần đầu và lần 2, gần một phần ba số tweet ủng hộ Trump được tạo ra bởi các tài khoản tự động.

Trong cuộc tranh luận lần 3, các bot đã chia sẻ nội dung cho Trump nhiều hơn 7 lần so với bà Clinton, theo một nghiên cứu của Đại học Oxford.

Tuy nhiên, với gần 350 triệu tài khoản hoạt động, tầm ảnh hưởng của Twitter không thể so sánh với hơn 1,7 tỷ người dùng của Facebook. Bởi vậy, trên trang mạng do Mark Zuckerberg sáng lập, ông trùm địa ốc cũng hoạt động tích cực chẳng kém với gần 13 triệu fan.

Cuộc chiến mạng xã hội giữa 2 ứng viên Donald Trump và Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Đồ họa: Tuyết Mai.

Dù gần như không có kênh truyền thông chính thống nào ủng hộ, ứng viên đảng Cộng hòa lại được bù đắp nhờ các trang mạng xã hội tràn ngập trên Internet với thông tin thiếu kiểm chứng.

Vấn đề này đã buộc Zuckerberg phải lên tiếng trên trang cá nhân của mình vào cuối tuần trước. Nhà sáng lập Facebook nhấn mạnh “trong tất cả nội dung trên Facebook, hơn 99% những gì mọi người thấy là xác thực”.

Ngoài ra, gần như ngay sau cuộc bầu cử, Zuckerberg nhận định việc đổ lỗi cho các thông tin giả mạo trên Facebook gây ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu là “một ý tưởng điên rồ”.

Thắng lợi được báo trước

Phương tiện truyền thông đóng vai trò ngày càng tăng trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Một trong những tác động rõ ràng nhất đã diễn ra trong cuộc bầu cử năm 1960 với sự nổi lên của truyền hình.

Tổng thống Kennedy với ngoại hình trẻ trung, lôi cuốn đã thu hút được nhiều khán giả truyền hình hơn so với Richard Nixon, người có vẻ không thoải mái trước ống kính.

Giờ đây, khi hầu hết các ứng viên đều chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi xuất hiện trên truyền hình, đây không còn là vấn đề quan trọng. Thay vào đó, họ ngày càng chú trọng tới việc tương tác với cử tri qua kênh truyền thông phi chính thống.

Donald Trump đã tận dụng truyền thông xã hội như một công cụ truyền thông hiệu quả mà ít tốn kém để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Ảnh: Gage Skidmore.

Ông Obama là tổng thống đầu tiên tận dụng thành công truyền thông xã hội trước khi nó trở nên phổ biến như hiện nay.

Mục AMA (Ask Me Anything) của ông trên trang Reddit nhanh chóng trở thành một trong những chủ đề phổ biến nhất. Một phần của chiến lược này là nhằm tiếp cận các nhóm thiểu số và cử tri trẻ, những người đóng vai trò không nhỏ trong cuộc bầu cử năm 2008 và 2012.

Trong khi nhiều cuộc thăm dò và mô hình dự báo tiên đoán ứng viên đảng Dân chủ là người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, một số công ty phân tích truyền thông xã hội lại đưa ra dự đoán trái ngược.

Các công cụ đo lường nội dung trên mạng xã hội cho thấy Trump có khả năng thắng cử sau khi so sánh độ “nổi tiếng” của 2 ứng viên trên thế giới ảo.

Dựa trên các tính toán, chuyên gia về truyền thông xã hội Richard Dron của Đại học Salford (Anh) cũng đưa ra dự báo tương tự.

“Trên truyền thông xã hội, thông điệp của Trump dường như có tầm ảnh hưởng hơn so với Clinton. Liệu mạng xã hội có đang phản chiếu lại tình trạng của một trong những quốc gia được kết nối trong môi trường số hóa cao nhất thế giới?”, Dron viết trên blog.

Ông so sánh với kết quả tương ứng trong cuộc trưng cầu dân ý để Anh tách khỏi EU (Brexit). Những quan điểm của lãnh đạo phong trào Brexit, Nigel Farage, đã ảnh hưởng lớn trong việc định hình các cuộc trao đổi trên mạng xã hội, còn thủ tướng Anh lúc đó, ông David Cameron, lại không tạo được chú ý.

Rút cuộc, chiến lược marketing của Trump với chi phí thấp hơn nhiều so với đối thủ đã thắng thế. Truyền thông truyền thống với các cuộc thăm dò dư luận đã thất bại trong việc dự đoán kết quả bầu cử năm nay.

Trump càng phát ngôn ngông cuồng, báo chí càng cho rằng ông sẽ thất bại. Trong khi đó, ở cuộc chiến khốc liệt trên mạng xã hội, người nào càng gây được chú ý, cơ hội chiến thắng càng cao.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/trump-vuot-obama-tro-thanh-tong-thong-mang-xa-hoi-post698042.html