Trung Quốc bác phán quyết PCA vì 'không phục' thẩm phán Nhật Bản

Từ chối quyền lựa chọn thẩm phán trong hội đồng PCA ngay từ đầu, giờ đây Bắc Kinh lại "hoạnh họe" khi nói quyết định của ông Shunji Yanai sẽ chỉ thiên vị cho Philippines.

Đối mặt với phán quyết của tòa án quốc tế sắp công bố có thể phủ nhận vị thế của mình trên Biển Đông, Bắc Kinh liên tục đưa ra những lập luận vô lý chỉ để làm giảm đi uy tín của bản án.

Sau khi lặp lại những luận điểm cho rằng Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) không đủ thẩm quyền giải quyết vụ kiện tranh chấp lãnh thổ giữa nước này với Philippines ở Biển Đông thì giờ đây Trung Quốc lại giở chiêu bài quốc tịch trong việc phản đối PCA khi cho rằng có sự tham gia của một người Nhật trong vụ kiện là một điều không công bằng vì có thể sẽ có sự thiên vị cho Manila.

Trung Quốc gọi đây là một "âm mưu" của người Nhật nhằm "gây hại" cho nước này.

Ông Shunji Yanai.

Sự phản đối của Bắc Kinh bắt đầu ngay sau khi Philippines nộp đơn lên tòa quốc tế năm 2013. Ban thẩm phán 5 người được thành lập và hai bên được lựa chọn 4 thẩm phám. Khi đó Bắc Kinh đã bỏ qua quyền lợi của mình khi từ chối tham gia vào vụ kiện.

Bởi vậy theo quy định của UNCLOS, PCA đã chỉ định ông Shunji Yanai, khi đó là Chủ tịch của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), là người lựa chọn hội đồng thẩm phán đại diện cho Manila và Bắc Kinh.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, vai trò của ông Yanai là không công bằng trong vụ kiện lần này, bởi Bắc Kinh và Tokyo có tranh chấp với quần đảo Senkaku của Nhật Bản ở biển Hoa Đông hay còn được Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Các bài báo nước này cho rằng một công dân Nhật Bản không thích hợp trong vai trò là người tham gia vào việc đưa ra phán quyết về một vấn đề quan trọng như vậy.

Trong một bài xã luận được đăng tải trên The Jakarta Post tháng trước, đại sứ Trung Quốc ở Indonesia, Xie Feng, tuyên bố rằng ông Yanai, người từng là chủ tịch ITLOS 2011-2014 và Đại sứ Nhật ở Mỹ giai đoạn 1999-2001, đã tạo ra một hội đồng thẩm phán "khó có thể là một đại diện phổ quát, khi 4 trong số 5 thẩm phán là người châu Âu".

Quan điểm này được lặp lại qua hàng loạt các bài viết trên báo chí Trung Quốc và các bài phỏng vấn của cựu quan chức nước này đăng tải trên các phương tiện truyền thông nước ngoài trong hai tháng qua.

Vài ngày trước, tờ Nhân dân Nhật báo cũng một bài viết nêu quan điểm rằng các thành viên của hội đồng thẩm phán "không đại diện cho giá trị toàn cầu chung của một tòa án quốc tế, họ mang quan điểm khác nhau và xuất phát từ các hệ thống pháp luật khác nhau".

Dưới bút danh "Zhong Sheng", thường được dùng trong các bài viết mang quan điểm của nhà nước Trung Quốc, bài báo nói rằng: "Xem xét vấn đề tranh chấp trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ông Yanai lẽ ra nên tránh tham gia vào phán quyết lần này. Nhưng ông ấy cố tình lờ đi và vi phạm rõ ràng nguyên tắc của một tòa án công lý".

Tuy nhiên tác giả đã không trích dẫn được nguyên tắc nào bị vi phạm được nhắc đến trong bài viết. Và thực tế, ông Yanai chỉ là người chọn ban thẩm phán chứ không phải là thẩm phán trực tiếp xem xét vụ kiện.

Julian Ku, một Giáo sư về luật hiến pháp tại Đại học Hofstra ở New York, nói rằng các tuyên bố của Trung Quốc đã bỏ qua một thực tế quan trọng.

"Lý do duy nhất khiến ông Shunji Yanai, lúc đó là Chủ tịch ITLOS, tham gia chỉ định thẩm phán trong vụ kiện Biển Đông là vì Trung Quốc đã từ chối quyền lợi của mình trong việc lựa chọn thành viên hội đồng thẩm phán", ông Ku viết trên trang blog Lawfare. "Vì Trung Quốc tẩy chay toàn bộ thủ tục tố tụng, bởi vậy Điều 3 trong Phụ lục VII của UNCLOS đã trao quyền cho chủ tịch ITLOS cử ra thành viên trong hội đồng nếu một bên không lựa chọn".

Khi được hỏi về những bình luận từ phía Trung Quốc, ông Shunji Yanai nói với tờ Japan Times hôm 6/7 rằng "những yếu tố mà Trung Quốc nhắc tới không liên quan gì đến vụ kiện Biển Đông".

"Vấn đề của tôi là người Nhật, nhưng theo quy định chỉ rõ rằng trong trường hợp các thẩm phán không được chỉ định bởi một bên tham gia, chủ tịch ITLOS sẽ phải thế vào vai trò này", ông Yanai cho biết, "tôi cho rằng mình đã làm theo đúng các quy tắc. Trên cương vị Chủ tịch ITLOS, tôi không phải đại diện cho Nhật Bản trong tòa án. Đó là điều khá rõ ràng".

Trả lời về việc Trung Quốc nói rằng có quá nhiều công dân châu Âu trong hội đồng thẩm phán, ông Yanai quả quyết: "Đây là một cơ quan pháp luật, không phải một tổ chức chính trị đại diện cho Liên Hợp Quốc. Tiêu chuẩn đầu tiên của một thẩm phán là khả năng của họ chứ không phải lý do nào khác".

"Tất cả các thành viên tòa án đều là những người rất am hiểu pháp luật. Họ được cả cộng đồng quốc tế công nhận, chỉ ngoại trừ Trung Quốc", ông Yanai nói thêm.

Giới phân tích cho rằng, với việc tập trung vào quốc tịch của ông Yanai và thành phần hội đồng thẩm phán gốc châu Âu, Bắc Kinh muốn hạ thấp uy tín của tòa quốc tế nhằm bảo toàn cho chính sách "cốt lõi" của mình ở Biển Đông.

Theo Alex Calvo, Giáo sư danh dự tại Khoa Luật thuộc Đại học Nagoya, Nhật Bản vai trò của ông Yanai trong trường hợp này có thể đưa Tokyo vào một vị thế khó xử.

Trung Quốc và Nhật Bản vốn có các mâu thuẫn về địa lý, lịch sử trong quá khứ. Trong khi tranh chấp Senkaku và vấn đề Biển Đông không liên quan đến nhau, Bắc Kinh đang dùng ông Yanai để thổi bùng lại các mâu thuẫn này.

Tuy nhiên, ông Calvo cho biết, "trên danh nghĩa pháp luật, ông Yanai không cần phải bào chữa cho bản thân và Trung Quốc không thể tự lựa chọn thành viên hội đồng thẩm phán thông qua quan điểm của mình trên các phương tiện truyền thông".

Đọc thêm>>> Trung Quốc thách thức: Quyết 'không lùi một bước' ở Biển Đông

Tranh chấp Biển Đông: Mỹ khuyên Trung Quốc lấy Ấn Độ 'làm gương'

Minh Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/trung-quoc-bac-phan-quyet-pca-vi-khong-phuc-tham-phan-nhat-ban-a249368.html