Trung Quốc "bắt tay” Châu Phi

Trung Quốc dự định cung cấp khoản vay viện trợ trị giá 20 tỷ USD cho Châu Phi đầu tư vào xây dựng hạ tầng và lĩnh vực tài chính thương mại ba năm tới.

small_662.jpg Một phần tương đối trong 20 tỷ USD này sẽ được đầu tư khôi phục hệ thống tàu hỏa ở Angola và Nigeria và xây dựng một nhà máy thủy điện lớn ở Ethiopia. Số tiền lớn này khiến Trung Quốc vượt qua rất nhiều nhà tài trợ phương Tây lớn, truyền thống của Châu Phi khi so sánh một cách đơn lẻ. Thông tin trên đã được Donald Kaberuka - Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Phi xác nhận cuối tuần qua sau khi được đại diện của Ngân hàng xuất khẩu Trung Quốc-Exim Bank thông báo về chuyện này. Nhưng chương trình cho vay viện trợ phát triển kinh tế trị giá 20 tỷ USD của Trung Quốc cho Châu Phi đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của khối các quốc gia phát triển nhất thế giới - G8. Đức cho rằng kế hoạch này có thể khiến cho lục địa đen quay trở lại quá khứ phiền muộn với rất nhiều nợ nần. Peer Steinbruck - Bộ trưởng Tài chính Đức nói Trung Quốc dường như có ý định bỏ qua điều G8 đang cố gắng làm là giảm nợ cho Châu Phi. G8 cho rằng hầu hết số tiền cho vay viện trợ của Trung Quốc nhằm đổi lấy dầu mỏ và các khoáng sản giá trị như đồng đỏ của Châu Phi phục vụ cho nền kinh tế đang bùng nổ mạnh mẽ của Trung Quốc nên Trung Quốc sẽ là một nguy cơ khá nguy hiểm đối với Châu Phi trong việc phát triển kinh tế. Theo G8, Châu Phi cần tỉnh táo nhận ra sự nguy hiểm khi làm ăn với Trung Quốc vì thâm hụt thương mại của Châu Phi và Trung Quốc hiện đang là 3 tỷ USD một năm và sẽ còn tăng mạnh. Bên cạnh đó hàng hóa giá rẻ, chất lượng thấp của Trung Quốc tràn vào Châu Phi đã làm phá sản, đóng cửa nhiều nhà máy, Cty sản xuất đồ dùng cơ bản, thông dụng hàng ngày như kem đánh răng, xà phòng, vải vóc, đồ may mặc. G8 đã đưa ra một ví dụ dễ thấy là ngay cả nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới như Mỹ cũng đang lao đao khi làm ăn với Trung Quốc. Do đó nếu Châu Phi không tỉnh táo thì sớm muộn cũng sẽ bị thua thiệt lớn với Trung Quốc. Dư luận cho rằng sự phản ứng của G8 với Trung Quốc chẳng qua là không muốn chia sẻ tầm ảnh hưởng tại Châu Phi nơi mà mỗi đồng đôla viện trợ của phương Tây đều gắn với các điều kiện về chính trị. Theo họ đầu tư và khách hàng là điều rất cần cho Châu Phi do vậy sự có mặt của Trung Quốc chỉ làm cho môi trường hoạt động kinh tế Châu Phi thêm sôi động và có lợi. Một bằng chứng khác về việc các khoản vay cho Châu Phi chưa hẳn đã tốt là người lãnh đạo của Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới hầu như đều là người Mỹ hoặc Châu Âu, không có ai từ thế giới các quốc gia đang phát triển vì thế chuyện có thật lòng giúp đỡ Châu Phi là câu hỏi lớn. Nhưng hoạt động đó đã bị nhóm hoạt động xã hội giúp Châu Phi giảm nợ, chống AIDS và tăng cường thương mại (viết tắt là DATA) bóc trần, DATA nói rằng những điều G8 thể hiện trên báo chí chẳng qua là giả nhân giả nghĩa vì hai năm qua, thực tế các quốc gia giàu có G8 chỉ mới giúp đỡ Châu Phi 2,3 tỷ USD trong số 25 tỷ USD khối này cam kết viện trợ cho Châu Phi. Chính vì vậy khi G8 đưa ra cam kết sẽ tiếp tục giúp đỡ Châu Phi tới 50 tỷ USD tới năm 2010, các nhà phân tích cho rằng lời hứa này không mang nhiều tính hiện thực. Chủ tịch Ngân hàng phát triển Châu Phi, Kaberuka thẳng thắn nhận định vài tỷ đôla phương Tây thực hiện trong thời gian qua chỉ là một giọt nước trong đại dương vì nhu cầu vốn của Châu Phi rất lớn. Theo ông mặc dù khoản cho vay theo cam kết của Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản cho Châu Phi lớn hơn của Trung Quốc nhưng chúng thường đi kèm theo các điều kiện và đa phần không đi vào thực hiện được. Trong khi đó 20 tỷ USD của Trung Quốc cho vay chắc chắn sẽ không có quá nhiều điều kiện vì Trung Quốc đang thực hiện một chiến lược có tầm nhìn xa, trở thành bạn hàng của Châu Phi thay vì can thiệp trực tiếp vào công việc nơi đây.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/28884-trung-quoc-bat-tay-chau-phi